Đừng kinh doanh ở trung tâm Thủ đô
Câu chuyện xoay quanh ý tưởng xây dựng ‘Đại lộ danh vọng’ cạnh hồ Gươm theo hình thức BOT đang được dư luận quan tâm. Hình thức xây dựng BOT, cho doanh nghiệp làm và sau đó kinh doanh, được nhiều chuyên gia cho là bất cập.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng đưa ra cảnh báo: “Khu vực hồ Gươm là không gian hưởng thụ văn hóa của người dân, không chỉ là bộ mặt Thủ đô mà còn là hình ảnh của đất nước. Bởi vậy nếu cho doanh nghiệp vào đây kinh doanh là không hợp lý, không được ủng hộ”.
Theo ông Hùng, người dân đã đóng tiền thuế để làm đường, giờ xây thêm một phố đi bộ ghi danh mà thu phí của dân sẽ khiến nhiều người “không phục”.
Ông Hùng nói: “Việc đưa doanh nghiệp vào sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề. Chúng ta đã có bài học ở nhiều nơi khác. Doanh nghiệp thì luôn đặt lợi ích lên hàng đầu, vì thế đừng áp dụng ở hồ Gươm, trung tâm của Thủ đô, trung tâm của đất nước”.
“Làm gì cũng phải tính đến hiệu quả của nó, không thể có chuyện chỉ tính đến thu tiền của dân… nếu làm công trình này, cái mất nhiều hơn là cái được”, ông Hùng nói.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc NXB Giao thông, nếu biến không gian đó thành hợp đồng BOT là không hợp lý. Bởi sau một tuần làm việc vất vả, người dân muốn lên khu vực đó đi bộ là phải trả tiền.
“Đừng thương mại hóa một con đường của Thủ đô, đường xá là phương tiện công cộng của người dân đi lại, sinh sống và làm việc chứ không phải nơi để thương mại hóa một cách đơn giản như vậy. Việc thương mại hóa các con đường giao thông công cộng sẽ gây ách tắc giao thông, phản cảm, làm cho không gian vốn có biến mất, nhiều người đi phải tránh, trong khi các tuyến đường ghi danh có làm ra thì cũng phải mời người dân đến, chứ không phải thu phí, giống như tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ ở TPHCM đang làm rất tốt. Hơn nữa, khi đã có BOT thì phải giám sát mức thu phí, thời gian thu phí, hiệu quả hoạt động, mà khi đó sẽ không còn là một tuyến đi bộ thong dong, đặc trưng cho văn hóa", ông Thủy phân tích.
Ông Thủy cũng cho rằng việc in tên trên đá rồi mọi người đi là phù hợp với văn hóa châu Âu chứ không phải Việt Nam, nên khi làm cần xem nó có hợp với văn hóa Việt Nam hay không (?).
“Khi làm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám chúng ta ghi tên Tiến sĩ lên các tấm bia trên lưng rùa chứ không ai để dưới đất”, TS Thủy bày tỏ.
TS. Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng cho rằng, đề xuất này không phù hợp phong tục và quan điểm giản dị của người Việt Nam, còn danh nhân thì ai công nhận, theo tiêu chí nào?
Sở Văn hoá lên tiếng
Trao đổi về vấn đề này với PV, Phó giám đốc sở VHTT Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết: Đây là vấn đề liên quan đến văn hóa nhưng đến nay Sở chưa nhận được đề xuất này. Theo ông Tiến, đề xuất trên mới là ý tưởng và để làm được thì còn phải xin ý kiến các cơ quan chức năng cũng như các chuyên gia cùng người dân.
Lãnh đạo sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, chưa nhận được đề xuất này và đến khi có đề xuất cụ thể mới có thể nêu ý kiến. Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cho rằng, không có chuyện thu tiền của người dân khi đến phố đi bộ quanh hồ Gươm.
Còn ông Phạm Tuấn Long – Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm thì nói rằng, đây mới là ý tưởng, chưa ai quyết định và có lẽ sẽ không làm.
Nhất Nam