Hải sản
Hải sản chứa nhiều khoáng chất và vitamin, đặc biệt là canxi, kẽm rất tốt cho những người muốn cung cấp dưỡng chất tốt cho xương, răng. Tuy nhiên, hải sản đã chế biến để qua đêm trong tủ lạnh thì sẽ không còn giữ được những dưỡng chất đó nữa, mà thay vào đó là biến chất thành những chất độc hại, gây ảnh hưởng đến gan và thận, không tốt cho sức khỏe.
Do đó, khi chế biến, bạn nên chế biến với lượng vừa đủ để tránh tình trạng ăn thừa, vứt bỏ rất lãng phí.
Nộm, gỏi
Các món ăn như nộm, gỏi đa số đều không cần dùng đến nhiệt độ để làm chín, vì thế sẽ chứa lượng vi khuẩn cao hơn bình thường. Nếu bạn không ăn hết thì nên đổ đi đừng vì tiếc của mà để vào tủ lạnh rồi hôm sau dùng lại.
Việc bạn để những loại thức ăn này qua đêm tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào thức ăn. Nếu như bạn sử dụng sẽ dễ bị ngộ độc, đau bụng, tiêu chảy… không tốt cho sức khỏe.
Những món ăn chế biến từ rau lá xanh
Bạn có thói quen chế biến rau lá xanh nhiều và "ăn một thể", khi các món ăn thừa bạn lại tận dụng vào sáng hôm sau. Thói quen này vô cùng tai hại và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng Nitrat trong rau lá xanh đã qua chế biến khi để qua đêm rất có thể sẽ chuyển hóa thành nitrit – một tác nhân gây bệnh ung thư cực kì nguy hiểm. Vì vậy, đây chính xác là một loại thực phẩm không nên để qua đêm.
Nếu rau mua với số lượng lớn cùng một lúc, bạn nên ăn càng sớm càng tốt, ví dụ như rau bắp cải, rau bina… Nếu muốn nấu nhiều hơn và để ăn ngày hôm sau, nên lựa chọn các loại củ, để tránh sản sinh quá nhiều nitrit.
Các loại nấm, mộc nhĩ
Nhiều món ăn rất bổ dưỡng nhưng lại trở thành "thuốc độc" nếu bạn ăn chúng khi đã để qua đêm và các loại nấm, mộc nhĩ chính là một trong những món ăn đó.
Thông thường, những loại nấm, mộc nhĩ được nuôi cấy trong môi trường ẩm thấp. Sau khi thu hoạch và chế biến bạn cần hết sức thận trọng. Khi bạn chế biến chúng thành món ăn, nếu còn thừa thì không nên để qua đêm bởi làm như vậy lượng dinh dưỡng sẽ bị hao hụt, vi khuẩn có cơ hội sinh sôi và khi ăn thường gây ra cảm giác khó chịu cho dạ dày.
Nấm nấu chín chứa nitrat tốt cho các tế bào máu đỏ, nhưng sau một đêm, nitrat sẽ thay đổi thành nitrit không tốt cho cơ thể. Nếu nấm đã chế biến để trong thời gian quá dài có thể dẫn đến nguồn dinh dưỡng bị hao hụt, nitrat sinh ra độc tố, gây khó chịu cho dạ dày và cơ thể. Cách tốt nhất là bạn hãy nói không với các món ăn có sử dụng hai nguyên liệu này khi đã để qua đêm.
Trứng chiên, trứng luộc
Theo cảnh báo của các chuyên gia dinh dưỡng, trứng gà luộc hay trứng gà chiên đều có thời gian sử dụng ngắn. Khi bạn đã chế biến xong thì nên ăn hết. Nếu trứng còn thừa bạn cũng không nên tiếc của mà để lại dùng bởi trứng để qua đêm sẽ dễ nhiễm khuẩn gây hại cho đường tiêu hóa.
Cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh an toàn
Để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đảm bảo an toàn và tươi ngon, có rất nhiều lưu ý mà bạn cần biết:
- Phân loại thực phẩm để tránh lây nhiễm chéo, đồng thời hạn chế thấp nhất tình trạng thực phẩm hư hỏng, mất dưỡng chất. Hãy phân loại đồ ăn trong tủ lạnh rồi để chúng riêng vào một hộp.
Cần phân loại thực phẩm sống và chín. Hai nhóm thực phẩm này nên được để riêng ở hai vị trí khác nhau trong tủ lạnh bởi vi khuẩn từ thực phẩm sống có thể lây lan, làm ô nhiễm thực phẩm đã được nấu chín.
- Không nên đặt thức ăn vừa đun sôi ngay vào tủ bởi có thể khiến thức ăn bị "sốc" nhiệt, biến chất, làm mất giá trị dinh dưỡng, thậm chí là bị biến đổi mùi vị. Tốt nhất, bạn nên để nguội thực phẩm để chúng cân bằng về nhiệt độ phòng rồi sau đó hãy cất trữ chúng vào tủ lạnh.
- Lựa chọn hộp đựng thực phẩm sạch, bảo đảm chất lượng, tốt nhất dùng hộp thủy tinh.
- Để nhiệt độ tủ lạnh phù hợp, cần nắm rõ thời gian bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh để sử dụng đúng.
- Sắp xếp thực phẩm hợp lý, theo loại. Nên dán kèm giấy ghi chú ngày trữ thực phẩm, ngày mở hộp, ngày hết hạn… như thế sẽ giúp bạn dễ dàng quản lý, sử dụng thực phẩm đúng cách, tươi ngon.
- Không để quá nhiều đồ trong tủ lạnh.
- Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên là để ngăn chặn sự sinh sôi của vi trùng có thể gây ra các bệnh ngộ độc thực phẩm.
Minh Hoa (t/h)