Những năm gần đây, các phương thức xét tuyển sớm được nhiều các trường đại học sử dụng. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương thức này vẫn cần được đánh giá lại trong bối cảnh nhiều nghi ngại về sự đảm bảo công bằng, phù hợp trong quá trình tuyển sinh.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh đại học năm 2023. Các cơ sở giáo dục đại học sử dụng các phương thức xét tuyển như: Xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT (49,45%); Xét học bạ (30,24%); các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) (14,10%);
Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (2,57%); Xét tuyển thẳng theo đề án (2,32%), ngoài ra xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác.
Đánh giá về vấn đề này, tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý các trường đại học nâng cao tinh thần tự chủ nhưng cũng cần phải có trách nhiệm hơn đối với giáo dục phổ thông.
"Việc xét tuyển sớm có những tác động tiêu cực đối với giáo dục phổ thông ở những giai đoạn cuối cùng của cấp học này. Do đó, thời gian tới cần phải xem xét bởi các học sinh khi đã đủ điều kiện trúng tuyển đại học theo phương thức xét tuyển sớm sẽ không học nữa. Điều đó rất tai hại.
Các trường chỉ muốn yên tâm về số thí sinh sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, do đó điểm chuẩn rất cao, tạo ra sự bất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học top. Về việc này, phía Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc để đưa vào trong định hướng công tác tuyển sinh đại học của năm sau", ông Sơn nói.
Vừa thể hiện sự tự chủ, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần hài hoà lợi ích khi triển khai xét tuyển sớm.
Ông Sơn đánh giá: "Xét tuyển sớm thể hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, các trường có sự tự chủ nhất định trong quá trình tuyển sinh điều này cần sự tôn trọng".
Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhận thấy, nếu xét tuyển sớm như chỉ xét 5 kỳ học bạ sẽ dẫn đến vấn đề học sinh không tập trung, quan tâm hoàn thành chương trình phổ thông.
"Đây là vấn đề cần xử lý hài hoà, giữa việc các trường đại học vẫn có cơ hội để sử dụng các phương thức xét tuyển khác nhau, nhằm đảm bảo đầu vào. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải đảm bảo tuyển sinh đại học không được đi ngược với giáo dục phổ thông.
Vì theo nguyên tắc cơ bản, yêu cầu đầu vào của giáo dục đại học là để hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Nếu tiêu chí xét tuyển chỉ phục vụ cho tuyển sinh đại học không thì được, đây là bài toán không dễ để tháo gỡ", PGS.TS Nguyễn Đức Sơn đưa ra quan điểm.
Học sinh cần tránh tâm lý về đích sớm
Còn PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng thí sinh cần hiểu một cách đúng đắn ý nghĩa của việc xét tuyển sớm.
Về phía học sinh, chuyên gia cho biết điều kiện cần và đủ để học sinh trở thành một sinh viên của trường đại học thứ nhất là phải tốt nghiệp THPT, thứ 2 là đạt các tiêu chí xét tuyển của cơ sở giáo dục đại học.
"Nếu xét tuyển sớm có thể giúp cho các em đạt được điều kiện thứ 2 do trường đại học đưa ra, nhưng không đảm bảo thí sinh đó sẽ trở thành sinh viên của nhà trường nếu như không hoàn thiện chương trình học tập của cấp THPT", bà Chu Cẩm Thơ cho hay.
Bà Thơ cũng cho rằng nếu chúng ta hiểu phương thức xét tuyển sớm một cách đúng đắn, thì đây sẽ là cơ hội để các thí sinh tự đánh giá bản thân mình và sớm tìm ra định hướng nghề nghiệp phù hợp.
"Nhưng hiện nay, còn hiện tượng lạm dụng tuyển sinh sớm khiến nhiều em nghĩ rằng mình đã về đích sớm, tạo tâm lý "buông" quá trình học tập tại cấp THPT. Cùng với đó, thí sinh coi thành tích đỗ đại học là một điều lớn lao gần như là về đích trong cả chặng đường học tập. Điều này hoàn toàn không phù hợp trong xu thế hiện nay", PGS. TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ.
Vừa qua (24/8), Bộ GD&ĐT đã có Công văn chỉ đạo về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm.
Trong đó nêu rõ, các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo kế hoạch chung, bảo đảm thực hiện chỉ tiêu và phương thức đã công bố trong Đề án, phù hợp với quy chế của Bộ GDĐT và của cơ sở đào tạo; kiểm soát chặt chẽ rủi ro và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ và kịp thời theo quy định.
Hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với Chương trình GDPT năm 2018, đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong GDPT.