Như đã thông tin, UBND TP.Hà Nội có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành quy hoạch xây dựng lại khu vực Ga Hà Nội. Ngoài phục vụ cho ngành Đường sắt còn là trung tâm tài chính, kiến trúc, nghỉ dưỡng đô thị, với các công trình cao từ 40-70 tầng.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, lãnh đạo tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị chưa nhận được văn bản hay đề xuất nào về việc xây trung tâm Thương mại tại khu vực Ga Hà Nội. Vì vậy, Tổng công ty chưa đưa ra nhận xét gì việc này.
Đặc biệt, Ga Hà Nội là đầu mối kết nối giao thông đô thị và đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch nên khi có đề xuất thì cần phải xem xét.
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cho rằng, khu vực Ga Hà Nội rất nhạy cảm về giao thông, là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch trong nội thành như: Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng. Hiện nay, khu vực này đang bị ùn tắc, nếu xây dựng công trình cao từ 40-70 tầng thì càng làm tắc nghẽn hơn.
Nói về lợi ích trong việc xây trung tâm Thương mại, nhà cao tầng tại khu vực Ga Hà Nội, ông Liêm cho rằng: “Thành phố nên tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng đang bị “đắp chiếu” ở các khu vực như Mỹ Đình, Hà Đông, Hoàng Mai và các huyện ngoại thành hơn là cứ lao vào đầu tư xây dựng các khu đất “vàng” nội thành vốn dĩ đã chật chội. Trong khi đó, TP.Hà Nội còn đang loay hoay đi tìm các giải pháp để chống ùn tắc giao thông. Đề xuất này là vì “lợi ích nhóm” lãnh đạo thành phố cần phải hết sức tỉnh táo với đề xuất này”.
Trước đó, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ chưa nắm rõ về đề xuất xây dựng khu nhà cao tầng tại khu vực Ga Hà Nội. Tuy nhiên, nếu TP.Hà Nội đề xuất thì Bộ sẽ phải xem xét, lấy ý kiến các chuyên gia, bộ, ban ngành về việc này. Khu vực Ga Hà Nội đã được Thủ tướng đưa vào quy hoạch, vì vậy cần phải xem xét thật kỹ.
Thế Anh