Không thi… trò không học, thầy không dạy
Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm công tác đào tạo, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc Gia Hà Nội nhận định: “Đã học thì phải thi, có thi mới đánh giá phân loại được học sinh, và đánh giá được trình độ của giáo viên cũng như đẳng cấp của các trường.
Ở ta ý thức tự giác của học sinh rất kém, nếu không thi thì các em sẽ bỏ qua hết một loạt môn và chỉ tập trung những môn thi đại học. Như vậy thì rất nguy hiểm, kiến thức nền kém cỏi, sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy”.
Theo PGS Nhã, cần phải thay đổi cách thi, không gây áp lực quá nặng kiến thức cho học sinh như hiện nay, mà hãy đưa ra các đề thi mở, học sinh không phải nhớ từng chi tiết nhưng chắc chắn phải đọc hết nhiều tác phẩm thì mới làm được bài.
“Không nên làm ầm lên là phó chủ tịch nước bảo phải bỏ thi tốt nghiệp, mà phải hiểu rằng phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đang đặt ra vấn đề nếu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cứ cao ngất ngưởng từ 95% trở lên thì xem lại vấn đề quản lý.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - nguyên trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ai cũng nghi ngờ con số ấy, nhưng chết dở là cung cách quản lý ngành dọc hiện nay chưa có gắn trách nhiệm cho địa phương. Nếu giao quyền tự chủ và gắn trách nhiệm, địa phương nào gian dối sẽ chịu trách nhiệm thì tôi tin rằng tình hình sẽ khả quan”, PGS Nhã nói.
Từ nhiều năm nay, việc tổ chức hai kỳ thi (tốt nghiệp PTTH và đại học) quá gần nhau đã làm nảy sinh đã tạo ra gánh nặng lớn cho xã hội. Sau phát biểu của phó chủ tịch nước, thứ trưởng Bộ Giáo dục – ông Nguyễn Vinh Hiển đã công khai quan điểm rằng Bộ Giáo dục cũng đang đánh giá lại học sinh và xem xét việc có nên bỏ thi tốt nghiệp hay không, vì đây là kỳ thi cuối cùng của hệ phổ thông nên rất quan trọng.
Câu hỏi cần giải quyết lúc này là có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH không, và nếu bỏ thì sẽ giải quyết thế nào với nguy cơ tiêu cực?
Dưới góc nhìn của PGS Nguyễn Văn Nhã, nếu bỏ thi và xét học bạ mà không có một kế hoạch thay đổi triệt để cho nền giáo dục thì đó sẽ là thảm họa của đất nước, không ai kiểm soát được thầy dạy gì và trò học thế nào.
PGS Nhã chia sẻ: “Ngay cả bạn học ngoại ngữ cũng phải thi để được cấp chứng chỉ, và chứng chỉ ấy là tấm giấy thông hành để bạn đi tìm việc hoặc đi du học, vậy thì tại sao sau 12 năm học lại bỏ qua kỳ thi tốt nghiệp rất quan trọng?
Tôi cũng giữ quan điểm chương trình phổ thông vẫn cần 12 năm, nhưng hết THCS thì tới bậc PTTH phải chia theo hai nhánh, một nhánh học chuyên sâu vào đại học, một nhánh theo các chương trình hướng nghiệp dạy nghề.
Như vậy bản thân các em và gia đình phải cân nhắc rất cẩn trọng, vì nếu chọn nhánh vào đại học mà không vào được thì sẽ phải quay về học nghề, tức là bỏ phí mất ba năm học phổ thông”.
Học tập Mỹ, Anh, Singgapore: Bỏ thi đại học
Bàn về vấn đề này, PGS Nguyễn Văn Nhã đã nói rằng: “Có hai cách đơn giản nhất: Một là nếu giáo dục của ta ưu việt thì ta phát huy và cho thế giới thấy sức mạnh ấy, nhưng chắc không phải vậy, mà minh chứng rõ nhất là trên thang điểm 30 vào đại học, điểm sàn của ta chưa được một nửa. Cách thứ hai dễ hơn là ta nên học theo các nước có nền giáo dục tiên tiến.
Nếu theo cách này thì người ta không thi đại học mà vẫn giữ kỳ thi tốt nghiệp PTTH, các nước Mỹ, Anh hay Singapore đều làm vậy.
Học sinh không học dàn trải quá nhiều môn như ở ta mà học theo nhóm tự chọn và kiến thức rất sâu, kèm theo môn viêt luận. Các trường đại học của họ lấy điểm thi tốt nghiệp PTTH làm căn cứ để chọn sinh viên”.
Tuy nhiên, PGS Nguyễn Văn Nhã cũng thẳng thẳn nói rằng, Việt Nam muốn làm được như Singapore, Anh hay Mỹ thì cần hàng chục năm nữa, bởi vì dạy học sinh với chương trình mới thì phải áp dụng từ tiểu học lên, nếu năm 2014 bắt đầu thì phải tới năm 2026 mới thấy được kết quả đổi mới.
“Chúng ta đang rất yếu ở kiến trúc thượng tầng. Nếu giải quyết được khâu này thì tất cả sẽ đâu vào đấy, không phải lo chống tiêu cực, không lo giảm tải… nhưng trước khi ra được một chương trình chuẩn thì ngay bây giờ nên giảm tải kiến thức phổ thông, thay vào đó dạy các em kỹ năng nhiều hơn, bởi vì ở hệ phổ thông điều quan trọng nhất là dạy học sinh các phương pháp tự nghiên cứu, tự học để vào đại học thật chủ động, chứ không thể nhồi nhét kiến thức như hiện nay, thi xong là quên hết, vậy thì học để làm gì.
Song song với việc giữ kỳ thi tốt nghiệp PTTH thì nên ngừng cả kỳ thi ba chung để các trường đại học hoàn toàn chủ động trong công tác tuyển sinh, trường nào làm tốt sẽ khẳng định được vị trí và ngược lại, ở các nước tiên tiến đều làm vậy thì vì sao ta không làm”, PGS Nhã bày tỏ.
Theo Giáo dục Việt Nam