Ngày 31/12/2016, tuyến buýt nhanh BRT chính thức hoạt động đã nhận được nhiều sự quan tâm dư luận xã hội. Tuy nhiên, hiệu quả của tuyến buýt nhanh BRT Hà Nội vẫn đang là dấu hỏi được nhiều người đặt ra.
Để tìm hiểu về hiệu quả của tuyến buýt nhanh, PV báo Người Đưa Tin đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, tuyến buýt nhanh BRT số 1 Yên Nghĩa - Kim Mã về vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về tuyến buýt nhanh sau gần 10 ngày hoạt động?
Tuyến buýt nhanh BRT đi vào hoạt động đã nhận được nhiều sự ủng hộ và phản ứng tích cực từ phía người dân, nhưng do tuyến còn khá mới mẻ nên vẫn còn nhiều hạn chế, cần phải khắc phục, hoàn thiện thêm.
Chất lượng phục vụ của nhân viên, lái xe văn minh, thân thiện, giờ giấc vào các điểm chờ, bến đảm bảo. Trung bình mỗi ngày buýt nhanh vận chuyển được hơn 11.000 khách, tỷ lệ sử dụng ghế là 31%, con số này vẫn còn tăng liên tục theo từng ngày.
Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm hạn chế cần phải khắc phục như, phương tiện cá nhân lấn làn, ùn tắc ở các điểm quay đầu xe, việc tiếp cận nhà chờ của hành khách còn lúng túng. Hay nhiều người không đi theo hướng dẫn mà băng cắt qua đường, rất nguy hiểm.
Ban quản lý có giải pháp gì để khắc phục những mặt hạn chế kể trên, khi nào sẽ xử phạt xe lấn làn buýt nhanh BRT?
Hiện nay, chúng ta vẫn chưa xử phạt các phương tiện lấn làn tuyến buýt nhanh BRT. Lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông vẫn chỉ nhắc nhở người dân khi có vi phạm. Khi nào UBND Hà Nội có chỉ đạo cụ thể thì sẽ tiến hành xử phạt đối với việc lấn làn buýt nhanh. Trong khi chưa có quyết định xử phạt, chúng tôi đã làm việc với kênh VOV Giao thông, mượn tạm họ hệ thống camera trên đường.
Các xe lấn đường BRT sẽ bị camera ghi lại biển kiểm soát sau đó đọc trên hệ thống này. Chúng tôi đang nghiên cứu việc xây dựng hệ thống loa tự động ở các nút giao, nơi có đèn đỏ. Khi phát hiện xe vi phạm, chúng tôi sẽ đọc biển kiểm soát và nhắc nhở trực tiếp trên loa. Đây chỉ là những biện pháp tạm thời.
Tuyến đường Lê Văn Lượng – Láng Hạ là điểm nóng giao thông Hà Nội, vậy tại sao lại chọn tuyến đường này làm tuyến buýt nhanh chạy song song với buýt truyền thống, thưa ông?
Chúng tôi xây dựng buýt nhanh không dựa trên tiêu chí nhiều hay ít làn, rộng hay hẹp mà là chọn hành lang có mật độ, áp lực giao thông cao. Ở các nước phát triển, áp lực giao thông không cao, cơ sở hạ tầng tốt, trật tự nên buýt nhanh rất hiệu quả.
Hà Nội không có đoạn đường nội đô nào rộng rãi, hạ tầng giao thông tốt như nước ngoài nên việc xây dựng BRT phải nghiên cứu rất kỹ. Khi chọn tuyến Yên Nghĩa - Kim Mã xây dựng tuyến BRT, chúng tôi đã phải giải quyết nhiều vấn đề giao thông ở hành lang này.
Tuyến đường từ Lê Văn Lương - Láng - Láng Hạ - Giảng Võ hẹp. Chúng ta không thể ưu tiên cho buýt nhanh một cách triệt để được, nên không thể xây dựng giải phân cách cứng dành riêng cho buýt nhanh. Theo quy định, khi tắc đường, các phương tiện giao thông vẫn được đi vào đường buýt nhanh để giảm áp lực.
Từ nay đến 2050, Hà Nội sẽ chọn thêm 7 hành lang giao thông có cơ sở vật chất, hạ tầng khá tốt để xây dựng BRT. Những hàng lang này nằm cùng với các tuyến đường sắt đô thị. Trong khi chờ đường sắt đô thị hoàn thành, Hà Nội triển khai một số đoạn tuyến BRT để phục vụ hành khách. Chúng tôi rất vui khi tuyến buýt nhanh đã được nhiều người dân ủng hộ.
Thế Anh