Khoai lang là một nguồn cung cấp beta-carotene phong phú. Trong khoai lang có carotenoid, một chất chống oxy hóa giúp gan chuyển đổi beta-carotene tiêu thụ thành các loại vitamin giúp tăng cường sức khỏe.
Lượng beta-carotene đủ để tạo ra các rào cản niêm mạc ngăn vi khuẩn và chất độc trong môi trường xâm nhập vào cơ thể, giúp cơ thể ngăn ngừa và chống lại nhiễm trùng và có hệ thống miễn dịch hoàn thiện hơn.
Bổ sung khoai lang trong thực đơn cũng sẽ cải thiện sức khỏe của hệ tiêu hoá. Đặc biệt, ăn khoai lang cả vỏ sẽ giúp quá trình tiêu hóa diễn ra ổn định hơn. Khoai lang chứa lượng vitamin, khoáng chất, chất xơ và carbohydrate cao có tác dụng hỗ trợ chữa lành các vết loét dạ dày và ruột, điều trị hội chứng ruột kích thích nhờ chứa các chất chống ôxy hóa.
Ngoài ra, chất xơ trong khoai lang còn tạo môi trường để vi khuẩn có lợi trong ruột kết phát triển và giữ cho các tế bào niêm mạc ruột luôn khỏe mạnh.
Dù vậy, khi ăn khoai lang cần tránh những sai lầm sau đây để không ảnh hưởng tới sức khỏe:
Ăn khoai lang có đốm đen: Khoai lang bảo quản không tốt sẽ rất dễ bị hà, xuất hiện những đốm đen, nhiều người không vứt bỏ mà cắt bỏ phần hà, đốm đen đi để luộc lên rồi ăn tiếp. Tuy nhiên việc xuất hiện những vết này có nghĩa khoai đã bị nhiễm khuẩn vằn đen ô nhiễm gây độc cho gan.
Loại độc tố này sẽ không hề bị tiêu diệt dù bạn có luộc khoai trong nước sôi sùng sục hay là nướng khoai với than hồng rực. Vì vậy, khi có những biểu hiện này, bạn hãy vứt bỏ đi, đừng tiếc mà gọt vỏ rồi ăn tiếp nhé.
Thường xuyên ăn khoai lang sống: Không ít người có sở thích ăn khoai lang sống, họ cho rằng, ăn khoai lang sống vừa ngọt, giòn và có cảm giác ngon miệng.
Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra, không nên ăn khoai lang sống. Bởi vì nếu không bị nhiệt phá hủy thì màng tế bào tinh bột của khoai lang sẽ rất khó tiêu hóa trong cơ thể.
Đồng thời khi luộc khoai các enzyme trong khoai sẽ bị phân hủy, vì vậy, sau khi ăn sẽ không xuất hiện tình trạng đầy hơi, ợ chua, ợ hơi, buồn nôn...
Ăn khoai lang thay cơm để giảm cân: Theo chuyên gia dinh dưỡng, khoai lang rất tốt cho sức khỏe nhưng không thể dùng thay cơm. Trong khoai lang vẫn chứa lượng đường khá cao, nhất là các loại khoai mật.
Ăn khoai lang dài ngày thay cơm có thể dẫn đến việc tích đường trong cơ thể, là nguyên nhân dẫn đến nhiều chứng bệnh cũng như làm bệnh tình thêm trầm trọng hơn.
Đã ăn khoai thì giảm ăn món chính: Hãy nhớ, khoai lang chứa một lượng carbohydrates tương đương với cơm, vì vậy, nếu bạn đã ăn khoai thì nên giảm lượng cơm ăn vào trong ngày để không bị quá dư thừa tinh bột.
Khi ăn khoai lang, các chất trong khoai sẽ dễ dàng tạo ra một lượng lớn khí trong đường tiêu hóa, có thể dẫn đến đầy bụng và ợ hơi, vì vậy, nếu bạn vẫn ăn cơm bình thường thì chỉ nên ăn thêm khoảng 100-200g khoai lang. Điều này sẽ giúp cân bằng dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Ăn cả vỏ: Ăn khoai lang rất tốt cho những người bị táo bón. Tuy nhiên, nếu ăn cả vỏ thì lại không tốt cho hệ tiêu hóa chút nào vì trong vỏ khoai lang có nhiều chất kiềm.
Bên cạnh đó, khi mua khoai lang bạn cũng không nên chọn những củ khoai bị sần, hoặc thậm chí có những nốt nâu đốm giống như bị ong châm, vì những củ khoai như vậy thường có khả năng bị nhiễm độc hoặc bị hỏng, ăn vào có hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, dù bạn có thèm khoai lang đến mức nào chăng nữa, cũng chỉ được tự cho phép mình ăn trong giới hạn “dưới ba lạng” khoai lang mà thôi.
Bởi vì, khoai lang dễ khiến đường tiêu hóa sản sinh một lượng lớn carbon dioxide (CO2), khi ăn quá nhiều sẽ bị đầy hơi và ợ hơi. Và tốt nhất đừng ăn quá nhiều khi đói và chỉ ăn mỗi khoai lang không, khi đó, dạ dày sẽ dễ dàng kích thích sự bài tiết axit dạ dày, có thể dẫn đến cảm giác khó chịu ở bụng.
Tiểu Phi (t/h)