Theo công ty xếp hạng tín dụng Moody's Investors Service, xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga đã làm "gia tăng rủi ro" đối với triển vọng kinh tế toàn cầu. Mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào sự nghiêm trọng và khoảng thời gian kéo dài của cuộc khủng hoảng.
Cơ quan xếp hạng cho biết trong một báo cáo công bố ngày 4/3 rằng các cú sốc về giá hàng hóa sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát. Đặc biệt ảnh hưởng đến các nền kinh tế nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Nga.
Theo Viện Nghiên Cứu Quốc Gia Về Kinh Tế Và Xã Hội của Anh, căng thẳng quân sự tại Ukraine có thể làm mức tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (GDP toàn cầu) giảm 1% vào năm 2023, tương đương khoảng 1 nghìn tỷ USD. Ngoài ra, căng thẳng quân sự còn khiến lạm phát toàn cầu gia tăng thêm 3% vào năm nay và khoảng 2% vào năm 2023.
Ông Kelvin Dalrymple, phó chủ tịch kiêm chuyên gia tín dụng cấp cao của Moody's, cho biết: “Xung đột quân sự leo thang sẽ gây rủi ro cho sự phục hồi kinh tế tại châu Âu”; "Phần còn lại của thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc giá hàng hóa trong khi lạm phát ở mức cao, hậu quả từ các lệnh trừng phạt Nga và sự biến động của thị trường tài chính".
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã áp đặt những biện pháp trừng phạt khác nhau nhằm gây khó khăn cho nền kinh tế nước Nga. Tuy nhiên, họ đã không nhắm mục tiêu vào các ngành năng lượng và hàng hóa của quốc gia này.
Chuyên gia phân tích tại Moody's chia sẻ: “Nga và Belarus sẽ chịu tác động trực tiếp từ các lệnh trừng phạt sâu rộng do Mỹ và đồng minh áp đặt. Các biện pháp trừng phạt cũng tác động gián tiếp đến những đối tượng nước ngoài làm ăn với Nga. Tất cả tác động này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu”.
Năng lượng
Giá dầu đã tăng vọt kể từ khi Nga bắt đầu hành động can thiệp quân sự đặc biệt tại Ukraine. Vào ngày 3/3, giá dầu Brent, mức chuẩn giá dầu thô cho 2/3 lượng dầu thế giới, đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2012 lên tới 119,3 USD/thùng. Trong khi WTI (West Texas Intermediate), thước đo theo dõi dầu thô của Mỹ, cũng chạm 116,1 USD/thùng vào hôm 3/3, là mức cao nhất kể từ năm 2008. Giá sau đó đã giảm nhẹ vào chiều ngày 4/3, với dầu Brent giao dịch ở mức 112,6 USD/thùng và WTI ở mức 110,04 USD/thùng.
Theo đánh giá thống kê năng lượng thế giới của Tập đoàn BP, trong năm 2020 Nga đã sản xuất khoảng 10,2 triệu thùng dầu thô và khí tự nhiên ngưng tụ mỗi ngày, đứng thứ hai sau Mỹ, trong khi Ả Rập Xê-út ở vị trí thứ ba. Nga cũng là quốc gia sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai trên thế giới.
Công nghiệp
Nga là quốc gia sản xuất kim loại lớn bao gồm nhôm, bạch kim, đồng và paladi. Giá của chúng đều đã tăng do khủng hoảng. Hãng Moody's cho biết: “Các quốc gia khác sản xuất những kim loại này sẽ hưởng lợi từ giá cao hơn. Người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn bởi mức giá tăng được chuyển sang họ”.
Nga và Ukraine là những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất khí neon- một thành phần trong sản xuất chất bán dẫn. Do đó, căng thẳng quân sự có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip và các vấn đề về nguồn cung trong ngành công nghiệp ô tô.
