Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không tùy tiện xét tuyển tổ hợp lạ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không tùy tiện xét tuyển tổ hợp lạ

Hà Công Luân

Hà Công Luân

Thứ 5, 29/03/2018 15:45

Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định đã chỉ đạo ngay, không thể tùy tiện xét tuyển tổ hợp lạ. "Mặc dù là tự chủ nhưng các trường phải dựa trên nguyên tắc về chất lượng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Trước hết, về câu chuyện "tổ hợp lạ" trong xét tuyển đại học thời gian qua gây xôn xao dư luận, người đứng đầu bộ GD&ĐT nói: “Vừa rồi có chuyện các trường đại học đưa ra các tổ hợp xét tuyển lạ, chúng tôi đã chỉ đạo ngay không thể tùy tiện như vậy. Mặc dù là tự chủ nhưng các trường phải dựa trên nguyên tắc về chất lượng”.

Nói về định hướng phát triển các trường đại học trong thời gian tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay: “Sắp tới, chủ trương phải xếp loại đại học, không thể để trường lớn và trường nhỏ như nhau. Số lượng trường phải điều chỉnh theo hướng giảm, có một hệ thống mạch lạc. Nhóm trường lớn đi theo hướng nghiên cứu. Nhóm trường còn lại phải đi theo hướng đào tạo gắn với thực tiễn. Sẽ có khả năng nhiều trường nhỏ phải sáp nhập hay giải thể nếu không đáp ứng được xu thế phát triển”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không tùy tiện xét tuyển tổ hợp lạ

Ông Phùng Xuân Nhạ.

Trở lại Hội nghị tham vấn xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035, Bộ trưởng Nhạ khẳng định tầm quan trọng của bậc đại học trong hệ thống giáo dục Quốc dân Việt Nam, bởi lẽ bậc này trực tiếp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. “Chất lượng của bậc học này có vai trò quyết định đối với năng suất lao động và sự phát triển của đất nước. Chính vì thế chúng tôi rất quan tâm đến điều này”, ông Nhạ nói.

Giải thích về lý do đưa ra một Chiến lược tổng thể cho sự phát triển giáo dục đại học của nước nhà, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay: “Đã có nhiều hoạt động hỗ trợ của các tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam trong bậc học này, tuy nhiên chưa có quy hoạch tổng thể và tầm nhìn chiến lược”.

Từ đó, người đứng đầu ngành Giáo dục nhấn mạnh: “Tại Hội nghị này, chúng tôi đặt mục tiêu phải tổng kết kỹ, đánh giá cái gì mạnh, cái gì yếu và những vấn đề nút thắt của giáo dục đại học. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải tiếp cận với sự thay đổi và phát triển của toàn cầu, đặc biệt là giáo dục đại học phải đi trước, đón đầu. Bởi lẽ, thời gian tới nguồn nhân lực có tính toàn cầu”.

“Tôi đặt vấn đề với Giám đốc World Bank (Ngân hàng Thế giới) tại Việt Nam, phải nhìn vấn đề một cách có hệ thống. Trên cơ sở hệ thống ấy, có bước đi cụ thể,  từ đó tiến hành đầu tư để tránh tình trạng vay vốn nhưng không có kế hoạch chi tiêu cụ thể”, ông Nhạ khẳng định quyết tâm.

Cuối cùng, Bộ trưởng Nhạ cho biết sẽ tập hợp các nghiên cứu ban đầu của nhóm tư vấn để cùng thảo luận về những điểm yếu, mạnh đặt trong một tầm nhìn dài đến năm 2035. “Từ giờ tới 2020 là giai đoạn chuẩn bị để đưa ra cải cách một cách căn cơ và phải gắn với thực tiễn. Có thể bước đi đầu tiên chưa được tốt, nhưng tôi tin 10 năm tới giáo dục đại học tại Việt Nam sẽ khác. Chính phủ tạo môi trường thuận lợi cho các trường, còn các trường cũng phải chủ động đào tạo đạt chất lượng”, ông nhấn mạnh.

Trong giai đoạn sắp tới, nhiều yếu tố sẽ tác động đến hệ thống giáo dục đại học (GDĐH), đòi hỏi những đổi mới sâu sắc và toàn diện. Cụ thể: Phát triển nền kinh tế tri thức và năng lực cạnh tranh để có vị thế cao trong khu vực và trên thế giới khi Việt Nam hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng; trong chuỗi sản xuất toàn cầu đòi hỏi hệ thống GDĐH có khả năng cung cấp một lực lượng lao động chất lượng cao cho thị trường lao động; tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc về cơ cấu ngành/nghề lao động và những yêu cầu mới về năng lực và kỹ năng của người học; sự phát triển của nhiều công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin sẽ tạo ra những thay đổi căn bản về mô hình đào tạo, phương thức dạy và học (sự phát triển của đào tạo mở trực tuyến với các trường đại học ảo và các khóa học trực tuyến mở); tự do chuyển dịch lao động xuyên quốc gia tạo ra sự cạnh tranh về nguồn nhân lực bậc cao, trước hết trong ASEAN. Đồng thời, tự do thương mại dịch vụ GDĐH toàn cầu tạo ra cạnh tranh giữa các trường đại học trong và ngoài nước trong thu hút sinh viên.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.