Cần quy định về quản lý, khai thác, sử dụng kênh đào
Thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ĐBQH Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) nhận thấy, phạm vi điều chỉnh và một số điều luật cần được bổ sung về kênh đào. Theo đại biểu, đầm, hồ, nước đã được quy định và có điều luật điều chỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần bổ sung điều luật về quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ kênh đào...
Ở nước ta, loại công trình này mới xuất hiện tại tỉnh Nam Định - Đó là kênh đào sông Đáy kết nối sông Ninh Cơ. Theo ông Kim, đây là công trình đem lại nhiều cái lợi cho dân sinh, cho cả nông ngư nghiệp lẫn giao thông vận tải, nhất là cái lợi về giảm thời gian vận chuyển, tiết kiệm tiền của nhân dân và doanh nghiệp vì nó sinh lời khá lớn và ổn định.
Đại biểu dẫn chứng, kênh đào Xuy-uê, mệnh danh là kỳ quan “thép”, cùng với 6 kênh đào nổi tiếng khác trên thế giới đã làm thay đổi cục diện giao thông vận tải và phát triển kinh tế khá năng động và thú vị.
Như vậy, mô hình này rất cần thiết được quy định trong Luật Tài nguyên nước. Theo đó, Chính phủ cần ban hành quy phạm pháp luật để quản lý, khai thác và sử dụng loại công trình này, kể cả việc phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước hoặc sự cố tại công trình này.
“Tôi hiểu, nước là loại tài nguyên xếp loại nhất nhì, thiếu cơm mươi ngày chưa chết nhưng thiếu nước dăm ngày con người ta có thể chết luôn”, đại biểu đoàn Nam Định nhấn mạnh.
Với quan điểm tầm nhìn xa, đại biểu đề nghị cần có ý tưởng cho một kế hoạch mới chủ động cho tương lai khi xuất hiện những kênh đào mới.
Đồng thời, đại biểu đề nghị Quốc hội hãy coi “Kênh đào” này theo một thuật ngữ mới để có chế định, chế tài vào các Điều 3, Điều 39, Điều 53 và các Điều khoản khác cho tương thích với một loại công trình mới với nguồn lợi đa chiều như đã nêu.
Có phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt
Quan tâm đến vấn đề nước sinh hoạt, ĐBQH Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho rằng công tình cấp nước sinh hạt phải có phương án bảo vệ bởi vấn đề này liên quan đến an toàn sức khỏe người dân cũng như an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung cụ thể của dự thảo Luật về phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt.
Đại biểu Hạnh bày tỏ nhất trí cao với quy định về bổ sung trách nhiệm theo dõi bảo vệ của Bộ Công an đối với các công trình cấp nước có quy mô lớn, nguồn nước khai thác là các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia.
Đồng thời, để làm rõ trách nhiệm và thuận lợi trong tổ chức thực hiện, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị làm rõ giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp hay giao hẳn nhiệm vụ này cho Bộ Công an phải có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này.
Nữ đại biểu nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan mà sẽ được giao trách nhiệm bảo vệ, xây dựng tổ chức thực hiện phương án bảo vệ rõ hơn trong quy định của Điều 26 dự thảo Luật.
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại Khoản 1 Điều 45 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt phải thông báo, cảnh báo về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; phải kiểm soát, theo dõi, giám sát và thực hiện quan trắc, giám sát tự động liên tục, định kỳ chất lượng nguồn nước;… Dự thảo Luật quy định chặt và cũng rất rộng.
Đại biểu cho biết, hiện nay các nội dung này thực hiện theo quy định của Thông tư 17 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa qua cho thấy có nhiều khó khăn hạn chế trong tổ chức thực hiện, cần rà soát quy định trách nhiệm chặt chẽ hơn nữa trong các điều luật liên quan.
Đồng thời, cần giao cho Chính phủ các quy định cụ thể về thông số quan trắc tự động, tần suất quan trắc định kỳ để giám sát chặt chẽ, biến động chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào công trình khai thác.
Tham gia phát biểu, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) quan tâm đến nội dung về việc nâng cao khả năng giữ, tích trữ, dẫn nước, chuyển nước, khai thác, sử dụng bền vững và nâng cao giá trị của tài nguyên nước…
Theo ông, Việt Nam là quốc gia mưa nhiều, sông suối dày đặc, địa hình nghiêng, sông lớn chủ yếu từ bên ngoài đổ về… Do vậy, việc giữ, tích trữ, sử dụng bền vững tài nguyên nước là rất quan trọng.
Từ đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát các quy định để đảm bảo nội dung này được đưa vào quy định về các Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước; đảm bảo ưu tiên đầu tư tìm kiến, thăm dò, nâng cao khả năng giữ và tích trữ nước trong thời gian tới.
Góp ý vào dự thảo luật này, ĐBQH Tô Thị Bích Châu (đoàn Tp.Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung chính sách đảm bảo quyền công dân đối với nhu cầu sử dụng nước thiết yếu của đời sống tại Điều 4.
Đại biểu cho biết, qua các điều của Luật sửa đổi lần này từ Điều 41 đến Điều 43 quy định rõ trách nhiệm nhưng chưa làm rõ đảm bảo quyền của công dân đối với nhu cầu sử dụng nước cũng như các tổ chức, cá nhân có quyền khai thác trong điều kiện vi phạm pháp luật. Do đó, đề nghị bổ sung quyền này của công dân và các tổ chức, cá nhân.