Nhiều năm nay, khi trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đặt trên Quốc lộ 1A, cung đường Trảng Bom – Cây Gáo – Thanh Bình – Dốc Mơ (thuộc 2 huyện Trảng Bom và Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) bỗng nhiên thành “nạn nhân” của xe né trạm.
Theo các tài xế, họ phải đi đường vòng để né trạm nhằm tránh phát sinh chi phí oan mỗi khi lưu thông qua đây. Bởi, họ không có nhu cầu đi vào đường tránh Biên Hòa nhưng bị thu phí với giá quá “chát”.
Cụ thể, phương tiện khi lưu thông từ TP.HCM đi các tỉnh khác muốn né trạm sẽ theo Quốc lộ 1A đến thị trấn Trảng Bom rẽ vào đường Trảng Bom - Cây Gáo, rồi lên ĐT 762 hoặc ra Thanh Bình – Dốc Mơ, rồi mới đi Quốc lộ 20.
Khi đến Quốc lộ 20, tài xế có thể lái xe rẽ trái để chạy hướng tỉnh Lâm Đồng hoặc xuống ngã tư Dầu Giây để ra tỉnh Bình Thuận và các tỉnh phía Bắc mà không phải qua trạm BOT và trạm cân trên Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Trảng Bom.
Khi lưu thông theo chiều về TP.HCM, các tài xế tiếp tục đi vào cung đường cũ, vừa né trạm thu phí lại tránh được trạm cân.
Tài xế xe tải Nguyễn Anh Hưng bày tỏ không đồng tình với cách đặt trạm thu phí BOT tuyến tránh TP.Biên Hòa nên chọn cung đường trên để di chuyển. Như vậy, anh có thể tiết kiệm được một khoản tiền.
“Xe không có nhu cầu đi vào đường tránh nhưng phải trả phí lên đến hàng trăm ngàn đồng cho mỗi ngày lưu thông, tôi không chấp nhận được. Tiền đó để dành nuôi con còn hơn hoang phí cho những thứ mình không được phục vụ”, anh Hưng bức xúc nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thanh Tùng (ngụ ấp 4, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) cho biết: "Xe chạy cả ngày và đêm nên đường ngày càng xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà. Sợ nhất khi chúng tôi đi lại bằng xe máy, nhiều người đã chết oan chỉ vì đường quá xấu. Tôi mong cơ quan chức năng sớm có phương án, để tình trạng này cực cho chúng tôi”.
Còn chị Nguyễn Thị Vi (cùng ngụ khu vực nói trên) cho hay, chị rất sợ khi lưu thông trên đoạn đường mà các tài xế sử dụng để né trạm. Đường bé nhưng lượng xe lưu thông lại quá lớn, có nhiều thời điểm xe ùn ùn nối đuôi nhau khiến người dân gặp nguy hiểm.
“Sợ và lo nhất là mấy đứa nhỏ đi học về, nhiều khi người toàn sình lầy vì té hoặc bị xe tạt nước vào người, ngán ngẩm lắm”, chị Vi nói.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom thông tin, xã liên tục nhận được phản ánh của người dân về tình trạng đường xuống cấp, mặt đường hư hỏng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người dân. Thực tế, năm 2016 đến nay, 2 người đi xe máy sập ổ gà, ngã tử vong.