Tôi đã có 4 năm viết báo chuyên về mảng công nghệ. Có thế, tôi mới cảm nhận được sự bàng quan, vô tâm của độc giả nói chung đối với lĩnh vực đòi hỏi sự đam mê và chịu khó mày mò, tìm tòi này.
Mặc dù công nghệ đang ngày càng gắn bó và trở nên thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày, người tiêu dùng ở Việt Nam phần đông không muốn mất thời gian và công sức tìm hiểu nhiều. Thành ra, có những thứ rất đơn giản mà họ vẫn bỏ qua, chỉ tới khi gặp “hậu quả” thì mới để ý hơn một chút. Chẳng hạn như các sự cố về mất mật khẩu, bị lừa đảo qua mạng internet,…
Nhưng nói chung, tin bài trong lĩnh vực công nghệ luôn có lượng xem (view) vào hàng thấp, so với các mảng giải trí, thể thao hay đời sống.
Một số cây bút công nghệ thậm chí đã nản lòng, chuyển sang mảng khác, vì họ cho rằng dù có cố gắng cỡ nào, sự quan tâm của cộng đồng Việt dành cho công nghệ cũng sẽ chẳng mấy thay đổi…
Đùng một cái, vâng, chính xác là “đùng một cái”, mọi thứ thay đổi tới chóng mặt!
Những người lạc quan nhất có lẽ cũng chẳng thể nghĩ có một ngày, ai ai cũng quan tâm tới công nghệ nhiều tới vậy!
Từ bác chạy xe ôm, cô bán hàng nước, anh nhân viên văn phòng cho tới những vị chủ tịch tập đoàn lắm tiền nhiều của, tất cả đều chăm chú quan tâm tới từ khóa “công nghệ”. Tại sao thế? Động lực nào tạo ra cuộc “cách mạng công nghệ” trong một xã hội vốn không mấy để ý tới lĩnh vực dễ gây nhức đầu này?
Xin thưa, tất cả công sức đều là nhờ… các nhà mạng di động của chúng ta cả!
Có lẽ những vị lãnh đạo doanh nghiệp viễn thông đã nắm bắt được tình trạng “thờ ơ công nghệ” của người tiêu dùng, nên mới nghĩ ra một độc chiêu tuyệt vời đến thế, để tất cả cùng phải thay đổi…
Độc chiêu đó có thể tóm tắt thế này: Không cần biết thuê bao có đăng ký dịch vụ giá trị gia tăng hay không, nhưng bằng muôn vàn cách thức khác nhau, nhà mạng cứ “dí” một số dịch vụ cho khách hàng, dù họ không hề hay biết.
Mặc kệ! Miễn là hằng tháng trừ được tiền, vậy là ổn.
Kết quả của độc chiêu “đánh vào túi tiền” này, hóa ra hiệu quả tới không ngờ!
Bởi từ khi giới truyền thông phát hiện ra sự việc, đăng tải công khai, thì người tiêu dùng bắt đầu ngỡ ngàng, hoang mang. Hóa ra bấy lâu nay, mình bị “nã” tiền hằng tháng mà không hay biết gì, thế thì phải kiểm tra lại ngay, phải quan tâm hơn tới các cách thức công nghệ để làm chủ tình hình…
Vâng, kết quả là bất kể người tiêu dùng ở độ tuổi già trẻ ra sao, làm nghề nghiệp gì… cũng đều phải mày mò để kiểm tra xem nhà mạng đã trừ tiền họ thế nào, rồi từ đây, các vấn đề công nghệ khác cũng được “dựa hơi” mà thu hút cộng đồng.
Nói chung, lượng view của công nghệ tăng lên kể từ đó…
Vậy cho nên, chúng ta đừng bức xúc với hình thức thu tiền “âm thầm” đó của các nhà mạng làm gì. Mà ngược lại, nên ghi công cho họ mới phải, công “khai sáng công nghệ đại chúng” hẳn hoi!
Chỉ có điều, nếu không bị phát giác, thì chẳng biết các “ông nhà mạng” sẽ làm gì với những thượng đế hằng tháng móc túi trả tiền mà không biết.
Liệu họ có tự thừa nhận thu tiền “bậy” để hưởng công trạng “khai sáng” nói trên, hay là cứ âm thầm mà thu lợi? Câu trả lời thì chắc ai cũng rõ rồi, vì “công trạng thì có mài ra mà ăn được đâu”…
Bút Lãng
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả