Trong hệ thống phòng thủ khổng lồ của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954, A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất, là cánh cửa then chốt che chở cho khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Suốt 39 ngày đêm chiến đấu kiên cường, sau khi đào thành công đường hầm, đặt và điểm hỏa bộc phá 960kg trên đỉnh đồi ta mới tiêu diệt được lực lượng địch đóng chiếm tại đây và chiếm được cứ điểm này.
Trận đánh này có ý nghĩa quyết định cho số phận của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vì chỉ sau đó hơn 12 giờ đồng hồ ta đã buộc De Castries và toàn bộ tham mưu của chúng phải đầu hàng ngày tại hầm chỉ huy kiên cố mà chúng vẫn tự hào là "bất khả xâm phạm".
Quyết tâm mở tung "cánh cửa thép" A1
Nằm trong dãy phòng ngự phía Đông, che chở cho phân khu trung tâm, cũng như các cứ điểm khác, A1 được xác định là mục tiêu của đợt tấn công thứ 2 của quân ta sẽ bắt đầu vào 18 giờ 30 phút ngày 30/3/1954.
Tuy vậy do mất liên lạc ngay từ những giờ đầu, nên khi các cứ điểm đã nhận được lệnh tiến công thì tại A1 vẫn án binh bất động. Quá 30 phút, Trung đoàn trưởng 174 Nguyễn Hữu An, đơn vị chủ công đánh A1 mới quyết định xung phong tiến vào để mở cửa ở hướng Đông.
Được trang bị kỹ lưỡng từ hệ thống phòng thủ và lực lượng chiếm đóng, A1 quả thực là một bài toán khó với quân ta. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại đây luôn ở thế giằng co, vô cùng khốc liệt, ta và địch luôn ở tình thế mỗi bên chiếm một nửa cứ điểm.
Đã nhiều lần Việt Minh ở thế thượng phong, có cơ hội lại tiến lên đỉnh đồi nhằm tiêu diệt toàn bộ cứ điểm giành thắng lợi quyết định nhưng không vượt qua được vì hỏa lực quá mạnh.
Bên cạnh đó việc mất các cao điểm khác một cách nhanh chóng như tại D1, D2, D3, E1 đã khiến cho Thực dân Pháp dồn mọi nỗ lực để giữ cho bằng được chiếc "chìa khóa" A1, hòng ngăn chặn Việt Minh có thể tiến vào sâu hơn khu trung tâm Mường Thanh.
Cuộc họp Đảng ủy mặt trận sơ kết đợt tấn công vào khu Đông đã đưa ra những đánh giá, nhận định và quyết định tiếp tục những nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2 chiến dịch trong đó quan trọng là giải quyết dứt điểm A1.
Sau khi phân tích, đánh giá, nhận thấy khó khăn lớn nhất tại A1 là ta đã chưa nghiên cứu kỹ trận địa trên A1, không phát hiện được tại đây chúng có một hầm ngầm vô cùng kiên cố nên không dự kiến cách giải quyết. Đó là một hầm ngầm đào sâu vào đồi có từ trước năm 1945; khi nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, Pháp đã tận dụng hầm này, củng cố thành hầm chỉ huy cứ điểm và đặt một hệ thống hỏa lực vô cùng mạnh tại đây.
Ta biết thông tin này từ một người dân địa phương nhưng việc xác định vị trí chính xác căn hầm này lại vô cùng khó khăn. Nếu giải quyết được căn hầm này thì việc chiếm được cứ điểm A1 sẽ không còn là trở ngại.
Kinh nghiệm từ những chiến dịch trước đó cho thấy, phương án khả thi nhất có thể áp dụng để tiêu diệt A1 là "lấy hầm trị hầm". Công binh của ta sẽ đào một đường hầm từ vị trí của ta đến nơi dự kiến là hầm ngầm của địch.
Đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, đội trưởng công binh cốt cán, với bề dày thành tích trong công tác phá đá, mở đường từ trước đó cùng với đơn vị 25 chiến sĩ của mình được giao nhiệm vụ quan trọng này.
Đất đồi A1 rất rắn, cứng, ngay việc đào cửa hầm ta mất ba đêm và đổ máu vì đạn địch. Trong quá trình đào các chiến sĩ ta liên tiếp nối nhau, đầu người này nối chân người kia lấy quạt nan tự đan quạt không khí vào bên trong mới tiếp tục được công việc; đèn Xô lếch sách tay cũng được sử dụng để lấy sáng.
Việc đào đường hầm kéo dài hơn dự kiến. Đến gần ngày quyết định cũng là lúc ta chạm phải đá cứng nghi là hầm ngầm, việc đào đường hầm được lệnh dừng lại, lúc này đường hầm ngầm dưới đất dài 33m, ta đào thêm một ngách ở cuối đường hầm mỗi chiều 1,5m để chứa thuốc nổ.
Dự kiến số thuốc nổ cần sử dụng là 1000kg. Đây quả thật cũng là một thách thức lớn đối với các chiến sĩ công binh, trong khi cấp trên chỉ cấp gần một nửa trong số ấy.
