Sáng 26/9, hội nghị hợp tác đầu tư với nước ngoài trong giáo dục năm 2024 đã được diễn ra. Đây là hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, cơ hội hợp tác, đầu tư.
Cùng với đó, trao đổi, thảo luận các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu của các địa phương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, hợp tác quốc tế trong GD&ĐT luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Trong gần 40 năm đổi mới và phát triển đất nước, đặc biệt trong 10 năm gần đây, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GD&ĐT đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong việc nâng cao uy tín, vị thế của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.
Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy hiểu biết quốc tế, ngoại giao nhân dân và là nền tảng cho các hoạt động hợp tác khác.
Thứ trưởng cho biết, trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục là xu thế toàn cầu, Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh hợp tác và đầu tư với nước ngoài trong giáo dục. Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế và khu vực như UNESCO, SEAMEO, ASEAN, ASEM, APEC….
Tính đến 30/6/2024, Việt Nam đã thu hút được 605 dự án đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 4,57 tỉ USD; khoảng 430 chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài được triển khai tại 65 cơ sở giáo dục đại học trong nước; có 5 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh 3 ưu tiên chiến lược trong thu hút hợp tác và đầu tư nước ngoài vào giáo dục Việt Nam, đó là: Thu hút các trường đại học nước ngoài uy tín thành lập phân hiệu tại Việt Nam; thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với các cơ sở đại học uy tín nước ngoài; tăng cường trao đổi học sinh sinh viên và thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam.
Tại hội nghị, các đối tác nước ngoài và một số địa phương ở Việt Nam đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm, ý kiến đóng góp, những đề xuất, kiến nghị về cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng cho biết, Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, điểm giao thương quốc tế của miền Bắc. Trong nhiều năm qua, Hải Phòng luôn chú trọng đẩy mạnh tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Là một trong những địa phương dẫn đầu về số lượng thí sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế, Hải Phòng xác định mục tiêu trở thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo. Từ nay đến năm 2025, Hải Phòng đặt mục tiêu xây dựng một phân hiệu trường đại học quốc tế tại Việt Nam, vì vậy, rất nhiều cơ chế đột phá được đưa ra nhằm thu hút, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.
Bà Donna McGowan - Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho rằng, cần có khung chính sách hiệu quả, tạo ra môi trường mang tính kiến tạo để khuyến khích tương tác quốc tế, mang đến những trải nghiệm tích cực, để sinh viên, giáo viên, các nhà quản lý, nhà đầu tư cảm thấy phù hợp. Cùng với đó, để trở thành điểm đến toàn cầu, cần rất nhiều yếu tố phải chuẩn bị như vị trí địa lý phù hợp, cách tiếp cận phù hợp, chính sách hiệu quả và đồng đều trên toàn quốc.
Những ý kiến, đề xuất tại hội nghị được Bộ GD&ĐT tổng hợp, tiếp thu, tham khảo để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế, các điều kiện đảm bảo nhằm khuyến khích, tăng cường kết nối, hợp tác trong giáo dục, thực hiện thành công, có chất lượng, đạt mục tiêu chiến lược đã đặt ra.