Sáng 9/10, Hội thảo "Tư vấn nâng cao năng lực Marketing xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề Việt Nam" đã được tổ chức.
Lượng hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu còn khiêm tốn
Phát biểu tại sự kiện, ông Trịnh Quốc Đạt - Chủ tịch Hiệp hội Làng Nghề Việt Nam chia sẻ: "Chúng ta đã sản xuất ra rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ với mẫu mã đa dạng, mang giá trị văn hóa cao và đậm bản sắc dân tộc".
Tuy nhiên, ông Đạt nhấn mạnh rằng, khả năng xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu sản xuất nhiều nhưng không tiêu thụ được thì không thể duy trì sự phát triển bền vững. Do đó, khâu marketing đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu thụ và quảng bá sản phẩm, đặc biệt là trên các nền tảng trực tuyến.
Bên cạnh đó, sản phẩm làng nghề cần được thay đổi, đa dạng hóa và phù hợp với thị hiếu thị trường, đảm bảo phát triển bền vững. Đồng thời, sản phẩm phải có chất lượng cao nhưng giá thành cần phải hợp lý để có thể cạnh tranh hiệu quả.
Tại sự kiện, ông Trần Văn Cường - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên khẳng định: "Ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển bền vững, khả năng xuất khẩu lớn và tỉ suất lợi nhuận cao. Các sản phẩm như gốm sứ, sơn mài, đồ gỗ, hàng mây tre, dệt may, thêu đang rất được ưa chuộng trên thị trường quốc tế, nhất là trong lĩnh vực trang trí nội thất và quà tặng".
Tuy nhiên, ông Cường chỉ ra rằng, lượng hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Việt Nam hiện còn khiêm tốn, chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường thế giới. Điều này cho thấy, ngành vẫn còn nhiều tiềm năng và triển vọng để phát triển mạnh hơn trong tương lai.
Tại tỉnh Hưng Yên, nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ đã khẳng định được tên tuổi, tiêu biểu như làng chạm bạc Huệ Lai ở Phù Ủng, Ân Thi; làng đúc đồng Lộng Thượng... Toàn tỉnh có 17.750 cơ sở sản xuất, bao gồm 17.429 hộ gia đình, 289 doanh nghiệp, 16 hợp tác xã và 16 tổ hợp tác, tạo việc làm cho hơn 44.900 lao động. Doanh thu của các cơ sở làng nghề đạt hơn 7.445 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Dù vậy, ông Cường cũng bày tỏ lo ngại rằng, sự phát triển kinh tế thị trường trong những năm gần đây khiến một số làng nghề thủ công mỹ nghệ đối diện với nguy cơ mai một, gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển sản phẩm.
Để thúc đẩy tăng trưởng đột phá trong xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, ông Cường cho rằng, ngoài việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và sự hỗ trợ từ địa phương, cần chú trọng tiếp cận các chiến lược marketing, trang bị định hướng xuất khẩu dài hạn.
Sự cạnh tranh khốc liệt với thị trường
Ông Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam có hơn 5.400 làng nghề và làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm đa dạng như mây tre đan, gốm sứ, thêu dệt, đúc đồng, chạm khắc gỗ, trang sức, đá quý.
Tổng doanh thu của các làng nghề ước đạt khoảng 75.000 tỷ đồng. Thị trường thủ công mỹ nghệ Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 8,7% trong giai đoạn 2024 - 2032.
Ông Hóa nhận định: "Mặc dù ngành thủ công mỹ nghệ đã có những bước phát triển ổn định trong những năm gần đây, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng toàn cầu, cho thấy lĩnh vực này ở Việt Nam còn nhiều cơ hội phát triển".
Nhìn về động lực phát triển trong tương lai, ông Hóa cho biết, nền tảng di sản văn hóa phong phú và xu hướng sử dụng vật liệu tự nhiên đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành thủ công. Tuy nhiên, ngành cũng đối diện với nhiều thách thức từ sản xuất đến tiếp cận thị trường và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng.
Ông Hóa nhấn mạnh: "Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với thị trường và yêu cầu ngày càng khắt khe từ người tiêu dùng. Vì vậy, việc tạo ra sự khác biệt, nâng cao đẳng cấp và thể hiện bản sắc văn hóa quốc gia trong từng sản phẩm là rất cần thiết".
Theo Chuyên gia ngành thủ công mỹ nghệ Vũ Hy Thiều, dù sản phẩm làng nghề đã trở nên phong phú và có giá trị thẩm mỹ cao trong những năm qua, nhưng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ngày càng mở rộng, vẫn cần phát triển sản phẩm đa dạng và chất lượng hơn.
"Sản phẩm của làng nghề phải đáp ứng tốt các yêu cầu cụ thể của từng thị trường, phù hợp với mức sống, lối sống, văn hóa và quan niệm thẩm mỹ khác nhau", ông Thiều nói.
Ngoài ra, Chuyên gia ngành thủ công mỹ nghệ khuyến nghị các cơ sở làng nghề nên tham gia vào các hoạt động hỗ trợ của các tổ chức phát triển sản phẩm, như các cuộc tư vấn hay thi sản phẩm. Qua đó, họ có thể học hỏi và so sánh sản phẩm của mình với các sản phẩm khác trên thị trường.
"Đa dạng mẫu mã luôn là yêu cầu bức thiết đối với sản xuất hàng thủ công xuất khẩu. Điều này ngày càng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các làng nghề", ông Thiều nhấn mạnh.