Đặc biệt, dù con cháu đã ngăn cấm, nhưng cụ vẫn cầm liềm đi cắt cỏ, cắt lúa phụ giúp gia đình mỗi khi vào vụ mùa. Người dân nơi đây cho rằng, cụ Phan có được sức khỏe phi thường như vậy chính là bởi đã từ rất lâu rồi, trong thực đơn hàng ngày của cụ chưa bao giờ thiếu… muối vừng.
Ăn muối vừng, uống nước nóng
Không khó để tìm đến nhà cụ bà Thái Thị Phan (tên thường gọi là cụ Long), mới đến đầu xã Hồng Long, trông thấy bóng người lạ, một phụ nữ vừa đi làm đồng về đã nhanh nhảu bắt chuyện: "Các chú đến tìm nhà cụ Long trăm tuổi phải không, bà cụ là tấm gương sáng cho cả làng, cả xã tôi phải học tập đó. Mặc dù đã 109 tuổi nhưng bước chân của cụ vẫn thoăn thoắt mỗi khi ra đồng cắt cỏ hay gặt lúa giúp con cháu. Các chú chỉ cần đi hết con đường làng này sẽ tới một gốc nhãn phía bên phải, đó chính là nhà cụ Long".
Cụ Phan và con trai.
Trên đường tìm đến nhà người phụ nữ đặc biệt này, chúng tôi vẫn thường trực một cảm giác ngờ vực về sức khỏe của một con người năm nay đã 109 tuổi, liệu bà cụ có thật sự đủ sự minh mẫn để giúp con cháu làm nhiều việc đến vậy hay không? Bước chân vào ngôi nhà sau gốc nhãn, mọi nghi ngờ đều tan biến khi chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh bà cụ đang bê những mẻ ngô, mẻ lạc vừa thu hoạch ra sân phơi cho kịp nắng.
Dáng người thon gọn, động tác nhanh nhẹn không kém gì thanh niên, chẳng mấy chốc mà cụ bà đã giúp gia đình phơi kín cả một sân bê tông đầy nông sản trong khi miệng không ngừng nhấm nháp miếng trầu thơm. Nhác thấy bóng người lạ, bà cụ vui vẻ mời vào nhà rồi cất tiếng nói sang sảng, rót nước mời khách: "Các chú đến tìm ai đó, hôm nay cuối vụ (thu hoạch lúa - PV) nên mấy đứa chúng nó đang ra đồng để chuẩn bị gieo giống mới, một lúc nữa mới về".
Nằm co ro ở một góc giường, ông Bùi Ngọc Long (con trai thứ 3 của cụ Long) năm nay mới chỉ 84 tuổi nhưng tình trạng sức khỏe xem ra không thể theo kịp mẹ mình. Không may mắc căn bệnh hen suyễn nên ông Long đã nằm giường mấy năm nay, có những khi người nhà đi vắng, chính cụ Long là người chăm lo việc ăn uống cho con mình. "Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình nghèo tại xóm 1, xã Hồng Long nên bà cụ cực khổ từ khi lọt lòng. Tôi nghe người ta kể lại rằng, hồi còn trẻ, bà cụ đã một mình lo toan mọi công việc đồng áng của gia đình". Năm 1930 bà Thái Thị Phan lập gia đình với một người cùng thôn là ông Bùi Ngọc Cu. Ông bà sinh được 7 người con nhưng 2 người con trai đầu mất ngay khi còn rất nhỏ, hiện nay chỉ còn lại 5 anh em, gồm 2 trai và 3 gái.
109 tuổi nhưng cụ Phan vẫn rất nhanh nhẹn.
Dường như số phận đã quá nghiệt ngã với cụ Long khi hai đứa con trai đầu mất đi chưa được bao lâu thì đến năm 1940, đến lượt người chồng xấu số qua đời. Gánh nặng lại một lần nữa đè lên vai người phụ nữ yếu ớt, chồng mất để lại một đàn con thơ nên cụ Phan phải một mình sớm khuya tảo tần, lao động cật lực mới mong nuôi dạy con nên người. Giờ đây, sau nhiều sóng gió cuộc đời, cuộc sống của gia đình cụ Phan đã bớt vất vả hơn nhiều, con cháu cụ đang học tập và công tác khắp mọi miền tổ quốc và có người đã đạt đến học vị thạc sỹ.
Khi được hỏi bí quyết nào, cách thức sống ra sao để có được sức khỏe "phi thường" như thế, bà cụ cười bảo: "Khi còn trẻ tôi lao động rất nhiều, làm việc cũng như tập thể dục vậy, chính từ trong gian khổ mới rèn luyện cho con người sự dẻo dai, bền bỉ". Qua việc tìm hiểu từ gia đình và hàng xóm chúng tôi được biết về một điểm đặc biệt trong thực đơn của cụ Long. Theo đó, bà cụ ăn đều ngày ba bữa và mỗi bữa đúng hai bát cơm khô cùng với muối vừng (lạc giã nhỏ, cho thêm muối, bột nêm - PV). Con cháu trong nhà cho biết, cụ Long rất ít ăn thịt, cá và nước uống cũng rất đặc biệt, đó chính nước chè xanh nóng hổi. Cụ Long cho biết: "Tôi có thói quen ăn muối vừng từ khi còn nhỏ, khi ăn kèm với cơm nó cho tôi cảm giác rất ngon miệng, dễ tiêu hóa và nhất là làm cho con người ngủ được ngon và sâu giấc hơn".
