Cuộc thực nghiệm nhằm mục đích đánh giá tác động và kiểm nghiệm mức độ phù hợp, tính khả thi của dự thảo các chương trình môn học trong chương trình GDPT mới (chương trình GDPT tổng thể) đối với cơ sở GDPT, đồng thời cung cấp thông tin góp phần hoàn thiện dự thảo các chương trình môn học để Hội đồng Quốc gia Thẩm định chương trình môn học tiến hành thẩm định.
Thông báo về quá trình thực nghiệm chương trình, đại diện ban Soạn thảo cho biết, nhiều giáo viên đã vận dụng tốt phương pháp tổ chức hoạt động, trao quyền chủ động cho học sinh, tạo tâm thế hào hứng và các hoạt động học tập hiệu quả ở học sinh.
Nhiều giáo viên đã mạnh dạn thay đổi ví dụ được gợi ý trong tài liệu thực nghiệm cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Một số giáo viên còn linh hoạt thay đổi cách bố trí lớp học, không gian học, dùng hình thức trò chơi để học sinh học một cách thoải mái, hứng thú. Các hình thức thảo luận nhóm, thảo luận cặp đôi,… được sử dụng khá hợp lý và hiệu quả.
Tuy nhiên, một số giáo viên vẫn chưa thay đổi được thói quen truyền thụ kiến thức đơn thuần nên chưa tạo ra được những giờ học hiệu quả, trong đó mỗi học sinh đều được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, rèn luyện kỹ năng và vận dụng những điều đã học để phát hiện, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi.
Một số giáo viên thiên về áp dụng phương pháp phát vấn, chủ yếu là hỏi đáp giữa giáo viên với một vài học sinh. Một số giáo viên tuy có tổ chức cho học sinh làm việc nhóm nhưng cách làm việc còn mang tính hình thức, chưa tạo điều kiện để mỗi học sinh trong nhóm hoạt động, tự tạo ra sản phẩm của mình, đóng góp vào kết quả làm việc chung.
“Thực tế cho thấy, giờ dạy chỉ thành công khi giáo viên nắm vững nội dung chương trình và vận dụng được phương pháp dạy học mới để tổ chức hoạt động học tập của học sinh. Ví dụ, bài dạy thực nghiệm Lịch sử và Sử học, một chủ đề mới được coi là khô và khó trong chương trình Lịch sử lớp 10, dạy ở trường THPT số 2 thành phố Lào Cai được đánh giá là rất thành công. Đó là nhờ giáo viên nắm chắc nội dung bài học và có phương pháp tổ chức hoạt động tốt, khơi gợi được hứng thú ở học sinh, lôi cuốn các em tích cực tham gia hoạt động”, đại diện ban Soạn thảo cho hay.
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình cho biết: “Việc thực nghiệm chương trình phổ thông lần đầu nhưng đã thu được kết quả tốt. Kết quả thực nghiệm đem lại bài học bổ ích cho ban soạn thảo chương trình, giáo viên. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến giáo viên, qua đó sẽ giúp ban Soạn thảo sửa chương trình phù hợp”.
Ngoài ra, ông Thuyết cho rằng, để thành công thì yếu tố giáo viên là rất quan trọng: “Chúng tôi sẽ đề xuất Bộ có phương pháp tập huấn giáo viên phù hợp, cho giáo viên được tập huấn trực tiếp, thêm hình thức trực tuyến, giáo viên khắp cả nước được tương tác”.
“Qua đợt thực nghiệm này, chúng ta thấy cán bộ, giáo viên đều hưởng ứng chương trình và đánh giá cao chương trình này. Phần lớn đều cho rằng, chương trình là thiết thực, tuy nhiên từ thực tiễn tôi vẫn thấy chúng ta thiên về dạy kiến thức lý thuyết", ông Thuyết nói thêm.