Năm học 2022 - 2023, Chương trình GDPT 2018 sẽ bắt đầu triển khai với khối lớp 3,7 và 10. Ngoài những công tác chuyên môn, việc chuẩn bị và lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh đối với các khối lớp này cũng rất được chú trọng.
Phụ huynh đăng ký mua sách từ sớm
Đến hẹn lại lên, mua và chọn sách giáo khoa luôn được phụ huynh và học sinh quan tâm khi năm học mới cận kề. Để tránh nhầm lẫn, mất thời gian, chị Trần Linh có con năm nay lên lớp 3 tại trường Tiểu học Trung Tự đã quyết định đăng ký mua sách giáo khoa ở trường thay vì mua lẻ.
Chị Linh cho biết: “Hiện nay các con không học theo một bộ sách chung như trước nên việc đi tìm mua từng quyển ở ngoài sẽ không đúng với quy định trên lớp, và khó mua đủ bộ vì vậy tôi quyết định mua sách ở trường. Bên cạnh đó cũng không có sự chênh lệch giá cả quá nhiều”.
Sớm đã chuẩn bị hành trang cho con, chị Ngọc Mỹ, Ba Đình thông tin: “Đầu năm học nhu cầu mua sách giáo khoa nhiều nên rất dễ có tình trạng hết hàng, nên ngay từ đầu hè tôi đã sắm đầy đủ các đầu sách theo đúng yêu cầu của nhà trường. Tôi không mua những sách không học tới để tránh lãng phí”.
Sách giáo khoa mới không còn là pháp lệnh
Về phía nhà trường, đến nay công tác chuẩn bị số lượng sách giáo khoa, tập huấn nội dung sách đã được thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất khi triển khai chương trình mới.
Bên cạnh đó, để chủ động chuẩn bị các điều kiện, nhất là đảm bảo học sinh có đủ sách giáo khoa, các trường học thường kết hợp với nhà xuất bản, công ty cung ứng sách triển khai cho học sinh đăng ký mua sách khi kết thúc năm học cũ.
Trao đổi với Người Đưa tin, cô Phan Thị Chân Lý, Hiệu trưởng trường THCS Lý Thường Kiệt, Đống Đa cho biết: “Nhà trường chọn hai bộ sách Kết nối tri thức và Cánh diều cho năm học này. Công tác lực chọn sách, đặc biệt đối với khối lớp 7 đều có sự hướng dẫn của Sở GD&ĐT, bên cạnh đó các thầy cô cũng được tập huấn để sử dụng bộ sách hiệu quả”.
Riêng với học sinh đầu cấp, phụ huynh đến đăng ký tuyển sinh, nhà trường đã chủ động thông báo về các đầu sách giáo khoa được lựa chọn để bố mẹ có thể chủ động mua cho các em.
Vị Hiệu trưởng cũng lưu ý sách giáo khoa chỉ là công cụ, quan trọng quá trình giảng dạy vẫn phải theo chương trình. Bởi mỗi trường đều được lựa chọn những bộ sách khác nhau. Vì vậy, tập huấn sách chủ yếu hướng dẫn cấu trúc bộ sách.
“Với Chương trình GDPT 2018 chúng ta cần chú trọng cả nội dung chương trình và sách giáo khoa. Trên tinh thần, dù chọn sách giáo khoa nào nhưng vẫn phải bám sát chương trình, vì đó là pháp lệnh.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã tập huấn cho các giáo viên cốt cán của các môn học, sau đó sẽ tiếp tục truyền đạt đến các thầy cô hạt nhân để lan tỏa. Đến nay công tác tập huấn, giới thiệu đã được triển khai chặt chẽ đến đầy đủ các giáo viên”, cô Lý chia sẻ.
Cũng đã sớm có những chuẩn bị cho năm học mới, cô Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng trường THCS Đông Dư, Gia Lâm bày tỏ: “Các thầy cô đã được tập huấn theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp. Thời gian diễn ra trong 1 đến 2 ngày đối với mỗi môn, trong đó Toán, Ngữ văn, và các môn học mới sẽ được chú trọng hơn cả”.
Cô Lan cũng cho biết thêm bộ sách được sử dụng là bộ Kết nối tri thức và một số môn của Chân trời sáng tạo. Sau khi có số lượng học sinh mua, đến nay trường cũng đã gửi lên Phòng GD&ĐT tổng hợp và đặt hàng nhằm kịp có sách cho học sinh trước khi bước vào năm học mới. Và phần lớn các em đều đăng ký mua tại trường vì riêng đối với khối lớp 7 sử dụng bộ sách giáo khoa mới.
Nhằm đảm bảo đủ số lượng sách giáo khoa đến tay học sinh, các nhà xuất bản có sách giáo khoa được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ sách phục vụ nhu cầu của giáo viên, học sinh theo số lượng các địa phương đăng ký.
Trước đó (12/8), tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu bộ trưởng Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài Chính phải rốt ráo để sớm báo cáo Chính phủ quyết định việc trích ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện trường học dùng chung.