Tài chính
Thị trường tài chính toàn cầu đã biến động mạnh kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Hãng Moody's cho biết: “Sự không chắc chắn của diễn biến địa chính trị, giá hàng hóa cao hơn, gia tăng các lệnh trừng phạt và gián đoạn kinh doanh trong khu vực sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường”; “Nếu điều này gây thắt chặt thanh khoản đáng kể và kéo dài, nó sẽ làm suy yếu điều kiện cấp vốn cho các tổ chức phát hành có lợi suất cao trên toàn cầu và các quốc gia thị trường mới nổi phụ thuộc vào dòng vốn quốc tế. Một số quốc gia trong đó đã bị hạn chế khả năng tiếp cận tài chính”.
Ông Derek Deutsch, giám đốc điều hành kiêm quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý vốn ClearBridge Investments, nhận định rằng các can thiệp quân sự trong lịch sử thường khiến thị trường chứng khoán giảm điểm. Ông cho biết chứng khoán Mỹ đã trở nên “biến động” trong những ngày giao dịch vừa qua và khiến chạm mức có thể là “đáy trong ngắn hạn”.
Ông Derek Deutsch chia sẻ rằng với rủi ro lạm phát do giá hàng hóa gia tăng liên quan đến xung đột, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không chệch hướng khỏi kế hoạch tăng lãi suất. Áp lực lạm phát cao cũng đang diễn ra ở châu Âu, có thể dẫn đến chính sách nới lỏng hơn của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Vào ngày 4/3, đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm so với đồng franc Thụy Sĩ và chạm mức thấp nhất trong gần 2 năm so với đồng USD. Đồng tiền chung châu Âu đã giảm 2,1% trong tuần này, đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 4/2020.
Bà Tracy Chen, giám đốc danh mục đầu tư và thu nhập cố định tại công ty quản lý đầu tư Brandywine Global, cho biết: “Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine không chỉ làm gia tăng rủi ro địa chính trị mà còn báo hiệu sự thay đổi lớn trong trật tự thế giới trở nên đa cực hơn”; “Kết quả cuối cùng có thể dẫn tới các căng thẳng xuất hiện thường xuyên và khó đoán hơn, trong khi sự biến động của thị trường cũng cao hơn”.
Thực phẩm
Một vấn đề đáng quan ngại khác liên quan đến căng thẳng quân sự là cung cấp thực phẩm. Nga và Uraine chiếm tới 1/4 lượng xuất khẩu lúa mì thế giới. Giá lúa mì, đậu nành và các loại ngũ cốc khác đã gia tăng.
Bà Dawn Tiura, Chủ tịch công ty thương mại Sourcing Industry Group (SIG), chia sẻ trên thực tế không chỉ EU sẽ bị ảnh hưởng mà nhiều quốc gia ở Trung Đông và châu Phi cũng dựa vào lúa mì và ngô của Ukraina. Sự gián đoạn nguồn cung có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở những khu vực này. Bà nói: “Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu nhiều ngô từ Ukraine. Vào năm ngoái, Ukraine đã thay thế Mỹ trở thành nhà cung cấp ngô hàng đầu của Trung Quốc”.
Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) nhận định một cuộc xung đột kéo dài đang làm gia tăng quan ngại về lạm phát lương thực và nạn đói trên toàn cầu. IFAD, cơ quan có trụ sở tại Rome (Italy) thuộc Liên hợp quốc, cho biết: “Chúng tôi lo ngại rằng một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine có thể hạn chế nguồn cung cây trồng chủ lực của thế giới như lúa mì, ngô, dầu hướng dương, dẫn đến giá lương thực tăng vọt và nạn đói”; “Điều này có thể gây rủi ro cho an ninh lương thực toàn cầu và gia tăng căng thẳng địa chính trị”.
Ông Alan Holland, Giám đốc điều hành kiêm người sáng lập Công ty công nghệ Keelvar, nhận định bất kỳ sự gián đoạn về khí đốt tự nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất các sản phẩm liên quan như phân bón. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp hơn nữa. Vào năm ngoái, nguồn cung phân bón bị thiếu hụt đã dẫn đến giá cả tăng vọt.
Phạm Hà Thanh (theo The National News, CNBC)