Lý giải về sự chậm trễ trên, trong văn bản số 248 /TCT-KTe.KT.PC.QTRR gửi tổng cục Đường bộ Việt Nam - cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Tổng công ty Sông Đà khẳng định, các bên vẫn chưa thể thống nhất về các nội dung quyết toán hợp đồng BOT Dự án, nên giá trị thu vượt chưa đủ cơ sở pháp lý để xác định.
Đồng thời đơn vị này cũng cho rằng, đề nghị của tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc nộp khoản tiền nêu trên tại thời điểm này là “chưa có cơ sở và chưa phù hợp với quy định hiện hành".
Thông tin về sự việc thu phí quá hạn, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, ông Đinh Cao Thắng - Phó Vụ trưởng vụ Tài chính (tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu khiến dự án có số thu vượt là do nhà đầu tư đã báo cáo số liệu thu phí sai so với hướng dẫn của bộ Tài chính và của tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Nhà đầu tư báo cáo số thu đã bao gồm thuế GTGT và có kèm theo xác nhận của cục thuế địa phương, nhưng trên thực tế số liệu này không có thuế GTGT”.
Ông Thắng cho biết thêm: “Dự án BOT Đèo Ngang là một trong những dự án BOT đầu tiên được bộ GTVT và Tổng Công ty Sông Đà ký hợp đồng vào năm 2002. Quá trình thu phí của dự án trải qua nhiều thời kỳ, nhiều nội dung chưa có hướng dẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Công tác quyết toán hợp đồng, xác định các thông số đầu vào của phương án tài chính hợp đồng BOT.
Điều này gây không ít khó khăn trong quá trình đàm phán để thống nhất giữa các bên trong thực hiện hợp đồng. Do đó, quá trình đàm phán mất nhiều thời gian vì phải chờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan để thống nhất các nội dung về nguồn thu khác của dự án, thu lãi tiền gửi ngân hàng từ thu phí, thu hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, tính toán thuế giá trị gia tăng được hoàn để điều chỉnh hợp đồng, quyết toán và thanh lý hợp đồng.
Cụ thể, vụ việc vẫn còn nhiều nội dung vướng mắc chưa được thống nhất giữa tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án về số liệu dự tính thu vượt theo kết quả tính toán của tổng cục Đường bộ Việt Nam khoảng 88,36 tỷ đồng, trong đó bao gồm các khoản: Số thu nhà đầu tư báo cáo sai, các khoản giảm trừ chi phí giai đoạn khai thác do không được thỏa thuận quyết toán, lãi tiền gửi ngân hàng từ thu phí, thu hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, thu khác từ dự án, tiền quảng cáo”.
Được biết, thời gian hoạt động của trạm thu phí Đèo Ngang là từ năm 2004 đến năm 2023 thì mới kết thúc. Thế nhưng, tại hội nghị tổng kết năm 2016, Thanh tra bộ GTVT đã bất ngờ công bố dự án xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Ngang theo hình thức hợp đồng BOT phải giảm thời gian thu phí 7 năm 10 tháng 4 ngày tức là trạm BOT hầm Đèo Ngang chỉ được phép thu đến năm 2015.
Thế nhưng đến tháng 12/2016 dự án này mới tạm dừng thu phí (dự án được xác định thu phí vượt quá thời gian quy định gần 2 năm), số tiền dự án hầm Đèo Ngang thu vượt thời gian thu phí hoàn vốn là 88.361.971.000 đồng.
Ngày 25/3/2019 Tổng công ty Sông Đà đã có văn bản số 11TCT/Kte-TCKT-PC, báo cáo về việc công ty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà (Doanh nghiệp dự án) đã nộp số tiền 57.156.625.000 đồng vào ngân sách Nhà nước ngày 22/3/2019. Đồng thời, Nhà đầu tư đề nghị tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục xem xét giải quyết một số nội dung chưa thống nhất như khoản hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, nguyên tắc tính toàn lãi vay giai đoạn xây dựng và giai đoạn khai thác.
Là một trong những công trình BOT đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Ngang - Quốc lộ 1, tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình được bộ GTVT và Tổng công ty Sông Đà ký hợp đồng vào năm 2002, với tổng mức đầu tư là 150,021 tỷ đồng, quy mô 2 làn xe, thời gian hoàn vốn theo Hợp đồng BOT là 18 năm 5 tháng. Trên thực tế Dự án đưa vào khai thác từ tháng 10/2004.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng BOT, do lưu lượng giao thông thực tế qua trạm thu phí Đèo Ngang tăng cao so với dự kiến trong hợp đồng (khoảng 112%/năm), đồng thời, giá trị quyết toán giảm so với tổng mức đầu tư (132 tỷ đồng/150 tỷ đồng), nên thời gian thu phí hoàn vốn được rút ngắn khoảng 7 năm 10 tháng so với hợp đồng, kết thúc thu phí khoảng tháng 4/2015.
Nguyễn Lâm