Bún là món ăn quen thuộc với người Việt. Thông thường để làm ra một mẻ bún sạch thường mất khoảng 5 đến 7 ngày, tuy nhiên với nhu cầu sử dụng loại thực phẩm này trong cuộc sống hiện tại là khá cao nên một số cơ sở sản xuất bún đã dùng hóa chất để tăng lợi nhuận và rút ngắn quy trình làm bún.
Những hóa chất thường được sử dụng để cho vào bún là chất huỳnh quang tinopal, chất tẩy trắng funfit và hàn the. Các chất này đều nằm trong danh mục phụ gia, cấm sử dụng cho thực phẩm.
Đây là loại thực phẩm được làm thủ công nên rất khó để kiểm soát thành phần, phụ gia sử dụng. Do đó, rất khó để phân biệt bún nhiễm hóa chất chỉ bằng mắt thường hay nếm thử. Tuy nhiên, bạn có thể nhìn vào màu của sợi bún để loại trừ.
- Độ dai: Để phân biệt được bún "ngậm" hóa chất hay không, các bà nội trợ nên bỏ túi mẹo hay sau. Quan sát sợi bún sạch có đội dai tự nhiên nên rất dễ đứt gãy, nát nếu bị tách mạnh tay. Khi chạm tay vào sợi bún, ta sẽ có cảm giác hơi dính, mềm nhuyễn đặc trưng của bột gạo. Còn sợi bún được tẩm ướp hóa chất thường dai, giòn, có độ đàn hồi tốt hơn, không có hoặc ít có cảm giác dính tay, mềm mại của bột gạo.
- Nhìn màu sắc: Do chế biến từ bột gạo tẻ nên sợi bún thành phẩm tự nhiên có màu trắng ngà, hơi đục, không được trắng sáng bắt mắt như sợi bún có hoá chất.
- Quan sát độ bóng: Một dấu hiệu khác để phân biệt bún sạch với bún nhiễm hoá chất là độ bóng. Nhiều nhà sản xuất sử dụng hóa chất để sợi bún trông bắt mắt, thu hút sự chú ý của khách hàng. Bún loại này thường có màu trắng tinh, sợi bóng, dai hơn, trong khi bún sạch không có độ bóng, màu trắng đục.
- Nếm thử: Ngoài việc quan sát, cảm nhận bằng mắt từ bên ngoài, bún sạch và bún chứa hoá chất cũng có sự khác nhau ở hương vị khi ăn. Sợi bún sạch thường có mùi hơi chua dịu, đây là mùi chua tự nhiên của bột gạo lên men chứ không phải do bún bị hỏng. Còn sợi bún chứa hoá chất thường đã được tẩy trắng và tẩy mùi rồi nên không còn mùi chua đặc trưng đó nữa. Đây là dấu hiệu quan trọng để phân biệt bún sạch với bún nhiễm hoá chất.
- Phân biệt bằng nước mắm: Với mẹo hay này bạn có thể dùng nước mắm để phân biệt bún sạch với bún nhiễm hoá chất. Trước khi dùng bữa, hãy thử trộn một chút bún vào bát nước mắm, nếu sợi bún mềm và nhanh ngấm nước mắm thì đó là bún sạch. Ngược lại, sợi bún có hoá chất sẽ cứng và ít ngấm nước mắm hơn do lớp hoá chất phủ bên ngoài đã ngăn nước mắm thấm vào bên trong.
Ngoài ra để biết chính xác bún nhiễm hóa chất chỉ có thể đem đi xét nghiệm. Bún sử dụng chất tẩy trắng, hàn the thường trắng sáng, đẹp song ăn có thể gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc, lâu dài dẫn đến suy gan, suy thận, thậm chí ung thư.
Nếu bún có những dấu hiệu chứa hóa chất thì bạn không nên dùng. Vì các hóa chất độc hại có trong bún khi vào cơ thể tùy theo lượng độc tố mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính.
Nó có thể làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Ở mức độ nặng, chúng tích tụ lâu dài sẽ gây suy gan, thận, thậm chí ung thư.
Trên thị trường có nhiều loại bún:
- Bún rối: Là loại bún sau khi được vớt ra khỏi nồi nước tráng thì được để vào thúng một cách tương đối lộn xộn, không có hình khối rõ rệt. Bún rối là loại phổ biến nhất và thích hợp với nhiều món ăn nhất.
- Bún lá: Các sợi bún được vắt thành từng dây có đường kính độ 4-5mm, dài cỡ 30–40 cm. Khi ăn, các lá bún này được cắt thành từng đoạn ngắn.
- Bún nắm: Các sợi bún được nắm thành từng bánh nhỏ, bẹt, ít phổ biến hơn so với hai loại bún trên. Bún vắt và bún nắm thích hợp với cá món chấm, chẳng hạn như bún ốc nguội, bún đậu mắm tôm.
Trúc Chi (t/h)