Bảo tồn văn hóa truyền thống qua những âm thanh của đại ngàn

Bảo tồn văn hóa truyền thống qua những âm thanh của đại ngàn

Thứ 3, 08/04/2025 11:00

Không chỉ chế tác được nhiều loại nhạc cụ dân tộc từ tre, nứa, lồ ô hay các loại gỗ tạp, nghệ nhân Y Krang Tơr còn là một trong số ít người có khả năng chỉnh chiêng, luôn tận tâm với việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bén duyên với các loại nhạc cụ dân tộc

Giữa nhịp sống hiện đại đang len lỏi vào từng buôn làng Tây Nguyên, vẫn có những con người lặng lẽ gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Một trong những người như thế là nghệ nhân Y Krang Tơr (trú tại buôn Tlông, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk). Hơn 30 năm qua, ông đã miệt mài chế tác và gìn giữ những thanh âm đại ngàn qua từng chiếc đàn, cây sáo, tiếng chiêng.

Sinh năm 1972, ông Y Krang Tơr là con thứ hai trong gia đình có 3 anh em trai. Cha ông là một nghệ nhân tài hoa, am hiểu sâu sắc về nhạc cụ truyền thống, không chỉ chế tác mà còn chỉnh chiêng và hát dân ca. Thế nhưng, trong 3 anh em, chỉ có ông Y Krang đam mê và quyết tâm theo đuổi con đường gìn giữ nhạc cụ dân tộc. Ngay từ nhỏ, ông đã theo chân cha, tỉ mỉ quan sát từng công đoạn chế tác, chỉnh âm cho từng loại nhạc cụ và dần nuôi dưỡng tình yêu với âm nhạc truyền thống.

Bảo tồn văn hóa truyền thống qua những âm thanh của đại ngàn- Ảnh 1.

Dù đã lớn tuổi nhưng nghệ nhân Y Krang Tơr vẫn hết lòng với niềm đam mê chế tác nhạc cụ dân tộc.

Đến năm 20 tuổi, ông đã tự mình chế tác được những cây sáo, cây đàn đầu tiên. Không dừng lại ở đó, ông còn không ngừng học hỏi, nghiên cứu để tạo ra nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác nhau như: Mpuốt, sáo bầu, đàn môi, sáo ống, đàn gỗ (tiếng M'Nông gọi là T'lăk T'lơ), đàn tre… Mỗi loại nhạc cụ đều mang những đặc trưng riêng, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo trong từng công đoạn chế tác.

Theo nghệ nhân Y Krang, chế tác nhạc cụ không chỉ cần kỹ thuật mà còn phụ thuộc vào chất liệu. Tre, lồ ô, nứa là những nguyên liệu chính để làm nên những cây sáo, cây đàn. Ông kể: "Trước đây, rừng Tây Nguyên bạt ngàn nên việc tìm kiếm nguyên liệu để chế tác nhạc cụ rất dễ dàng. Thế nhưng, hiện nay, để có được những cây lồ ô, cây nứa đủ tuổi, ông phải đi xa hơn 10km, băng rừng nửa ngày mới tìm được. Cũng vì vậy, mỗi năm, ông chỉ đi lấy nguyên liệu một lần về để dành chế tác".

Bảo tồn văn hóa truyền thống qua những âm thanh của đại ngàn- Ảnh 2.

Với vẻ bề ngoài mộc mạc nhưng âm thanh của chiếc Mpuốt do nghệ nhân Y Krang Tơr chế tác làm say đắm lòng người.

Những cây tre, lồ ô, nứa sau khi lấy về được ông phơi nắng 3-4 ngày rồi ngâm nước 2-3 ngày. Sau đó, phơi thêm 3-4 ngày nữa mới có thể chế tác. The ông Y Krang, công đoạn khó nhất chính là chỉnh âm thanh cho từng loại nhạc cụ, phải trải qua nhiều lần thử nghiệm để đạt được âm sắc chuẩn nhất.

Trong đó, Mpuốt là loại nhạc cụ khó chế tác nhất, phải mất khoảng thời gian cả tuần mới hoàn thành được 1 cái Mpuốt. Để tạo ra Mpuốt, ngoài nguyên liệu chính là nứa, còn phải sử dụng quả bầu khô, sáp ong và lưỡi đồng. Quá trình chế tác đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối trong việc sắp xếp lưỡi đồng, đồng thời phải tạo đủ 6 lỗ trên quả bầu khô để đảm bảo âm thanh đạt độ chuẩn mực cao nhất.

Không riêng gì Mpuốt, đàn gỗ (T'lăk T'lơ) cũng là một trong những nhạc cụ độc đáo, mang âm hưởng của núi rừng. Được chế tác từ cây gỗ tạp, loại đàn này có cấu tạo đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn để đạt được âm thanh vang, rõ ràng nhất.

Bảo tồn văn hóa truyền thống qua những âm thanh của đại ngàn- Ảnh 3.

Nghệ nhân Y Krang Tơr có cuộc trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin.

Nghệ nhân Y Krang Tơr cho hay, để làm ra một cây đàn gỗ hoàn chỉnh, trước tiên phải chọn những thân gỗ phù hợp, sau đó cắt thành bốn khúc với kích thước lần lượt là 1m, 90cm, 80cm và 70cm. Sau khi cắt xong, gỗ được mang đi phơi khô từ 2-3 ngày. Đây là bước quan trọng bởi nếu sử dụng gỗ tươi, âm thanh phát ra sẽ không rõ và thiếu độ vang.

