Ngày 2/11, bộ GTVT đã có văn bản số 12497/BGTVT-TC gửi bộ Tài Chính, xin ý kiến về chi phí quản lý hợp đồng bán quyền thu phí đường ô tô cao tốc TP. HCM – Trung Lương.
Trước đó, bộ GTVT đã nhận được hai văn bản của tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt tổng công ty Cửu Long - CIPM, doanh nghiệp trực thuộc bộ GTVT) về việc phê duyệt dự toán chi phí quản lý hợp đồng bán quyền thu phí đường ô tô cao tốc TP. HCM – Trung Lương năm 2017 - 2018; chi phí thuê luật sư và tạm ứng án phí đối với vụ kiện của công ty Yên Khánh. Nguồn vốn bố trí dự kiến từ quỹ bảo trì đường bộ Việt Nam như đã duyệt.
Để có cơ sở xem xét giải quyết đề xuất của tổng công ty Cửu Long, bộ GTVT đề nghị bộ Tài chính đóng góp ý kiến về đề xuất trên.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, vào cuối năm 2013, bộ GTVT đã nhượng quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương cho công ty Yên Khánh do bà chủ 8X Vũ Thị Hoan làm Giám đốc.
Như chúng tôi đã phản ánh trước đó, công ty Yên Khánh cũng là doanh nghiệp được bộ GTVT "ưu ái" chỉ đạo VEC nhượng quyền thu phí cao tốc dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình gây ra nhiều lùm xùm thời gian qua.
Do mâu thuẫn về các điều khoản trong hợp đồng bán quyền thu phí đường ô tô cao tốc TP. HCM – Trung Lương, công ty Yên Khánh đã khởi kiện tổng công ty Cửu Long tại TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) đòi hoàn trả số thuế VAT và đền bù thiệt hại do ITS và khoản tiền lãi phát sinh với tổng kinh phí hơn 86,5 tỷ đồng.
Cùng đó, doanh nghiệp của bà Vũ Thị Hoan cũng yêu cầu tổng công ty Cửu Long không được có hành vi can thiệp vào hoạt động thu phí của công ty Yên Khánh trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương đồng thời chấm dứt hành vi yêu cầu ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô thanh toán khoản tiền bảo lãnh hợp đồng trị giá hơn 100 tỷ đồng.
Được biết, đến ngày 17/8/2018, TAND đã thụ lý vụ án nêu trên. Ngày 20/8/2018 TAND có quyết định số 21/2018/QQĐ-BPKCTT quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại khoản 12 điều 114, điều 127 của bộ luật tố tụng dân sự.
Theo đó, tổng công ty Cửu Long không được có hành vi cản trở đến việc thu phí trên 4 trạm thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương đối với công ty Yên Khánh. Cùng với đó, tạm ngưng cưỡng chế thu hổi số tiền bảo lãnh hơn 100 tỷ đồng của công ty Yên Khánh nộp tại ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô...
Chính vì lý do trên, tổng công ty Cửu Long không thu hồi được số tiền phạt do chậm thanh toán đối với hợp đồng bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương (hợp đồng số 4746/CIPM-HĐ) theo chỉ đạo của bộ GTVT tại văn bản số 8258/BGTVT-TC.
Tổng công ty Cửu Long đã báo cáo Bộ về vụ việc, đồng thời gửi văn bản đề xuất phê duyệt các chi phí như đã nêu trên.
CIMP Cửu Long được bộ GTVT thành lập năm 2011 với mức vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Doanh nghiệp này được Bộ kỳ vọng là đầu mối trong việc thu hút vốn đâu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến cao tốc trọng yếu ở phía Nam. Đây có thể coi là “bản sao” của VEC, đơn vị đang khá thành công khi đã kêu gọi gần 90.000 tỷ đồng để xây dựng 415 km cao tốc.
Tuy nhiên, sau gần 7 năm hoạt đông, hoạt động của CIPM Cửu Long lại không được suôn sẻ. Đến hết năm 2017, vốn điều lệ của Cửu Long mới chỉ được cấp vốn thực tế là hơn 136 tỷ/1.500 tỷ đồng - đạt khoảng 9%, nhưng quy mô nợ lên tới hơn 32.000 tỷ đồng - tức gấp tới 230 lần vốn điều lệ.
Trong vụ bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, công ty Yên Khánh là nhà đầu tư đã trúng đấu giá quyền thu phí 5 năm (từ 1/1/2014 - 31/12/2018) của dự án này. Tuy nhiên đến giữa năm 2018, hai bên bắt đầu "cơm không lành, canh không ngọt" khi tổng công ty Cửu Long đề nghị ngân hàng BIDV tịch thu toàn bộ giá trị tài sản bảo đảm (hơn 100 tỷ đồng) để thi hành việc phạt chậm nộp thanh toán hợp đồng 4746/CIPM-HĐ của công ty Yên Khánh. Tuy nhiên, phía Yên Khánh cho rằng yêu cầu phía CIPM là không có căn cứ vì hợp đồng 4746 ký với bộ GTVT là hợp đồng trọn gói, sau khi hoàn tất nghĩa vụ ban đầu, doanh nghiệp không phải đóng thêm khoản tiền nào nữa.
Thế Anh