“Tôm bay” là cái tên người Tày ở vùng cao Vĩnh Yên (Bảo Yên - Lào Cai) đặt cho loài côn trùng bay nhiều vào mùa gặt. Thực chất chúng là loài muồm muỗm cùng họ muồm muỗm, muồm muỗm nhưng mình thon dài, có nhiều càng giống con tôm.
Cứ đến hè, người dân lại mang vợt lưới lên núi vợt “tôm bay”. Muồm muỗm thường bậu trên lá cây, thân có màu xanh, nhiều càng, có hai cánh bay. Muồm muỗm sinh trưởng nhiều và sống theo bầy đàn. Thức ăn chủ yếu của muồm muỗm là sương núi và lá cây non. Vì thế, đây là loài côn trùng sạch, giàu giá trị dinh dưỡng. Người vùng cao Vĩnh Yên từ lâu coi loài muồm muỗm là một đặc sản.
Loài này tuy nhiều nhưng rất khó kiếm bởi chúng có cánh bay và càng bật rất nhanh. Nếu không nhanh tay thì khó có thể bắt được chúng. Người ta dùng tấm lưới và may thành những chiếc vợt lớn có cán cầm dài dùng để vợt muồm muỗm. Mỗi lần gặp đàn này, vợt có thể được hàng trăm con.
Khi gỡ muồm muỗm ra khỏi lưới cũng phải biết cách, nếu không cẩn thận sẽ bị cắn vào tay, vô cùng đau đớn. Theo kinh nghiệm của người dân, khi cầm muồm muỗm phải tóm thật chắc vào phần gáy, giữ đầu không cho nó quay lại cắn.
Khi bắt muồm muỗm về, muốn ngon phải chế biến ngay. Nếu để muồm muỗm chết sẽ mất đi độ ngon và giá trị dinh dưỡng. Khâu sơ chế muồm muỗm cũng không đơn giản. Đầu tiên ta vắt cánh, bẻ chân, ngắt đầu, rút ruột con muồm muỗm rồi ngâm vào nước vo gạo hoặc nước muối tầm 30 phút để loại hết chất bẩn ra ngoài rồi sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Một số nơi, người dân cho nguyên bầy muồm muỗm vào chai, thêm nước sôi rồi xóc mạnh. Những con muồm muỗm trước khi chết sẽ giãy đạp nhau rụng cánh rụng càng. Một lát sau đổ ra chậu nước lã, loại bỏ sạch cánh, càng, bỏ phần đầu và ruột, để ráo nước.
Có rất nhiều cách để chế biến món ăn ngon từ muồm muỗm. Song muồm muỗm rang giòn với lá chanh vẫn là đặc sản được người dân nơi đây ưa chuộng nhất.
Trước khi rang phải luộc qua muồm muỗm để loại bỏ mùi tanh. Luộc muồm muỗm chỉ cần 4 phút là đủ, khi luộc lửa phải đỏ đều, bỏ thêm lá chanh và sả cho thơm, sau đó vớt muồm muỗm ra để ráo nước.
Bắt đầu rang thì bắc chảo nóng, cho dầu hoặc mỡ vào, sau đó trút muồm muỗm vào chảo, nêm gia vị ớt cay, tiêu, sả băm nhỏ, hành tăm, thêm một ít mật mía, rồi đảo nhanh tay.
Khi rang cũng phải lưu ý không đảo nhiều bằng đũa, vì dễ làm nát món ăn, mà chỉ cầm quai chảo xóc đều cho muồm muỗm thấm gia vị. Ai muốn ăn đậm đà thì nên ướp muồm muỗm với ít muối trước khi rang. Để món muồm muỗm ngon, giòn và dai có thể cho thêm ít nước dưa muối hoặc nước cà muối vào rang cùng.
Lúc mới rang muồm muỗm sẽ có mùi ngai ngái nhưng khi rang đủ độ, thân muồm muỗm có độ trong, giòn, chuyển màu nâu cánh gián và tỏa mùi thơm ngào ngạt tức là đã đạt yêu cầu. Hạ nhỏ lửa, nêm nước mắm vừa miệng, rắc lá chanh thái chỉ (lá chanh nên dùng nhiều một chút cho thơm) đảo đều rồi tắt bếp.
Món “tôm bay” có mùi vị khá đặc biệt. Khi rán trên chảo mỡ, muồm muỗm đã tỏa mùi thơm ngậy. Khi thưởng thức, muồm muỗm có vị thơm, vị béo, vị ngọt. Gia vị để chấm “tôm bay” là tương ớt trộn lẫn hạt mắc khén.
Nếu sợ ngấy thì ta có thể làm muồm muỗm nướng. Lấy một cái que xiên qua mình con muồm muỗm rồi đem nướng trên bếp lửa. Mới chỉ nghe tiếng mỡ của nó chảy xèo xèo xuống than hồng thôi đã thấy sự thèm. Chừng vài phút sau, khi cánh và chân muồm muỗm cháy hết chỉ còn trơ lại mỗi cái thân tròn, căng, vàng óng, thơm phức thì lấy xuống gỡ ra đĩa. Món này vẫn có vị ngọt ngọt, bùi bùi “chuẩn chỉnh” nhưng lại không có vị béo ngấy của dầu mỡ.
Muồm muỗm rang từ lâu đã là món ăn phổ biến nhất trong mâm cơm ngày mùa, là món khoái khẩu của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ vùng quê. Cứ đến mùa thu hoạch lúa người ta lại mong muốn được thưởng thức món muồm muỗm giòn tan trong miệng, vị ngọt lạ hòa cùng cảm giác tê tê gây kích thích, khiến thực khách bỏ qua sợ hãi ban đầu mà không thể chối từ.
Bá Di (Tổng hợp)