Từ một số sự việc những người cha khiến con bị áp lực trong học tập và cuộc sống gần đây, chuyên gia tâm lý Trần Ly cho rằng, ảnh hưởng của người cha với sự trưởng thành của con cái là điều không thể chối cãi. Nếu người cha là tấm gương tốt sẽ giúp đứa trẻ tiến xa trong cuộc đời, nhưng cũng có những người cha “độc hại” ảnh hưởng tiêu cực đến con trẻ, thậm chí là dẫn tới những bi kịch xấu.
Cụ thể, những người cha có tính cách sau cần nghiêm túc nhìn nhận lại và thay đổi bản thân vì tổ ấm nhỏ và tương lai con trẻ:
Người cha có tính cách hay gắt gỏng, cằn nhằn: Niềm hạnh phúc của con trẻ là được sà vào lòng cha mẹ để nũng nịu, mong chờ tình yêu thương. Những đứa trẻ có cha tâm lý, thấu hiểu trong giai đoạn đầu đời sẽ sống tình cảm và có EQ cao hơn những đứa trẻ vắng bóng người cha.
Trên thực tế, những người cha hay nóng nảy, cằn nhằn sẽ khiến tinh thần con hoảng loạn. Về lâu dài, người cha mang tính cách này sẽ “đào tạo” nên những đứa con giống mình, thậm chí chúng sẽ phản ứng ngược lại với người cha đó. Cha ông ta vẫn nói: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” chưa bao giờ là sai. Bởi vậy, hãy làm gương cho con cái bằng cách sống đúng với trách nhiệm của người cha, đừng đổ hết bực dọc, mệt mỏi lên đầu con trẻ. Hãy nhớ, con cái sẽ “sao chép” những hành vi của cha mẹ hằng ngày và thể hiện chúng qua lời ăn tiếng nói của mình.
Những ông bố bạo lực: Những ông bố có xu hướng bạo lực thường khiến đứa trẻ bị ám ảnh rất lâu. Ngoài sự sợ hãi nhất thời đứa trẻ còn bị ảnh hưởng lâu dài trong tương lai.
“Hành vi bạo lực của người cha gây tác hại to lớn, làm tổn thương tinh thần, suy giảm khả năng học tập và phát triển toàn diện của trẻ em. Ngoài ra, chúng còn gây nên sang chấn tâm lý, tạo nên những ký ức khó chữa lành rồi dẫn tới những hệ lụy khôn lường (bố mẹ bỏ nhau con cái côi cút, thất học, chán nản dẫn tới tệ nạn xã hội”,… Hơn bao giờ hết, người cha-thuyền trưởng trong gia đình cần nhận thức tốt điều này”, chuyên gia Trần Ly nhấn mạnh.
Người bố hứa suông: Khi muốn con làm điều gì đó, có những người bố luôn thuận miệng hứa “Con cứ làm đi, làm tốt bố sẽ có quà cho con” nhưng sau đó, ông bố này còn lật mặt nhanh hơn cả bánh tráng điều này khiến đứa trẻ không khỏi buồn bã, thất vọng. Về lâu dài, đứa trẻ sẽ sống trong hoài nghi về mọi thứ tốt đẹp xung quanh, chúng không còn tin tưởng vào những lời hứa hẹn nữa.
Người cha bị “phụ thuộc” công nghệ: Những ngày qua, hình ảnh người cha ung dung cầm điện thoại ngồi trên ghế sô pha thản nhiên trước cảnh con ngã dúi dụi xuống nền nhà đã gây tranh cãi. Tạm “bỏ qua” lý do vì sao con ngã, người ta lại lên án người cha này khi chỉ dán mắt vào màn hình điện thoại mà quên đi con mình.
“Đây chỉ là số ít những người cha “nghiện” công nghệ. Trên thực tế không ít người cha khi tan sở về nhà cũng chỉ cắm mặt vào chơi game, lướt facebook, mặc vợ nấu cơm việc nhà, mặc con học tập. Những người cha này chỉ biết lên tiếng quát mắng khi con điểm thấp, khi vợ nhắc nhở hết tiền chi tiêu… Tôi xót xa hơn khi từng có một đứa trẻ nói với tôi rằng: “Bố con yêu điện thoại hơn con”, “Bố con chỉ thích ôm điện thoại, không ôm con”.
Về lâu dài những đứa trẻ có cha nghiện điện thoại sẽ cảm thấy mình bị cô lập, bỏ quên, chúng cảm thấy tủi thân mà không dám lên tiếng, dần dần những đứa trẻ này sẽ khép mình lại, lầm lỳ, ít nói chuyện hơn”, chuyên gia Trần Ly phân tích.
Hãy nhớ, dùng điện thoại không xấu nhưng nếu lạm dụng điện thoại, “nghiện” công nghệ sẽ khiến con trẻ bị ảnh hưởng. Muốn con trẻ phát triển tốt hãy cùng con trò chuyện, vui chơi mỗi ngày.
Người đàn ông thường xuyên bạo lực với vợ: Người vợ là “tay hòm chìa khóa” trong gia đình và họ cần sự yêu thương quan tâm của người chồng. Nếu các ông chồng thường xuyên vắng nhà để mặc vợ tự “bơi” trong cuộc sống nhiều áp lực thì chứng tỏ anh ta là người vô tâm.
Hãy trở thành người chồng thông minh biết thương yêu vợ con, để những đứa trẻ cảm nhận được tình yêu thương gia đình. Hãy nhớ, tình cảm vợ chồng hòa thuận chính là lý do để cả gia đình hạnh phúc, con cái chăm ngoan.
Hồng Anh