Ngày 24/2, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, các bác sĩ của bệnh viện này vừa tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhi bị bỏng nặng do xông nước lá để phòng bệnh.
Cụ thể, trường hợp đầu tiên là nữ nhi P.N.K.V. (14 tuổi, TP.Vinh) nhập viện do bị bỏng. Người nhà kể lại, lo lắng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, mẹ cháu đã tham khảo trên mạng, chuẩn bị cho cháu nồi nước lá xông. Trong lúc xông, cháu bất cẩn vướng vào quai nồi. Nước lá xông vừa sôi đã đổ ụp xuống chân, khiến cháu bị bỏng.
Cũng rơi vào cảnh tương tự, ngày 22/2, chị P. (quê huyện Tân Kỳ, Nghệ An) chuẩn bị nồi nước lá để 3 con mình xông. Trong lúc xông, bé N.T.K. (4 tuổi) không may bị nồi nước đổ vào người dẫn đến bỏng nặng ở vùng ngực, đùi trái, tay trái.
Ngay khi tiếp nhận hai trường hợp này, các bác sĩ khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng tiến hành phẫu thuật cắt lọc hoại tử, ghép da tạo hình vạt che phủ, điều trị phác đồ bỏng chuyên sâu. Đến nay, sức khỏe các cháu đều đã ổn định.
Cách đây không lâu, một bé gái ở TP.HCM cũng đã lên cơn co giật và ngã úp mặt vào nồi nước xông rồi bất tỉnh khi đang áp dụng phương pháp này. Cụ thể, cuối tháng 12, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. HCM) cho biết đã tiếp nhận bệnh nhi T.L.N.P (14 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị bỏng nặng vì xông lá thuốc.
Theo đó, bé P. được Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chuyển đến cấp cứu trong tình trạng bỏng nước sôi nặng vùng đầu, mặt, cổ. Ngay sau khi nhập viện, bé được bác sĩ trợ thở bằng máy, truyền dịch nuôi ăn, khống chế nhiễm trùng từ các vết bỏng bằng kháng sinh mạnh. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết dự hậu có thể ảnh hưởng đến ngoại hình và sinh hoạt từ các sẹo dính về sau.
Bác sĩ Thái Văn Bình - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng cho biết, xông hơi là biện pháp điều trị theo y học cổ truyền để hạn chế lây nhiễm và phòng ngừa Covid-19.
Tuy nhiên, việc xông lá cũng có nguy cơ bị bỏng hoặc tai nạn khác. Trong các báo cáo từ các nước châu Á mà người dân hay dùng xông hơi để tự chữa bệnh ở nhà thì các trường hợp nhập viện do bỏng, ngất khi thực hiện xông hơi khá phổ biến.
Ngoài nguy cơ tai nạn việc xông cũng có nguy cơ tổn thương biểu mô đường hô hấp và nhạy cảm hơn với virus.
Theo lý thuyết ở nhiệt độ cao 60-70 độ C, thời gian tồn tại của virus ngoài môi trường giảm đi đáng kể. Nhưng khi đã nhiễm bệnh thì virus chủ yếu đang nằm trong các tế bào của cơ thể chứ không phải dạng tự do nằm bên ngoài mô, tế bào.
Vì thế, muốn tiêu diệt virus thì phải tiêu diệt tế bào mang virus đó trước. Với cách làm này, bạn đang tấn công tất cả tế bào tiếp xúc với nhiệt, bất kể còn lành lặn hay đã nhiễm virus. Các mô lành lặn bị tổn thương bởi nhiệt cũng dễ bị nhiễm virus hơn bình thường nên xông hơi trong giai đoạn sớm thậm chí có nguy cơ làm virus lây lan nhanh hơn trong cơ thể.
Các chuyên gia cũng chỉ ra, việc xông hơi trong gia đình có cả người chưa mắc virus, đặc biệt là không gian nhỏ có nguy cơ làm phát tán virus ra môi trường xung quanh và bám trên các bề mặt và tăng cơ hội lây lan của virus.
Với những lý do này, việc xông hơi cần được cân nhắc kỹ và phải làm đúng, nên tránh khi nhà mới có người nhiễm virus. Việc xông chỉ nên thực hiện khi đã âm tính cả rồi thì có thể thực hiện để cải thiện các triệu chứng kéo dài.
Do đó, để phòng Covid-19 , việc thực hiện đúng 5K là rất quan trọng. Mọi người cần ăn uống đủ chất, luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng. Trong trường hợp là F0 nên thực hiện theo các hướng dẫn của thầy thuốc
Lan Anh (Tổng Hợp)