Sau khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý với đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030", đồng nghĩa với việc Hà Nội sẽ thu phí ô tô và phí ô nhiễm môi trường đối với các phương tiện đi vào nội đô.
Những vấn đề liên quan đến mức phí, biểu phí với từng loại xe, phương tiện đi vào nội thành Hà Nội đang trở thành đề tài nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.
PV báo Người Đưa Tin đã có buổi làm việc với ông Vũ Văn Viện, Giám đốc sở GTVT Hà Nội để giải đáp những câu hỏi mà dư luận đặt ra.
Không chỉ áp dụng tại Hà Nội
Thưa ông, đề án thu phí phương tiện vào nội đô TP.Hà Nội xuất phát từ mục tiêu gì? Phải chăng, Thủ đô không còn phương án nào khác để làm giảm ùn tắc giao thông nên tiến hành thu phí phương tiện?
Thành phố đã thông qua Nghị quyết số 04/2017 về đề án quản lý phương tiện giao thông và góp phần giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong Nghị quyết có nhiều giải pháp, mục tiêu yêu cầu trong đề án là góp phần giảm ùn tắc giao thông cũng như giảm ô nhiễm môi trường. Trong đó, có mục tiêu bổ sung về kinh tế thu phí các phương tiện giao thông đường bộ và nội đô (khu vực hay ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường cao).
HĐND đã thông qua Nghị quyết từ 2017 nhưng đây là vấn đề mới, theo luật Phí, lệ phí, thì phí thu các phương tiện đi vào nội đô không nằm trong danh mục. Chính vì vậy, HĐND có nghị quyết giao cho UBND TP.Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội xin ý kiến chỉ đạo.
Để thực hiện nghị quyết này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng và đã được Thủ tướng đồng ý chủ trương, giao cho Hà Nội lập đề án để trình Thủ tướng, trình Quốc hội để bổ sung việc thu phí phương tiện vào nội đô vào luật Phí, lệ phí.
Việc thu phí sẽ áp dụng cho các thành phố thuộc các tỉnh chứ không riêng gì Hà Nội.
Để thu được phí phương tiện vào nội đô, Hà Nội sẽ tổ chức thu như thế nào? Phân vùng khu vực ùn tắc từ đâu?
Thủ tướng đã nêu rất rõ, giao cho TP.Hà Nội phối hợp với các địa phương và các tỉnh thành phố Trung ương như TP.HCM xây dựng đề án này rồi trình Thủ tướng. Hà Nội cũng đã giao cho sở GTVT xây dựng đề án.
Chúng tôi đã cùng với viện Chiến lược giao thông nghiên cứu các đề án của một số nước, mục tiêu là nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Ngoài ra, góp phần điều chỉnh thói quen lựa chọn các tuyến đường tham gia giao thông phù hợp với nhu cầu cá nhân, phù hợp với phương án tổ chức giao thông của thành phố.
Khi xây dựng đề án phải đảm bảo 5 nguyên tắc để chúng ta tổ chức xây dựng hiệu quả: Thứ nhất, đáp ứng được mục tiêu yêu cầu trong đề án về quản lý phương tiện giao thông; Thứ hai, phải đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, nhu cầu phát triển kinh tế của các địa phương trong khu vực; Thứ ba, việc thu phí phải đảm bảo khoa học, thực tiễn, khả thi; Thứ tư, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường của người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng; Thứ năm, có những giải pháp giải quyết vướng mắc cũng như khó khăn phát sinh trong quá trình thu phí để chúng ta xây dựng đề án đúng mục tiêu nhu cầu thu phí.
Ai sẽ bị thu phí?
Vậy Hà Nội sẽ thu phí từ khu vực nào, những đối tượng bị thu phí là ai?
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, chủ yếu sẽ thu phí phương tiện vào trung tâm thành phố và chủ yếu thu phí ô tô (đối với các nước không có nhiều xe máy). Theo đó, họ sẽ phân loại mức độ khí thải gây ô nhiễm để xác định các mức phí. Đây cũng là bài toán rất khó đối với Hà Nội khi xác định khu vực thu phí, khu vực ùn tắc và đối tượng thu phí.
Ngoài ra, còn phải phân vùng những khu vực người dân không muốn trả phí nhưng vẫn muốn đi vào. Chúng tôi sẽ có những tuyến đường đi khác để đảm bảo việc đi lại của người dân không bị xáo trộn. Chúng tôi sẽ phải nghiên cứu kỹ những nội dung này, sẽ phát triển những phương tiện giao thông tĩnh, phương tiện giao thông công cộng để phục vụ người dân đi lại trong nội đô và kết nối giao thông với các tỉnh lân cận.
Vấn đề lớn nữa là mức phí, đối với Hà Nội thì chúng tôi vẫn đang nghiên cứu cho phù hợp. Nguồn kinh phí thu được sẽ sử dụng cho công tác đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra phải đánh giá tác động của đề án này đối với người dân và thành phố ra sao để có những giải pháp hạn chế những tác động bất lợi cho tính khả thi.
Làm sao để người dân có thể giám sát việc thu phí, nguồn thu phí được bao nhiêu, được sử dụng ra sao?
Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu việc thu phí bằng công nghệ hiện đại (tức là thu phí tự động), các phương tiện sẽ có tài khoản để nộp phí. Như vậy, nguồn thu phí được sẽ được công khai minh bạch trên hệ thống, người dân có thể thấy rõ được mình bị thu bao nhiêu.
Chúng tôi cũng sẽ công khai nguồn thu được trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phí này không trùng với các loại phí khác vì đây là phí góp phần giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Thủ tướng và Quốc hội khi đã đồng ý cho phép thu loại phí này thì chắc chắn Quốc hội sẽ ban hành những quy định cho phép Hà Nội sử dụng loại phí nào vào mục đích gì, việc sử dụng sẽ phụ thuộc vào các quy định về quản lý ngân sách.
Đối với những phương tiện ở tỉnh lẻ và ngoại thành đi vào nội đô sẽ nộp phí như thế nào, thưa ông?
Về nguyên tắc tất cả các loại xe đi vào khu vực thu phí sẽ phải nộp phí, không phân biệt loại xe đến từ tỉnh thành nào. Tuy nhiên, những xe thường xuyên đi lại trong phạm vi thu phí thì chúng ta cũng sẽ phải nghiên cứu. Đây là vấn đề rất khó khăn, chúng tôi đang nghiên cứu để đảm bảo quyền lợi, tính khả thi, tác động tới người dân để có giải pháp xử lý phù hợp.
Xin chân thành cảm ơn ông!