Thí điểm xe buýt nhanh để giảm ùn tắc
Xe buýt nhanh (BRT - Bus Rapid Transit), một phương tiện tích hợp giữa xe buýt và tàu điện ngầm đang được coi là giải pháp chống ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn của Việt Nam.
Mới đây, giải pháp này được rất nhiều chuyên gia đồng tình và cho rằng nó thích hợp với nước ta trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của TP.HCM chạy dọc đại lộ Đông - Tây có tổng vốn khoảng 150 triệu USD dự kiến sẽ được hoàn thành năm 2017.
Xe buýt nhanh sẽ chạy tới 50km/h trên làn đường riêng (hình minh họa)
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, xe buýt nhanh sẽ chạy tới 50 km/h trên làn đường riêng và có khả năng vận chuyển 20.000 hành khách trong một giờ/tuyến. Xe buýt nhanh sẽ xây dựng nhà chờ ở dải phân cách giữa làn đường, cửa xe cũng sẽ mở ở phía bên trái. Nhà chờ sẽ được đặt ở gần ngã tư nên hành khách đi theo vạch sơn kẻ đường tại các nút giao thông để tiếp cận xe buýt.
PGS - TS. Vũ Thị Vinh, Hiệp hội Đô thị Việt Nam nhìn nhận, tàu điện ngầm được Ngân hàng Thế giới khuyến cáo là giải pháp hiệu quả để giảm ùn tắc giao thông cho những thành phố có dân số hơn 1,5 triệu người song chi phí rất cao. Xe buýt nhanh có ưu điểm là khả năng vận chuyển lớn trong khi chi phí rẻ hơn rất nhiều so với tàu điện.
Ông Hà Văn Tú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tỏ ý lo lắng, hiện nay người dân vẫn chưa có ý thức khi qua đường. Qua đường mà cứ bạt mạng, ngay như ở chân cầu vượt Ngã Tư Sở, cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, các xe lưu thông đều ở tốc độ cao mà người đi bộ vẫn băng băng chạy qua. Như thế, khi tuyến xe buýt nhanh đi vào triển khai liệu có gây tai nạn chết người như cơm bữa không.
Vào giờ cao điểm, có hôm lưu thông trên đoạn đường Cầu Giấy (Hà Nội), chỉ cần một, hai chiếc xe buýt quay đầu là cả đoạn đường ùn tắc kéo dài, thêm vài chiếc nữa thì dễ tắc đường cục bộ mất. Xe máy dù có nhiều hơn vẫn lách được, nhưng nếu giờ thêm vài chiếc xe buýt nhanh cồng kềnh, chiếm phần lớn diện tích đường thì e rằng sẽ đi ngược mục đích giảm ùn tắc ban đầu.
Là một người chuyên dùng xe buýt làm phương tiện di chuyển, chị Tạ Thị Hà (thôn Lộc, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, xe buýt nhanh có rất nhiều tiện ích. Nhất là đối với người dùng phương tiện công cộng làm phương tiện chính vì sẽ tiết kiệm thời gian, không phải chôn chân hàng giờ trên một đoạn đường. Tuy vậy, chị Hà băn khoăn rằng đường vẫn bé như vậy thì sao mà đi được, thêm nữa, bao nhiêu phần trăm dân cư đi xe buýt, liệu họ có chuyển từ xe máy sang xe buýt không.
Câu hỏi đặt ra là liệu với các đô thị cũ, đô thị cải tạo nơi tỷ lệ đất dành cho giao thông thấp mà Hà Nội, TP.HCM là điển hình, mặt đường nhỏ, hẹp, mật độ giao thông cao, nhiều nút giao cắt thì điều này có khả thi? Trừ khi phải cải tạo lại đường. Thế nhưng, giả sử cải tạo được đường thì coi như bài toàn ùn tắc đã đỡ đi vài phần, xe buýt nhanh lúc đó còn cần thiết?