Khi gỗ đã đạt độ khô cần thiết, các thanh đàn sẽ được buộc lại, cố định bằng dây mây để tạo thành một bộ đàn hoàn chỉnh. Công đoạn cuối cùng là chỉnh âm, giúp từng thanh gỗ phát ra âm sắc hài hòa, tạo nên những giai điệu trầm bổng đặc trưng. Khác với các loại nhạc cụ khác, đàn gỗ có thể chơi một hoặc hai người cùng lúc, tạo nên những bản hòa tấu đầy sức sống..

Gian nan giữ nghề giữa thời hiện đại

Công việc chế tác nhạc cụ dân tộc đã khó, nhưng giữ gìn và truyền dạy lại càng gian nan hơn. Suốt nhiều năm qua, nghệ nhân Y Krang luôn trăn trở tìm kiếm người kế tục để truyền dạy nghề chế tác nhạc cụ. Thế nhưng, nhiều người đến học rồi bỏ dở. "Thế hệ trẻ ngày nay bị ảnh hưởng bởi các dòng nhạc hiện đại, ít ai còn tha thiết với nhạc cụ truyền thống. Ngay cả các con, cháu trong gia đình tôi cũng không ai chịu học nghề", ông Y Krang nói.

Dù gặp nhiều khó khăn, ông Y Krang vẫn chưa một lần có ý định từ bỏ niềm đam mê của mình. Ông luôn mong rằng thế hệ trẻ ngày nay sẽ quan tâm hơn đến những giá trị văn hóa truyền thống. 

"Tôi rất mong các thế hệ sau nâng cao ý thức bảo tồn nhạc cụ dân tộc, để tiếng đàn, tiếng chiêng không bị lãng quên giữa nhịp sống hiện đại. Chỉ khi gìn giữ được văn hóa, chúng ta mới giữ được hồn cốt của dân tộc mình", ông Y Krang chia sẻ.

Bảo tồn văn hóa truyền thống qua những âm thanh của đại ngàn- Ảnh 5.

Những chiếc sáo bầu được ông treo cẩn thận trên mái nhà.

Bằng đôi bàn tay tài hoa và trái tim đầy nhiệt huyết, nghệ nhân Y Krang vẫn miệt mài bên những cây đàn, cây sáo. Hơn 30 năm gắn bó với nghề chế tác nhạc cụ truyền thống, ông Y Krang đã chế tác gần 100 nhạc cụ, chủ yếu phục vụ cho các hoạt động văn hóa trong buôn làng. Những nhạc cụ do ông làm ra không chỉ để sử dụng trong các nghi lễ, hội diễn mà còn được nhiều người trong buôn và các địa phương khác tìm đến mượn về sử dụng. Thậm chí, với những ai thực sự đam mê, ông sẵn sàng tặng miễn phí, chỉ mong mọi người có cơ hội học tập, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.

Không chỉ chế tác nhạc cụ, ông Y Krang còn là một trong số ít người biết chỉnh chiêng trên địa bàn xã Đắk Phơi. Việc chỉnh chiêng không phải ai cũng làm được, bởi không chỉ cần biết đánh chiêng mà còn phải có đôi tai tinh tường để lắng nghe từng cung bậc âm thanh. Nhờ khả năng đặc biệt này, nghệ nhân Y Krang đã giúp nhiều gia đình M’Nông Gar (một nhánh của dân tộc M’Nông) tại địa phương có được những bộ chiêng có âm thanh chuẩn, phục vụ cho các nghi lễ quan trọng.

Bảo tồn văn hóa truyền thống qua những âm thanh của đại ngàn- Ảnh 6.

Chiếc đàn môi được ông làm từ 1 cọng sắt bẻ cong lại và 1 đoạn vòng đồng. Với cấu tạo đơn giản, ai cũng có thể chơi được chiếc đàn môi.

Thời gian qua, ông còn tích cực truyền dạy kỹ năng đánh cồng chiêng cho các thế hệ trẻ trong buôn làng, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, ông cũng tham gia biểu diễn cồng chiêng, các nhạc cụ dân tộc tại nhiều sự kiện văn hóa do xã, huyện, tỉnh tổ chức.

Với tâm huyết của mình, ông khẳng định: "Khi nào còn sức khỏe, đôi chân còn đi được, tôi sẽ tiếp tục biểu diễn cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc, mang bản sắc văn hóa của dân tộc mình đến gần hơn với người dân và du khách trong và ngoài tỉnh".

Bảo tồn văn hóa truyền thống qua những âm thanh của đại ngàn- Ảnh 7.

Chiếc đàn gỗ là một trong những nhạc cụ độc đáo do nghệ nhân Y Krang Tơr chế tác từ những đoạn gỗ tạp.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hoàng Thanh Bé, Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi cho biết, hiện nay trên địa bàn xã chỉ có hai người có khả năng chế tác nhạc cụ dân tộc, trong đó có nghệ nhân Y Krang Tơr. Những nỗ lực và cống hiến của ông Y Krang Tơr đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc M’Nông tại địa phương. Mặc dù tuổi tác đã cao, nhưng ông vẫn luôn nhiệt huyết tham gia vào các hoạt động văn hóa ở xã, cũng như các sự kiện do huyện và tỉnh tổ chức.

Để động viên tinh thần các nghệ nhân, chính quyền địa phương luôn ghi nhận công sức của họ bằng cách tính ngày công hỗ trợ một phần chi phí mỗi khi họ tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa, lễ hội. Qua đó, không chỉ khích lệ tinh thần mà còn tạo thêm động lực giúp các nghệ nhân duy trì và bảo vệ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.