Gần 15 năm vẫn loay hoay…
Mới đây, bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 1 Ngọc Hồi-Yên Viên. Trong đó có kiến nghị Chính phủ chuyển chủ đầu tư dự án sang UBND TP. Hà Nội, bộ GTVT chỉ làm chủ đầu tư phần đường sắt quốc gia trong khu tổ hợp ga Ngọc Hồi.
Theo đó, dự án này được Chính phủ chấp thuận báo cáo nghiên cứu tiền khả thi từ năm 2004, với quy mô xây dựng tổ hợp ga và đoạn cầu cạn từ Giáp Bát-Gia Lâm và cầu vượt sông Hồng. Chiều dài toàn tuyến đường sắt này 28,7 km, với tổng mức đầu tư 9.197 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2007-2017.
Sau khi điều chỉnh, dự án được phân kỳ đầu tư lại; trong đó, giai đoạn I chỉ tập trung đầu tư xây dựng khu tổ hợp ga Ngọc Hồi (tổng mức đầu tư 19.046 tỷ đồng, mục tiêu hoàn thành vào năm 2024), còn hướng tuyến đường sắt vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh.
Hiện dự án chủ yếu vẫn đang tập trung công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế, lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu chính của dự án, chưa triển khai được gói thầu thi công, xây lắp nào. Bộ GTVT cho biết, do khó khăn về nguồn vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng khu tổ hợp ga Ngọc Hồi nên việc hoàn thành tổ hợp ga vào năm 2024 gặp nhiều khó khăn. Do đó, bộ GTVT đề xuất Thủ tướng giao bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội có ý kiến về chủ trương thực hiện đối với tổng thể dự án.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất chỉ làm chủ đầu tư với phần đường sắt quốc gia trong khu tổ hợp ga Ngọc Hồi, các hạng mục còn lại thuộc tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên (gồm cả phần đường sắt đô thị tại tổ hợp ga Ngọc Hồi) giao UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư.
Về vấn đề đội vốn, chậm tiến độ, bộ GTVT cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, trong đó, có việc triển khai kéo dài khi các hạng mục phát sinh phải bổ sung, điều chỉnh thiết kế nhằm phù hợp với quy định pháp luật (luật Quy hoạch, luật Thủ đô), điều kiện thực tế và quy hoạch của địa phương. Cùng đó là trượt giá xây dựng, tăng tỷ giá giữa tiền yên (Nhật) và tiền Việt Nam; ảnh hưởng của vụ việc Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (nhà thầu JTC) khiến dự án bị dừng từ năm 2014-2016... dẫn đến phải điều chỉnh dự án.
Các nguyên nhân khiến tổng mức đầu tư tăng được bộ GTVT đưa ra là do điều chỉnh thiết kế cơ sở tăng 332% so với tổng mức được duyệt; thay đổi quy mô đầu tư tăng 131%; thay đổi chính sách tiền lương, trượt giá; thời gian thực hiện dự án kéo dài (phát sinh chi phí tư vấn, quản lý, phí cam kết...), tăng chi phí dự phòng, chi phí giải phóng mặt bằng, cơ cấu và lãi suất các khoản vay của nhà tài trợ.
Bộ GTVT ước tính tổng mức đầu tư toàn bộ dự án đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên khoảng 81.537 tỷ đồng, tăng 9 lần so với ban đầu.
Bộ GTVT có đá "quả bóng trách nhiệm" cho Hà Nội?
Ngay sau khi đề xuất này của bộ GTVT được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của dư luận cùng nhiều ý kiến trái chiều về trách nhiệm của bộ GTVT khi đề xuất giao UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị tuyến Ngọc Hồi - Yên Viên. Phải chăng bộ này "dễ ăn, khó bỏ" và cố đá "quả bóng trách nhiệm" cho Hà Nội khi dự án này đã tăng vốn gấp 9 lần so với ban đầu mặc dù chưa thể thi công?
Chia sẻ với phóng viên Người Đưa Tin, đại diện bộ GTVT khẳng định: "Không hề có chuyện bộ GTVT "khó ăn thì bỏ" như một bộ phận dư luận đang bàn tán, bởi lẽ chúng ta cần hiểu đâu là điểm nghẽn của dự án này để từ đó đưa ra giải pháp xử lý phù hợp nhất.
Khó khăn lớn nhất của dự án nằm ở khâu giải phóng mặt bằng, việc này kéo dài đã gây ra tình trạng đội vốn như hiện nay. Chính vì thế, bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ giao UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư dự án. Hơn nữa, Hà Nội cũng đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng, khai thác và quản lý các dự án đường sắt nên việc giao dự án này sẽ giúp công việc được tập trung vào một đầu mối".
Cùng trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, đề xuất giao UBND TP.Hà Nội làm chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 1 Ngọc Hồi-Yên Viên là ý tưởng hay, phù hợp với thực tế. Bởi lẽ trước đây, ở các dự án ở nước ta thì bộ phận ban quản lý và chủ đầu tư sẽ hoạt động độc lập. Tuy nhiên, sau nhiều dự án công, phần lớn chủ đầu tư sẽ thực hiện luôn phần công việc của ban quản lý, từ đó có thể thấy rằng ý tưởng giao Hà Nội làm chủ đầu tư dự án và quản lý, khai thác khi dự án đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên hoàn thiện là hoàn toàn hợp lý.
Hơn nữa, TP. Hà Nội hoàn toàn có đủ năng lực để quản lý dự án, đặc biệt là những dự án lớn do nhà thầu trong nước thực hiện. Dù bộ GTVT hay TP. Hà Nội làm chủ đầu tư dự án này thì đều sử dụng nguồn ngân sách của Nhà nước và thực hiện theo sự đánh, quản lý chung của Nhà nước.
Còn theo TS Bùi Công Minh - chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị cho rằng: "Khi UBND TP.Hà Nội là chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 1 Ngọc Hồi-Yên Viên, toàn bộ dự án sẽ được quy về một đầu mối. Lúc này, Hà Nội có thể chủ động hơn trong công tác giải phóng mặt bằng (một trong những khó khăn lớn mà dự án này đang mắc phải) cũng như việc quản lý, khai thác khu dự án hoàn thiện.
Bên cạnh đó, dưới góc độ chủ đầu tư Hà Nội sẽ có những nguồn lực nhiều hơn cùng với đó là những mối quan hệ khác để phối hợp thực hiện dự án. Việc này đồng nghĩa với việc sẽ tạo cơ hội cho các nhà thầu trong nước tiếp cận với dự án lớn, mang tầm cỡ quốc gia".
Ở một diễn biến khác, phóng viên báo Người Đưa Tin cũng đã liên hệ làm việc với UBND TP. Hà Nội, tuy nhiên, phía TP. Hà Nội cho biết đơn vị chưa hề nhận được văn bản chính thức nào về việc bộ GTVT muốn giao Hà Nội làm chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 1 Ngọc Hồi-Yên Viên.
Nguyễn Lâm