Đến nay, các trường học trên cả nước đã sẵn sàng cho năm học mới 2024-2025. Đây là năm học được đặt nhiều kỳ vọng, khi là năm đánh dấu quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 sẽ hoàn tất chu trình với các lớp cuối cùng của các cấp học. Nhiều sự thay đổi của ngành giáo dục sẽ diễn ra để đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục.
Trước những thách thức, của năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ về kế hoạch, công việc của ngành giáo dục thời gian tới.
Giải quyết điểm nghẽn thừa, thiếu giáo viên
Người Đưa Tin (NĐT): Năm học 2024-2025 ngành giáo dục có nhiều công việc quan trong khi đồng thời tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018 và chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình mới.
Trước những nhiệm vụ quan trọng này, Bộ trưởng xác định những nhiệm vụ trọng tâm nào để toàn ngành cùng nỗ lực hoàn thành?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Sau 4 năm học triển khai theo từng lớp, từng cấp học, năm học 2024-2025, quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 sẽ hoàn tất chu trình với các lớp cuối cùng của các cấp học. Đây cũng sẽ là năm học đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới đáp ứng yêu cầu của đổi mới Chương trình GDPT.
Nhiệm vụ quan trọng của năm học này là chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp cuối cùng của các cấp học, chuẩn bị các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Đối với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ngành giáo dục đã được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận rất cao từ xã hội.
Ngay sau khi phương án được ban hành, Bộ GD&ĐT đã bắt tay vào chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Dự kiến Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được ban hành vào tháng 11/2024, tính ổn định lâu dài của Quy chế thi cũng đã được tính đến trong quá trình dự thảo để thuận lợi cho học sinh, giáo viên, nhà trường và địa phương trong thực hiện.
Đối với vấn đề tuyển sinh và tự chủ đại học, ngành giáo dục đang rà soát, hoàn thiện dự thảo Quy chế tuyển sinh mới cho năm 2025 với tinh thần chung là đơn giản hoá, tạo thuận lợi cho học sinh, xã hội, đảm bảo chất lượng tuyển sinh và công bằng về cơ hội cho thí sinh. Các cơ sở giáo dục đại học vẫn trên tinh thần tự chủ tuyển sinh nhưng sẽ phải đề cao hơn nữa trách nhiệm xã hội.
NĐT: Thừa, thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng nhà giáo vẫn là một trong những vấn đề nóng, được toàn xã hội quan tâm.
Trong năm học này, ngành giáo dục tiếp tục có những lộ trình như thế nào nhằm giải quyết vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu nhà giáo. Năm học 2023-2024, toàn ngành đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên, tuy nhiên số học sinh không ngừng tăng dẫn đến số lớp tăng.
Năm học 2023-2024 số lớp của cấp THCS tăng 7.198 lớp (tương đương số giáo viên tăng 13.676), số lớp cấp THPT tăng 1.213 lớp (tương đương số giáo viên tăng 2.729) so với năm học 2022-2023, dẫn đến số giáo viên còn thiếu vẫn còn nhiều và ở hầu hết các địa phương.
Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, năm học 2024-2025 số giáo viên còn thiếu so với năm học 2023-2024 tăng 19.856 giáo viên (giáo viên mầm non còn thiếu tăng 6.000 người, giáo viên phổ thông còn thiếu tăng 13.856 người). Nguyên nhân chính do số học sinh tiếp tục tăng dẫn đến số lớp tăng.
Thời gian qua, đã có những điểm sáng khi các chính sách ưu tiên dành cho sinh viên sư phạm, các thay đổi về tiền lương cơ bản đã tác động tích cực đến việc lựa chọn theo học ngành sư phạm của học sinh.
Nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực để thu hút, "giữ chân" giáo viên, Luật Nhà giáo đang được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn... Tất cả cho thấy đã có những chuyển động quan trọng để giải quyết được những khó khăn đặt ra đối với vấn đề đội ngũ.
Tuy nhiên, để giảm tình trạng thiếu giáo viên tại một số môn học, môt số đạ phương, thời gian tới Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ số chỉ tiêu biên chế còn lại theo Quyết định 72 của Trung ương, quyết liệt đôn đốc các địa phương tuyển hết số biên chế được giao từ các năm trước và giao bổ sung.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác.
