Một buổi sáng cuối tuần của tháng 11, Minh - học sinh lớp 4 của trường liên cấp Kim Truy (Kim Bôi – Hòa Bình) - thức dậy từ sáu giờ sáng. Hôm nay là cuối tuần nên Minh được nghỉ học ở trường, nhưng cậu bé vẫn giữ thói quen dậy sớm để sang nhà thầy Bình để học thêm. Tuy tám giờ lớp học mới bắt đầu, nhưng Minh vẫn dậy sớm để cùng mấy bạn giúp thầy Bình ngồi lên xe lăn.
Cậu bé ăn nhanh bát cơm nguội mẹ phần tối qua, rồi đi bộ qua nhà thầy cách đó 1km. Trên tay cậu bé người Mường là cuốn sách tiếng Việt. Sau 10 phút, cậu bé đã tới nhà thầy Bình - lớp học nhỏ của bao đứa trẻ trong làng và của cả những anh chị chúng.
Tại lớp học, Thanh đang cầm chổi để quét nhà, còn Hoa đang dưới bếp nấu bữa sáng cho thầy. Bữa sáng rất đơn sơ, chỉ là một gói mỳ tôm.
6 tuổi mồ côi cha, lên lớp 4, sau một trận sốt cao, thầy Bùi Văn Bình bị bại liệt. Năm lên lớp 10, mẹ thầy bỏ lại hai anh em anh để đi bước nữa. "Đó là quãng thời gian sóng gió của cuộc đời. Cảm giác không còn ai để dựa dẫm, tôi thấy rất trống trải và lo sợ. Tôi nhờ bạn bè chở đi khắp các xã xung quanh để tìm mẹ, nhưng vô vọng. Lúc đó, tôi thấy mình không còn động lực để sống. Em gái nhỏ không người chăm sóc, mẹ đi lấy chồng”, thầy Bình chia sẻ. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn ấy, chàng trai tật nguyền vẫn chăm chỉ học hành, đạt kết quả khá cao trong học tập.
Vào một ngày nọ, đôi vợ chồng người bạn không biết chữ dẫn con sang nhà nhờ anh dạy dỗ, kèm cặp. Được tiếp xúc với con trẻ, lại giúp nó biết đọc, biết viết khiến cậu thanh niên cảm thấy vui hơn. Sau đó, nhiều người trong thôn đã dẫn con cái của họ đến nhờ thầy dạy dỗ. Hơn 10 năm qua, lớp học của người thầy bại liệt chưa một ngày ngừng dạy, có ngày dạy tới 50 học sinh, phải chia làm nhiều ca. Thầy Bình chia sẻ: "Các em ở đây chủ yếu là người Mường, giao tiếp với nhau cũng là ngôn ngữ Mường, do vậy tiếng Kinh bọn trẻ nói vẫn chưa sõi. Mình dạy chúng nói tiếng Kinh, đến trường may ra chúng mới tiếp thu được bài học tiếng Kinh".
Tại căn phòng nhỏ của thầy ngổn ngang sách vở học sinh. Ba chiếc xe lăn, một chiếc thầy Bình đang sử dụng, 2 chiếc kia còn khá mới. Anh bảo, đó là xe của các tổ chức từ thiện tặng.
Chị Bùi Thị Hoa (thôn Yên) chia sẻ: "Con gái tôi đang học lớp 4, trước khi đến lớp của thầy Bình nó học yếu lắm. Từ dạo tôi gửi đến học thầy Bình, nó tiến bộ hẳn lên. Năm ngoái cháu được danh hiệu học sinh tiên tiến. Từ ngày học thầy nó ham học hẳn, về nhà chịu khó giúp đỡ bố mẹ hơn".
Hơn 10 năm mở lớp, thầy Bình không đòi hỏi bất kỳ một đồng phụ cấp nào từ các bậc phụ huynh. Biết hoàn cảnh khó khăn của bà con dân bản nên ai mang con đến thầy cũng vui vẻ đón nhận. Thầy kể: "Gia đình nào khá giả, có tháng họ gửi mình 50 hay 80 nghìn đồng gọi là tiền điện nước cho các cháu. Nhà nghèo thì biếu thầy rổ khoai, cân gạo, mớ rau".
Thầy Bình hiện đang sống bằng tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật là 800 nghìn/tháng. Dẫu ít ỏi, thầy vẫn dành một khoản để mua nước uống và đồ dùng học tập cho học trò. Với thầy Bình, được dạy học là một niềm vui lớn. Nó không chỉ khiến thầy vơi đi cảm giác cô đơn, mà còn cho thầy cảm giác mình là người có ích, mang được cái chữ cho các em trong bản để sau này thoát cái nghèo, cái khổ.
Dù không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ sư phạm, song thầy Bình luôn tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Thầy chia sẻ rằng: "Mình không hiểu cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu một ngày không còn được nghe tiếng nói cười của học trò. Chúng chính là động lực, là chỗ dựa tinh thần giúp mình vượt qua nghiệt ngã cuộc sống. Mình sẽ dạy các con cho đến khi nào không còn sức để làm việc đó nữa".
Nói về mong ước của mình, thầy Bình nói: “Tôi mong một lớp học rộng hơn để lũ trẻ không phải ngồi đất để học, có quạt để học sinh không chịu cảnh nóng mùa hè. Hơn nữa, nếu có một giá sách đầy ắp thì chắc chắn sẽ khiến cho chúng đam mê hơn nữa vào việc học”.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin bà Nguyễn Thanh Tâm – Phó Hiệu trưởng trường liên cấp Kim Truy, nguyên là cô giáo chủ nhiệm của thầy Bình cho biết: “Bình là một người có hoàn cảnh khó khăn nhưng sống đầy nghị lực. Các em nhỏ được Bình dạy đều có lực học rất tốt. Không chỉ dạy chữ, Bình còn dạy cho các em về đạo đức, tình yêu thương”.