Giấy chúc thọ.
Quan tài đã thay đến cái thứ 3
Cuộc sống của cụ Long vốn vất vả từ khi cha sinh mẹ đẻ, đến tuổi trưởng thành, lập gia đình thì lại phải chịu nhiều đau thương, mất mát khi lần lượt hai đứa con đầu lòng và người chồng đầu gối tay ấp ra đi. Cuộc sống của "cụ bà trăm tuổi" đã có lúc tưởng chừng như tuyệt vọng. Tuy nhiên, với nghị lực phi thường, tình yêu lớn lao dành cho những đứa con còn lại, bà cụ đã một mình gồng gánh cả gia đình để có được thành quả như ngày hôm nay. Mỗi khi vào dịp lễ, tết con cháu tập trung về báo hiếu cụ Long có khi đông hơn cả một đám cưới trong thôn.
Vất vả là vậy nhưng chưa một lần bà cụ ốm đau, bệnh tật, chỉ có những ngày mùa màng lao lực, đôi khi cụ hơi mệt mỏi nhưng cứ ngủ một giấc dậy là mọi thứ đều tan biến. Ông Bùi Ngọc Long tâm sự: "Đến cả chúng tôi là con cháu trong nhà nhưng cũng không ai có thể biết được sức khỏe của bà cụ lại tốt đến thế. Năm 1965, khi cụ lên tuổi 61, anh em tôi đi xem bói thì thầy tướng phán rằng, năm nay gia đình có đại tang nên ai nấy đều rất lo lắng cho sức khỏe của mẹ. Chúng tôi tổ chức họp gia đình, nếu người lớn tuổi thì chắc chắn là mẹ, nên gấp rút trong thời gian ngắn phải thuê người đóng cho bà cỗ quan tài. Tuy nhiên, sau đợt đó, sức khỏe của bà vẫn bình thường, thậm chí còn ra đồng nhiều hơn để giúp con cháu".
Kể từ khi đóng quan tài cho cụ Phan xong, do để quá lâu, gỗ bị hư hại nhiều nên gia đình ông Long phải làm đi, làm lại đến nay đã là lần thứ 3. Từ đó đến nay cụ vẫn đang sống rất khỏe mạnh và là lao động chính trong gia đình. Những việc đồng áng như cắt cỏ, gặt lúa, và công việc trong gia đình cụ đều quán xuyến rất tốt. Một người hàng xóm của cụ Phan cho biết: "Sống gần với bà cụ mới biết được cụ rất yêu lao động. Mới vài hôm đây thôi, cụ còn sang nhà tôi để mượn nhờ liềm và xe cút kít để đi cắt cỏ cho bò. Nhà ông Long đã phải đóng quan tài cho bà cụ đến 3 lần vào các năm 1965, 1980 và gần đây nhất là năm 1990".
Bị con cái cấm vẫn ham việc đồng áng Dù đôi tai của cụ đã có phần kém đi nhưng đôi mắt và nhất là sức khỏe thì không giảm sút tí nào, mọi công việc sinh hoạt trong nhà như tắm giặt, may vá, nấu cơm cho đến công việc đồng áng nặng nhọc cụ vẫn đang làm rất tốt. Anh Bùi Ngọc Cảnh, con ông Long (cháu nội cụ Phan) cho biết: "Mới chỉ năm ngoái đây thôi, khi nhà tôi vào vụ gặt, bà vẫn ra đồng để giúp con cháu, năm nay thấy bà đi làm tội quá gia đình quyết định không cho bà đi làm đồng nữa, biết đâu lỡ bà mà có chuyện gì thì hối cũng không kịp. Nói vậy nhưng bà có nghe lời đâu, cấm không cho bà ra đồng thì bà tự đi một mình, tất cả dụng cụ làm đồng như liềm, quang gánh... chúng tôi đem giấu đi, bà cũng tìm cho ra, hoặc đi mượn nhà hàng xóm rồi một mình ra ngoài đồng. Hôm qua, bà còn xách liềm ra đồng bứt cỏ, sau khi làm xong không có ai chở về thì tự bà tìm xe cút kít chở về nhà. Nói chung công việc đồng áng từ gặt lúa, cho tới làm màu cụ đều đảm nhận được tất. Tuy năm nay cụ bị "cấm vận" ra đồng nhưng công việc phụ trợ nông sản ở nhà như phơi phong lúa ngô, rơm rạ... cụ đều làm hết”. Ông Nguyễn Viết Tân, trưởng xóm 1, xã Hồng Long cho biết: Năm nay cụ Thái Thị Phan đã 109 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm, cụ thường xuyên phụ giúp con cháu rất nhiều việc trong nhà cũng như ngoài đồng. Con, cháu, chắt trong gia đình không những không phải chăm nom mà còn nhờ được cụ nhiều lắm. Hằng năm cứ mỗi dịp tết đến, xuân về chính quyền xã, cũng như xóm đều tới hỏi thăm sức khỏe và trao quà cho cụ. Hiện giờ, cụ đang sống với con trai thứ 3 và được hưởng chính sách hỗ trợ 180.000đ/tháng của Nhà nước. |
Hồ Ngọc - Nguyễn Long