Tiếng nổ đồi A1
Từ sau đợt tấn công thứ nhất, ta đã tiêu diệt 3 cụm cứ điểm quan trọng phía Bắc và Đông Bắc của địch là Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo. Chuẩn bị cho đợt tấn công thứ hai, ta đã tiến hành siết chặt vòng vây bằng các đường giao thông hào chung quanh lòng chảo nhằm áp sát hơn nữa cứ điểm địch và chia cắt phân khu Nam và phân khu trung tâm.
Cùng với đó phong trào "săn Tây bắn tỉa" được phát động mạnh, nhanh chóng trở thành phong trào thi đua, yêu nước, giết giặc lập công trong hàng ngũ chiến sĩ bộ đội ta.
Hơn thế, ta đã thành công trong việc sử dụng hiệu quả hỏa lực của các loại pháo, không chế vùng trời vốn được coi là lợi thế của địch tiêu diệt các loại máy bay chiến đấu và tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Thực tế đã cho thấy, Pháp có hệ thống pháo hiện đại, nhiều và mạnh hơn ta nhưng nó hoàn toàn bất lực trong việc xác định pháo ta để ngăn chặn và tiêu diệt.
Đến cuối tháng 3, hầu như pháo ta đã kiểm soát vùng trời, không một chiếc máy bay nào có thể tiếp cận được sân bay Mường Thanh để làm nhiệm vụ.
Số lượng tiếp tế theo đó ngày càng giảm và khan hiếm; có chăng chỉ là số ít những chiếc máy bay liều mình bay ở độ cao trên 2.000m trong thời gian ngắn để thả những dù hàng mà phân nửa trong số đó đã rơi vào trận địa của ta.
Đến giữa tháng 4/1954 ta đã bắn rơi gần 50 chiếc máy bay các loại của Pháp trong số đó có khác nhiều chiếc hiện đại, nổi bật là "pháo đài bay" B24 đầy uy lực. Đây là máy bay ném bom có tính ưu việt hơn các loại khác, có thể bay ở độ cao cao 3.500m và sức vận tải lớn để làm nhiệm vụ.
Đơn vị pháo cao xạ là đơn vị tiêu diệt máy bay này và cũng là chiếc B24 đầu tiên bị tiêu diệt tại chiến trường Việt Nam. Điều may mắn nhất, khi bị tiêu diệt chiếc B24 mang theo rất nhiều bom, khi rơi xuống Bản Kéo vẫn chưa nổ. Và đây chính là số thuốc nổ ta cần cho khối bộc phá ngìn cân để tiêu diệt cứ điểm A1.
Một nhóm các chiến sĩ chuyên biệt được cử đi tháo gỡ bom để lấy thuốc nổ. Con đường từ A1 sang Bản Kéo phải vượt qua tầm kiểm soát của địch, ta phải di chuyển ban đêm và thực hiện một cách gấp rút trong thời gian ngắn nhất có thể.
Việc tháo gỡ bom cũng không hề đơn giản, đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn thận và bằng mọi giá phải lấy được thuốc nổ mang về. Và rồi, lần lượt từng quả bom được khéo léo "rút ruột" thu được 500kg thuốc nổ trong sự vui mừng khôn siết của bộ đội ta.
Khi mọi việc đã xong, khối bộc phá nổ vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 6 tháng 5 năm 1954 do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Điệt và Nguyễn Bạch điểm hỏa. Ta cũng quyết định lấy tiếng nổ của khối bộc phá làm hiệu lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận.
Một tiếng nổ trầm không được như mong đợi phát ra từ phía A1. Một cột khói lớn bốc lên cao cách hầm ngầm không xa. Khối bộc phá tiêu diệt được một đại đội địch và làm nhiều lính Pháp bị thương. Ta đã tạo ra được một lợi thế trên tuyến ngang đồi, tạo thời cơ cho các chiến sĩ Trung đoàn 174 tiến lên đánh chiếm hầm chỉ huy cứ điểm.
Cuộc chiến ở đây kéo dài thêm 3 giờ đồng hồ nữa, trước khi địch có những hành động tiếp theo lúc trời sáng, ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm A1. Đến lúc này ta đã tiến công, phòng ngự trên đồi A1 39 ngày đêm với 4 đợt tấn công và 1 đợt phòng ngự, loại 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn cơ động của địch, diệt 825 tên địch.
Cuộc chiến ở đây diễn ra ác liệt nhất vượt xa những dự đoán ban đầu của quân ta bởi cứ điểm này là chỗ dựa, niềm tin cuối cùng của người Pháp nhằm cứu vãn sự sụp đổ của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
"Trận chiến 5 quả đồi" như tên gọi của một số lính Pháp sau khi chiến tranh kết thúc đã nhấn mạnh chiến sự khốc liệt nhất của 56 ngày đêm diễn ra trên thung lũng lòng chảo Điện Biên Phủ chính là ở ngọn đồi này.