Bộ GTVT “đang xem xét và sẽ báo cáo lại Chính phủ”
Liên quan đến nội dung này, trả lời phóng viên báo Người Đưa Tin về tiến độ thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc loại bỏ các điều khoản bí mật tại hợp đồng BOT, bộ GTVT cho biết đơn vị “đang xem xét và sẽ báo cáo lại Chính phủ về việc này”.
Ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng bộ GTVT nói: "Về vấn đề này, bộ GTVT vẫn đang tiến hành xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng và sẽ có báo cáo gửi tới Chính phủ. Bởi điều ước và luật Quốc tế vẫn cho phép áp dụng những điều khoản bí mật vào hợp đồng BOT.
Chắc chắn bộ GTVT sẽ thực hiện theo Nghị quyết số 83/NQ-CP thế nhưng vẫn sẽ phải rà soát kỹ lưỡng từ đó đưa ra được kết luận cụ thể, điều khoản nào cần bí mật, điều khoản nào công khai".
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 26/6/2018 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) nói riêng và hợp tác công tư (PPP) nói chung.
Văn bản nêu rõ, nghiên cứu xây dựng mẫu hợp đồng BOT áp dụng cho ngành giao thông, trong đó phải loại bỏ các điều khoản bí mật.
Các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.
Việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa chỉ định thầu.
Đưa điều khoản "bí mật" vào hợp đồng BOT là không có căn cứ
Liên quan đến sự việc này, phóng viên báo Người Đưa Tin cũng đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty TAT Law firm, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) để làm rõ một vài thông tin liên quan.
Thưa luật sư, hiện nay có những ý kiến khác nhau về việc áp dụng một số điều khoản "bí mật" vào hợp đồng BOT. Vậy trong hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay có quy định gì về việc công khai, minh bạch hợp đồng BOT hay không?
Trong kinh doanh, các đối tác làm ăn có quyền đưa một số điều khoản bí mật vào trong hợp đồng miễn là pháp luật không cấm. Tuy nhiên, riêng về các hợp đồng BOT thì chúng ta cần nhìn nhận dưới góc độ Nhà nước về luật tiếp cận thông tin. Người dân có quyền được biết, được bàn, được kiểm tra thế nhưng hợp đồng lại có điều khoản bí mật thì người dân còn kiểm tra bằng cái gì?
Theo Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thì Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (gọi tắt là hợp đồng BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng.
Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định, khi hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về vấn đề này, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng và hợp tác công tư (PPP) nói chung. Trong đó nhấn mạnh về việc quy định và thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch các dự án để người dân thuận tiện cho việc giám sát.
Vậy thưa luật sư, hợp đồng dự án BOT giao thông có phải là văn bản bảo mật?
Hợp đồng BOT không phải là văn bản mật, không thuộc những lĩnh vực danh mục bảo vệ bí mật Nhà nước, không liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia cho nên không thể được xếp vào diện bí mật Nhà nước để giữ bí mật với nhân dân.
Hầu hết các vấn đề của nhà nước (ngoài vấn đề đối ngoại, an ninh quốc phòng) đều là vấn đề công khai minh bạch.
Cũng cần phải lưu ý rằng minh bạch là giải pháp duy nhất để loại bỏ những tiêu cực tại dự án BOT. Chúng ta càng công khai, minh bạch bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Nếu còn bảo mật sẽ còn nhiều góc khuất tại các BOT.
Hơn nữa, hợp đồng BOT được ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, đồng nghĩa với việc dự án có sử dụng ngân sách của nhà nước, do đó không có lý do gì phải áp dụng điều khoản bí mật vào hợp đồng BOT cả.
Từ thực tế cho thấy, hầu hết các hợp đồng BOT ở nước ta đều kèm theo một điều khoản bí mật, điều này khiến việc giám sát, kiểm tra của người dân gặp nhiều khó khăn. Vậy liệu rằng, điều này có phát sinh ra hệ lụy tiêu cực?
Chúng ta có thể hiểu, ở bất cứ trường hợp nào mặc dù mục đích, hành động của chúng ta đúng nhưng lại bị bảo mật, bị giấu giếm thì chắc chắn sẽ khiến những người xung quanh đặt ra dấu hỏi "phải chăng có điều gì xảy ra ở đây?" mặc dù chúng ta có làm tốt, làm minh bạch.
Chính vì thế, sự bảo mật này đã làm cho cộng đồng, người dân không giám sát được dẫn đến những bức xúc, nảy sinh những câu hỏi về tính minh bạch của dự án. Theo tôi, để người dân tin tưởng và đồng tình sử dụng dự án BOT, cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư phải công khai, minh bạch công trình từ khi xây dựng đến lúc vận hành.
Thực tế cũng đã cho thấy, qua kiểm tra, giám sát và kiểm toán, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm ở một số trạm thu phí BOT đường bộ, đặc biệt là sai phạm về vấn đề thu, chi. Điều này cũng lý giải cho câu hỏi vì sao các trạm thu phí thường có thời gian thu phí kéo dài đến hàng chục năm.
Tại kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định của pháp luật về việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT tại bộ GTVT cũng cho thấy, với hơn 70 dự án đã thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, trong đó có cả nhà đầu tư được lựa chọn chưa đảm bảo năng lực.
Từ đó, việc đàm phán, ký kết nội dung hợp đồng, hình thức hợp đồng, giám sát quản lý thực hiện hợp đồng, quản lý vốn đầu tư hết sức phức tạp, nhiều sai sót, làm hạn chế hiệu quả thực hiện các dự án cũng như chủ trương đầu tư chung.
Hiện, tôi cũng không hiểu vì sao bộ GTVT vẫn chưa áp dụng việc loại bỏ những điều khoản bí mật khỏi hợp đồng BOT.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Lâm