Chúng ta thấy rằng, ngày nay cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật là sự phát triển tới một mức cao hơn của trí tuệ loài người. Điều đó giống như hạt giống được gieo trồng gặp cơn mưa vậy, từ từ đâm chồi và nhanh chóng phát triển. Sự tiến bộ đòi hỏi loài người phải tư duy lại, nhận thức khác và hành động khác.
Tôi mất công mở đầu dài như vậy cũng chỉ để nói về “cái án tử hình cho một sinh mạng” - một vấn đề mà còn quá sớm để khẳng định được nó tốt hay xấu cho xã hội loài người.
Xu hướng hiện nay trên thế giới, các quốc gia đang tiến dần đến việc xóa bỏ hẳn bản án tử hình hoặc đem lại cho kẻ phạm tội cái chết êm ái hơn. Điều đó thể hiện tính nhân văn trong cái hà khắc và tàn nhẫn nhất có thể. Đứng trên tinh thần Phật giáo, ta nhìn nhận việc đó là một sự tiến bộ.
Hàng ngày với sự năng động của truyền thông hiện đại, ta có thể dễ dàng nắm bắt thông tin trên cả địa cầu. Từ chuyện mâu thuẫn chính trị nội bộ, nội chiến, việc bê bối riêng tư của một nhà chính trị đến những phát kiến khoa học, những động thái khôi phục kinh tế của một nước… Tuy nhiên tôi thường dừng lại khá lâu với những thông tin từ Trung Quốc, đặc biệt là “cái án tử hình” - hình như nó xuất hiện khá nhiều!
Mỗi con người, mỗi tâm hồn có một cách suy nghĩ khác nhau khi nhắc về vấn đề này, có trầm ngâm suy tư, có ngao ngán, có liên tưởng ... Và đa số thường qua loa hay cũng có thể nói vui: “nước họ đông dân thế chém cho đỡ chật đất ấy mà”. Nhưng nghiêm túc nhìn nhận, rõ ràng nó cho ta cảm nhận về một bộ mặt rất lạnh lùng, một quyết tâm cực lớn để vực dậy một cường quốc tiềm năng. “Cái án tử hình” ấy cho thấy quyết tâm đứng dậy, xóa sạch những vết nhơ, những vết giày xéo trên thân xác dân tộc mà lịch sử đã trùm lên đầu họ. Quá khứ về chia rẽ dân tộc Hán - Mãn, sự giày xéo của liên minh xâm lược luôn ám ảnh họ và đặc biệt, tư tưởng cho rằng Trung Quốc luôn là “thiên triều” chưa bao giờ tan trong đầu họ. Chúng ta đã phần nào thấy được thành quả của Trung Quốc - đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế đứng thứ 2 trên thế giới trong năm qua. Các thành thị, khu công nghiệp mọc lên như nấm. Một tốc độ công nghiệp hóa khủng khiếp!
Tôi lại nhớ đến định luật bảo toàn công: Được lợi bao nhiêu lần về lực thì tốn bấy nhiêu lần về đường đi và ngược lại. Vậy thử nhìn lại, họ đã đánh đổi những gì?
Tổng thu nhập quốc dân của Trung Quốc đứng thứ 2 trên thế giới, song thu nhập lấy từ đâu? Đó là từ khai khoáng, xây dựng, gia công các sản phẩm công nghệ cao từ nước ngoài với giá thành lao động rẻ mạt… Trung Quốc đón nhận dòng đầu tư sản xuất từ nước ngoài đổ vào một cách ồ ạt, đó là tín hiệu vui cho nền kinh tế. Song dưới một góc nhìn khác, họ đang tiếp nhận chất thải và gánh chịu ô nhiễm thay các nước phát triển khác. Điều đó được các nhà quản lý môi trường nhận định là sự xuất khẩu rác thải theo con đường hợp pháp, không những thế, chúng còn được hoan nghênh!
Một vài năm trở lại đây, xã hội rất nóng với cụm từ “làng ung thư” (dường như cụm từ này xuất phát từ Trung Quốc) – để chỉ những ngôi làng có số người mắc bệnh ung thư (nội tạng) cao và không ngừng gia tăng. Các dòng sông bị ô nhiễm mang đủ màu sắc khả kiến là xanh, là vàng nhạt, là đỏ cam…, đó là sản phẩm thải từ các hoạt động công nghiệp lân cận, chứa hóa chất phụ gia, tẩy rửa, kim loại nặng,… Môi trường nước được xem là nơi khởi tổ của sự sống, nay biến thành nơi tiêu diệt sự sống của cả con người và sinh vật, và những dòng sông chết chóc ấy xuất hiện ngày càng nhiều tại Trung Quốc. Đương nhiên sự ô nhiễm môi trường gây hiện trạng ung thư ở Trung Quốc bao gồm cả môi trường đất, không khí tuy nhiên ô nhiễm nguồn nước là tai hại hơn cả.
Theo một bài báo thống kê, trong 30 năm qua, tỉ lệ tử vong do ung thư phổi ở Trung Quốc tăng 4,6 lần và là dạng ung thư điển hình nhất. Ung thư là nguyên nhân gây tử vong số một tại các đô thị và đứng thứ 2 tại các vùng nông thôn, sau bệnh tai biến mạch máu não. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và tờ thời báo Shenghuo Shibao là những cơ quan đầu tiên đưa tin về Làng ung thư vào năm 1998. Báo cáo trong thời điểm đó cũng miêu tả tình trạng ô nhiễm nước thải công nghiệp tại con sông Hải Hà, vốn chảy qua địa phận tỉnh Thiên Tân và Hà Bắc. Tại ngôi làng Xiaojizhuang tỉnh Hà Bắc, khi ruộng đồng đã trở nên cằn cỗi bởi chất thải công nghiệp, cứ 10 người dân có 1 người chết vì ung thư.
Theo WHO 2007, mỗi năm Trung Quốc có đến 656.000 người chết sớm do ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời. Con số khiến chúng ta phải giật mình suy nghĩ: vậy ngoài cái án tử hình hà khắc cho kẻ phạm tội, còn đó bao nhiêu cái án tử vô hình treo trên đầu những người dân vô tội? Không phạm pháp, không một tòa án nào phán xét song những “cái án tử hình” vẫn không ngừng gia tăng và không chỉ gia tăng tuyến tính. Và chúng ta có nhận thấy đất nước Việt Nam ta, hiện cũng đang bùng nổ các “bản án” kiểu như vậy?
Theo Văn Dương (Chùa Hoằng Pháp)