NĐT: Luật Nhà giáo được kỳ vọng là một trong những giải pháp thu hút giáo viên, gúp thầy cô ổn định đời sống, yên tâm bám nghề. Xin Bộ trưởng cho biết lộ trình thảo luận, xem xét dự luật này trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Như chúng ta đã biết, nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Thực tế đã chứng minh, sự phát triển của nền giáo dục phụ thuộc vào sự phát triển của đội ngũ nhà giáo. Kết quả của sự đổi mới giáo dục đạt được như thế nào phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo.
Như vậy, chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc vào một phần rất quan trọng là chất lượng đội ngũ nhà giáo. Chất lượng của nhà giáo lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài sự nỗ lực của cá nhân, tinh thần học tập không ngừng nghỉ của mỗi nhà giáo, các chính sách, môi trường làm việc, các cách thức lựa chọn, tuyển dụng và phát triển nhà giáo như thế nào đóng vai trò quan trọng.
Xuất phát từ nhận thức đó, trong thời gian dài vừa qua, Bộ GD&ĐT tích cực chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội cho phép xây dựng một Luật điều chỉnh riêng về nhà giáo.
Đến tháng 4/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí trình Quốc hội đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật năm 2024 của Quốc hội khóa XV. Đây là tin vui, đáp ứng sự mong đợi của 1,6 triệu nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục trên cả nước.
Được giao trọng trách chủ trì xây dựng dự án Luật Nhà giáo, sau một thời gian tiến hành soạn thảo với nhiều công việc, quy trình phức tạp, nội dung mới khó, ngày 13/5/2024, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội.
Ngày 27/8 vừa qua, hồ sơ dự án Luật Nhà giáo đã được Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật để hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Theo kế hoạch, dự án Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ VIII vào tháng 10/2024 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ IX vào tháng 5/2025.
Năm học mới nhiều sáng tạo, tiến bộ
NĐT: Đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển đào tạo là một trong những yêu cầu của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Nhiệm vụ này sẽ được ngành giáo dục triển khai như thế nào trong năm học 2024-2025?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và đổi mới giáo dục phổ thông, thời gian qua, các địa phương đã quan tâm tăng cường đầu tư mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Tuy nhiên, thực tế số phòng học chưa được kiên cố hóa vẫn còn cao, trung bình, cả nước còn khoảng 15,5% số phòng học chưa được kiên cố hóa. Vẫn có hiện tượng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tỉ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp, mới chỉ đạt 50,63%...
Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 kiên cố hoá 100% cơ sở giáo dục và khắc phục được khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp hiện nay cần sự nỗ lực rất lớn từ các địa phương, trong đó có vai trò tham mưu của các Sở GD&ĐT.
Năm học 2024-2025 sẽ là năm chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm nên các Sở GD&ĐT cần lưu ý tham mưu xây dựng kế hoạch 5 năm 2025-2030 để địa phương chủ động đầu tư cho giáo dục. Cùng với đó, các địa phương cần bảo đảm chi ngân sách tối thiểu cho giáo dục 20%.
Ngoài ra, các địa phương cũng lưu ý khai thác chính sách đặc thù, chính sách ưu đãi đối với các tỉnh, thành phố. Tuy mức độ chính sách đặc thù của mỗi địa phương khác nhau nhưng đều có thể khai thác được những điểm có lợi để đầu tư phát triển giáo dục. Thời gian qua nhiều địa phương đã làm tốt việc này và tạo được nguồn lực, động lực cho phát triển giáo dục địa phương.
Một trong những mục tiêu trọng tâm sẽ được ngành giáo dục tập trung thực hiện trong năm học 2024-2025 là sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Tiếp tục kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm, phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư. Bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình GDPT và quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học.
NĐT: Trước thềm năm học mới, xin Bộ trưởng gửi những lời động viên tới toàn thể đội ngũ giáo viên, cán bộ ngành giáo dục, học sinh?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Kinh tế - xã hội của đất nước càng phát triển, càng đặt ra yêu cầu ngày càng cao với giáo dục và đào tạo. Chưa bao giờ ngành giáo dục được giao trọng trách, niềm vinh dự lớn và thách thức cũng lớn như hiện nay. Năm học vừa qua, toàn ngành đã nỗ lực rất lớn để vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Năm học 2023-2024 đã kết thúc với nhiều kết quả tốt đẹp, năm học mới sắp bắt đầu, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, của các các em học sinh, sinh viên trong năm học vừa qua.
Trước thềm năm học mới, tôi mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực với cố gắng mới, quyết tâm mới, giải pháp mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
Chúc các thầy cô sẽ thêm niềm vui, động lực để công tác và cống hiến. Chúc cho các em học sinh, sinh viên sẽ có một năm học mới với nhiều sáng tạo và tiến bộ.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!