Chuyển đổi số trong giáo dục ở Nghệ An: Thách thức và cơ hội

Chuyển đổi số trong giáo dục ở Nghệ An: Thách thức và cơ hội

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Thứ 5, 21/11/2024 10:58

Qua những bước chuyển đổi này, Nghệ An đang khẳng định tầm quan trọng của việc đổi mới trong giáo dục, giúp cho học sinh không chỉ có kiến thức mà còn có kỹ năng sống cần thiết để chuẩn bị hành trang cho tương lai.

Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Kết quả ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của Bộ GD&ĐT nói chung và ngành GD&ĐT tỉnh Nghệ An nói riêng đã đạt một số kết quả quan trọng. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi, trò chuyện với GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, về nội dung "Chuyển đổi số trong giáo dục - Thay đổi diện mạo toàn ngành".

Chuyển đổi số trong giáo dục ở Nghệ An: Thách thức và cơ hội- Ảnh 1.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành.

PV: Để đẩy mạnh chuyển đổi số ngành giáo dục, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Xin ông chia sẻ rõ hơn về mục tiêu của kế hoạch?

GS.TS Thái Văn Thành: UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND về chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với nhiều nội dung quan trọng.

Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, chuyển đổi số ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh, đảm bảo mục tiêu kép: Vừa ứng dụng thành quả của cách mạng công nghệ lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo (AI) để thay đổi hình thức hoạt động quản lý, quản trị và dạy học thích ứng, tiên tiến và hiệu quả;

Vừa giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện phát triển bền vững kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh.

Hiện nay, chuyển đổi số của ngành giáo dục Nghệ An đang được thực hiện mạnh mẽ đến từng giáo viên, từng nhà trường và từng học sinh. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn đang còn những khó khăn, thách thức như điều kiện dạy học ở các nhà trường chưa đồng đều, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa.

Chuyển đổi số trong giáo dục ở Nghệ An: Thách thức và cơ hội- Ảnh 2.

Do địa hình nhiều nơi còn khó khăn, việc chuyển đổi số của ngành giáo dục Nghệ An gặp nhiều khó khăn.

PV: Nhằm giúp chuyển đổi số giáo dục được thành công, trách nhiệm, vai trò của thầy cô giáo, cán bộ quản lý là không hề nhỏ. Sở GD&ĐT Nghệ An đã làm gì để nâng cao trình độ đội ngũ này nhằm giúp thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, dạy học?

GS.TS Thái Văn Thành: Trong kế hoạch này, xây dựng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hình thành mạng lưới cốt cán thực sự là yếu tố then chốt trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành.

Thông thường, giáo viên miền núi sẽ khó tiếp cận hơn với hình thức giảng dạy mới này, bởi hệ thống mạng lưới đường truyền ở vùng cao còn yếu, trình độ công nghệ thông tin chưa đồng đều, và các nhà trường ở các vùng miền này còn nhiều e dè với hình thức bài giảng mới.

Vì vậy, ngành giáo dục Nghệ An cũng chú trọng các hoạt động nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ; giao lưu học tập kinh nghiệm trong và ngoài ngành, để nâng cao năng lực thực tế của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh.

Đặc biệt, ngành giáo dục Nghệ An đang triển khai phong trào "trường giúp trường, phòng giúp phòng", từ đó các giáo viên sẽ giúp đỡ nhau, chia sẻ kinh nghiệm dạy học, nâng cao chất lượng, xoá khoảng cách giữa vùng thành thị và nông thôn.

Chuyển đổi số trong giáo dục ở Nghệ An: Thách thức và cơ hội- Ảnh 3.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy học sẽ giúp các học sinh có nhiều điều kiện tiếp cận với chương trình mới.

PV: Để thực hiện chuyển đổi số giáo dục là điều không hề dễ dàng, đặc biệt đối với địa phương còn nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, Sở GD&ĐT Nghệ An đã huy động nguồn lực xã hội hoá cùng tham gia thực hiện chuyển đổi số ra sao?

GS.TS Thái Văn Thành: Hiện, do đặc thù của tỉnh Nghệ An, vì vậy ngành ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước để triển khai kế hoạch, huy động các nguồn lực tài chính từ xã hội và các nguồn kinh phí khác cho hoạt động nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.

Riêng các cơ sở giáo dục đại học, khuyến khích ưu tiên bố trí ngân sách từ các nguồn thu hợp pháp theo quy định để triển khai đào tạo, nghiên cứu phát triển về chuyển đổi số, công nghệ số.

Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ của Đề án theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, đối tác công tư, giao nhiệm vụ, hình thức đặt hàng tùy theo từng nhiệm vụ cụ thể.

Tăng cường sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ.

Đối với những nơi còn gặp khó khăn, ngành đã tăng cường các nguồn lực xã hội hóa; khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; thu hút nguồn vốn của doanh nghiệp thông qua hình thức đối tác công tư (PPP) để đầu tư xây dựng các nền tảng số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo;…

Chuyển đổi số trong giáo dục ở Nghệ An: Thách thức và cơ hội- Ảnh 4.

Việc sử dụng công nghệ trong giáo dục cũng đi kèm với rủi ro, vì vậy ngành giáo dục luôn đặt mục tiêu bảo vệ học sinh lên hàng đầu.

PV: Trước những thay đổi của công nghệ như hiện nay, Sở GD&ĐT Nghệ An có những kiến nghị, đề xuất gì về chính sách nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi số ngành giáo dục được triển khai mạnh mẽ hơn?

GS.TS Thái Văn Thành: Việc chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ mang lại những cơ hội và tiềm năng mà còn đồng thời đối mặt với nhiều thách thức phức tạp, đặc biệt là tại Nghệ An, nơi mà việc thúc đẩy sự phát triển công nghệ trong giáo dục đang diễn ra một cách nhanh chóng.

Một trong những thách thức lớn nhất là đảm bảo mọi học sinh và giáo viên đều có điều kiện và kỹ năng cần thiết để sử dụng công nghệ hiệu quả. Trong một số trường hợp, việc trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ cần một số khoản đầu tư đáng kể từ phía Chính phủ và các tổ chức liên quan.

Một thách thức khác là xây dựng một môi trường học tập và làm việc an toàn trên mạng. Việc sử dụng công nghệ trong giáo dục cũng đi kèm với những rủi ro liên quan đến bảo mật thông tin và dữ liệu cá nhân của học sinh.

Để giải quyết vấn đề này, cần thiết phải có các chính sách bảo mật thông tin và dữ liệu chặt chẽ, cùng với việc tăng cường giáo dục về an toàn trực tuyến cho cả học sinh và giáo viên.

Để ứng dụng thành công công nghệ số trong giáo dục cần sự nỗ lực có tính căn cơ, chiến lược dài hơi. Vì vậy, cần có các chương trình đào tạo và hỗ trợ cho giáo viên để họ có thể sử dụng công nghệ một cách hiệu quả trong quá trình giảng dạy, cũng như để học sinh được hướng dẫn và bảo vệ khi sử dụng internet và các nền tảng trực tuyến.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.