Lý do không sáp nhập xã biên giới Krông Na
Ngày 22/4, một lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk cho biết, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) là xã có diện tích lớn nhất Việt Nam và là xã biên giới nên sẽ không sáp nhập.
Xã Krông Na có diện tích tự nhiên 11.113,79 km2, dân số 6.582 người. Đây là xã có diện tích lớn nhất Việt Nam.

Xã Krông Na có diện tích tự nhiên 11.113,79 km2, dân số 6.582 người.
Xã Krông Na sở hữu diện tích rừng lớn, nối liền Vườn Quốc gia Yók Đôn và rừng Ea Súp, tạo nên vùng sinh thái xanh mát, giàu đa dạng sinh học. Theo Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, khu vực này có tới 464 loài thực vật, 62 loài thú, 196 loài chim, cùng nhiều loài bò sát, ếch quý hiếm – lợi thế lớn để phát triển du lịch sinh thái.
Bên cạnh rừng, Krông Na còn được sông Sêrêpốk uốn lượn 30-40 km qua địa bàn, vừa mang vẻ đẹp hùng vĩ, vừa tạo nên cảnh quan thơ mộng, quyến rũ du khách.
Theo dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của UBND tỉnh Đắk Lắk, xã Krông Na có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đã đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định.
Đồng thời, là xã biên giới, có đường biên giới giáp với nước Campuchia, chủ yếu là rừng và vườn Quốc gia Yok Đôn, có địa hình đồi núi, chia cắt phức tạp, hiểm trở, có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 74,93%, có vị trí đặc biệt quan trọng đến quốc phòng, an ninh biên giới và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Nếu nhập thêm 1 xã vào với nhau thành 1 xã mới có sự giãn cách lớn về diện tích tự nhiên, gây khó khăn trong quản lý của chính quyền cấp xã, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia.

Dự kiến, sau sắp xếp, xã Krông Na được giữ nguyên và đổi tên thành xã Buôn Đôn.
Do đó, dự kiến, sau sắp xếp, xã Krông Na được giữ nguyên và đổi tên thành xã Buôn Đôn, nơi đặt trụ sở làm việc tại trụ sở UBND xã Krông Na cũ.
Bà Bun Sốm Lào, Chủ tịch UBND xã Krông Na cho biết, địa phương đã hoàn thành việc lấy ý kiến người dân về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, đa phần bà con đều đồng tình với phương án giữ nguyên quy mô dân số, diện tích của xã Krông Na và đồng tình phương án đổi tên xã Krông Na thành xã Buôn Đôn.
Dự kiến, toàn tỉnh còn 67 đơn vị hành chính cấp xã
Cũng theo dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của UBND tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có 180 đơn vị hành chính cấp xã (gồm18 phường, 13 thị trấn và 149 xã).
Sau sắp xếp, tỉnh Đắk Lắk sẽ còn 67 đơn vị hành chính cấp xã mới (gồm 7 phường, 60 xã), giảm 113 đơn vị hành chính (gồm 11 phường, 13 thị trấn, 89 xã).
Trong đó, Tp.Buôn Ma Thuột còn 6 đơn vị hành chính cấp xã mới. Thị xã Buôn Hồ còn 3 đơn vị hành chính cấp xã. Huyện Ea Súp còn 5 đơn vị hành chính cấp xã. Huyện Buôn Đôn còn 3 đơn vị hành chính cấp xã.
Huyện Cư M’gar còn 6 đơn vị hành chính cấp xã. Huyện Krông Búk còn 3 đơn vị hành chính cấp xã. Huyện Ea H’leo còn 5 đơn vị hành chính cấp xã. Huyện Krông Năng còn 4 đơn vị hành chính cấp xã. Huyện Krông Pắk còn 6 đơn vị hành chính cấp xã.
Huyện Ea Kar còn 4 đơn vị hành chính cấp xã. Huyện M’Drắk còn 6 đơn vị hành chính cấp xã. Huyện Krông Bông còn 5 đơn vị hành chính cấp xã. Huyện Lắk còn 5 đơn vị hành chính cấp xã. Huyện Cư Kuin còn 3 đơn vị hành chính cấp xã. Huyện Krông Ana còn 3 đơn vị hành chính cấp xã.

Theo dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của UBND tỉnh Đắk Lắk, sau sắp xếp toàn tỉnh sẽ còn 67 đơn vị hành chính cấp xã.
Người dân bày tỏ kỳ vọng, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính sẽ tạo ra một bộ máy quản lý tinh gọn, năng động và gần dân hơn.
Bà Hoàng Thị Hồng (trú tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn sau khi sắp xếp, thủ tục hành chính sẽ nhanh gọn hơn, cán bộ gần dân hơn, và cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương cũng sẽ rộng mở hơn nữa".
Ông Bùi Đức Hải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ea Kiết (huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, sau khi sáp nhập, địa giới hành chính các xã sẽ mở rộng đáng kể, kéo theo nhiều khó khăn trong công tác quản lý và tiếp xúc giữa cán bộ với nhân dân. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận, ủng hộ tích cực từ người dân, các cơ quan hành chính cấp xã sau sắp xếp sẽ nhanh chóng vận hành ổn định, hiệu quả.
Ông Phạm Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar) cho biết, đến thời điểm hiện nay, địa phương đã hoàn tất việc lấy ý kiến nhân dân về sáp nhập đơn vị hành chính. Hầu hết người dân trên địa bàn đều đồng tình, ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Đồng thời, đặt nhiều kỳ vọng vào sự đổi mới, phát triển của địa phương sau sáp nhập.
Ông Nguyễn An Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, nhận định việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính là bước đi cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động. Ông tin tưởng quá trình này sẽ diễn ra thuận lợi nhờ sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Về đề xuất hợp nhất Đắk Lắk và Phú Yên, ông cho rằng điều này hợp tình, hợp lý, dựa trên mối quan hệ gắn bó từ thời kháng chiến. Ông nhấn mạnh cần phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ cán bộ 2 địa phương ổn định công tác và tuyệt đối không phân biệt cán bộ "cũ – mới" để xây dựng Đắk Lắk mới vững mạnh.
Khánh Ngọc