Châu Âu vượt qua Mỹ trở thành nhà tài trợ chính cho Ukraine

Thứ 4, 16/04/2025 18:55

Viện trợ của Mỹ cho Ukraine đã chững lại, trong khi châu Âu vẫn duy trì sự hỗ trợ liên tục, làm gia tăng khoảng cách về con số tổng.

Tổng viện trợ mà châu Âu phân bổ cho Ukraine kể từ năm 2022 là 138 tỷ Euro (157 tỷ USD), nhiều hơn 23 tỷ Euro (26 tỷ USD) so với Mỹ, báo cáo do Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW) công bố hôm 15/4 cho biết.

Theo bản cập nhật mới nhất của Ukraine Support Tracker – công cụ theo dõi viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine do IfW thực hiện, tính đến tháng 2 năm nay, Mỹ vẫn nắm giữ lợi thế về viện trợ quân sự với 65 tỷ Euro (74 tỷ USD) và do đó nhiều hơn châu Âu 1 tỷ Euro (1,1 tỷ USD).

Tuy nhiên, IfW lưu ý rằng khoảng cách đang thu hẹp lại, vì Washington đã không phân bổ gói viện trợ mới nào kể từ ngày 9/1, vẫn dưới thời chính quyền Biden.

Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa cung cấp viện trợ mới cho Kiev khi ông tìm cách làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, và cải thiện quan hệ với Moscow.

Châu Âu vượt qua Mỹ trở thành nhà tài trợ chính cho Ukraine- Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey họp báo sau cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (UDCG) tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 11/4/2025. Ảnh: Xinhua

Sau sự cố ngoại giao tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi cuối tháng 2, Washington đã tạm thời đóng băng mọi hỗ trợ quân sự và tình báo trước đây được chính quyền tiền nhiệm chấp thuận để gây sức ép buộc Kiev chấp nhận một thỏa thuận về tài nguyên khoáng sản.

Lần gần nhất sự hỗ trợ của Washington tạm dừng trong một thời gian dài như vậy là vào tháng 1 năm ngoái khi một gói viện trợ quan trọng dành cho Ukraine bị chặn tại Hạ viện Mỹ.

Do đó, viện trợ của Mỹ cho Ukraine đã chững lại kể từ khi ông Trump nhậm chức, trong khi các nước châu Âu vẫn duy trì sự hỗ trợ liên tục, làm gia tăng khoảng cách về con số tổng.

Các nhà nghiên cứu đã nêu bật một số gói viện trợ gần đây của châu Âu, bao gồm khoản viện trợ lớn nhất của Thụy Điển cho đến nay trị giá 1,6 tỷ USD và hỗ trợ mới từ Đức, Vương quốc Anh, Na Uy và Đan Mạch.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Ramstein lần thứ 27 vào ngày 11/4, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey tuyên bố rằng các đồng minh – không bao gồm Mỹ – đã cam kết hơn 21 tỷ Euro (23,8 tỷ USD) hỗ trợ an ninh mới cho Kiev.

"Việc tạm dừng viện trợ gần đây của Mỹ làm tăng áp lực buộc các chính phủ châu Âu phải làm nhiều hơn nữa, cả về hỗ trợ tài chính và quân sự", ông Taro Nishikawa, trưởng dự án Ukraine Support Tracker tại IfW, cho biết trong một tuyên bố.

Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh sự chênh lệch về mức độ hỗ trợ giữa các quốc gia châu Âu khác nhau. Một số nền kinh tế lớn hơn của phương Tây, chẳng hạn như Đức, Pháp, Italy hoặc Tây Ban Nha, đã viện trợ ít hơn so với các nước Bắc Âu và Baltic khi xét quy mô sự hỗ trợ theo GDP, báo cáo cho thấy.

Minh Đức (Theo Kyiv Independent, Spotmedia)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.