TS. Đinh Thị Thanh Bình, Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải (đại học GTVT)
Phải sửa cách gọi "xe buýt nhanh"
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, TS. Đinh Thị Thanh Bình, Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải (đại học GTVT) cho rằng, xe buýt nhanh là phương tiện vận tải công cộng có khối lượng, tốc độ khá lớn. Theo đúng nghĩa thì xe buýt nhanh chạy làn đường riêng nên có tần suất khai thác lớn, năng lực chuyên chở lớn hơn xe buýt thường.
Nếu đúng nghĩa, xe buýt nhanh có thể tương đương với đường sắt trên cao về năng lực chuyên chở. Nó có thể đến 200 hành khách nhưng lúc đó phải yêu cầu về bán kính đường tốt, có đủ đường dành riêng cho xe chạy.
Với điều kiện ở Việt Nam, nếu phát triển xe buýt nhanh tại những thành phố trung bình thì xe buýt nhanh hoàn toàn đáp ứng nhu cầu là tuyến trục. Những thành phố này cũng không có sức ép về quỹ đất giao thông. Năng lực tuyến phù hợp nhu cầu nói chung. Việc phát triển xe buýt nhanh ở Đà Nẵng cũng như các thành phố trung bình là hoàn toàn phù hợp.
Đối với những thành phố lớn, xe buýt nhanh là tuyến bên dưới đường sắt đô thị, hỗ trợ cho những tuyến trục đô thị. Năng lực chuyên chở của xe buýt nhanh phù hợp nhu cầu của thành phố nói chung. Ở khu đô thị lớn, những tuyến xe buýt thường không đáp ứng được nên hoàn toàn có thể đưa xe buýt nhanh vào đáp ứng, tức là nó hỗ trợ cho tuyến trục.
Ở Hà Nội, xe buýt nhanh đầu tiên là tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa. Tuyến có làn đường dành riêng để xe buýt chạy riêng nhưng cũng không tránh được những đoạn đường chạy chung. Xe buýt nhanh ở thành phố chỉ nên khai thác 80 chỗ, bằng xe buýt thường.
"Vấn đề đau đầu là ở nội thành thiếu quỹ đất giao thông, xe buýt nhanh không phát huy được ưu điểm. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc thí điểm xe buýt nhanh. Trong khu đô thị thiếu quỹ đất, ở ngoài khu đô thị đường rộng, triển khai xe buýt nhanh hỗ trợ tuyến đường sắt phụ trợ là hợp lý. Nhiều người lo ngại xe buýt nhanh chạy gây nhiều tai nạn nhưng tôi không nghĩ thế.
Hiện ở Hà Nội có duy nhất trên đường Nguyễn Trãi có làn đường dành riêng cho xe buýt nhưng ít xảy ra tai nạn. Thường xe buýt nhanh chạy với tốc độ nhất định mới đáp ứng được nên phải quản lý tốt những đoạn giao cắt, đường ngang", TS. Thanh Bình nói.
Cũng theo TS. Đinh Thị Thanh Bình, xe buýt nhanh thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM không hẳn gọi là "xe buýt nhanh" chạy quãng dài như trên thế giới mà phải sửa gọi là xe buýt thường chạy làn dành riêng trên từng đoạn. Ở Đà Nẵng, trong giai đoạn một của xe buýt nhanh thì một nửa tuyến chạy dành riêng theo đúng chuẩn xe buýt nhanh, một nửa tuyến vẫn đang chạy chung với xe buýt thường. Sau năm 2025 sẽ chạy hoàn toàn đúng chuẩn xe buýt nhanh của thế giới, hệ thống ga khép kín, vé tự động.
"Về lâu dài, đường sắt đô thị vẫn là tuyến trụ của chúng ta nếu muốn phát triển hệ thống vận tải công cộng tốt, đối với đô thị lớn thì cần tàu điện. Tuy nhiên, ở đây không phải đường sắt 2 - 3 toa tàu mà tối đa phải từ 6 - 8 toa, tối thiểu 4 toa mới đủ phục vụ nhu cầu dân cư ở Hà Nội, TP.HCM. Vai trò của đường sắt đô thị là những trục vận tải xương sống, xe buýt nhanh mang tính chất hỗ trợ để kết nối những trục vận tải xương sống với nhau". (TS. Đinh Thị Thanh Bình, Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải (ĐH GTVT)). |
Yến Dương