Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu người bán sử dụng chất kích thích tăng trưởng cho giá đỗ, vào mùa hè, giá đỗ chỉ cần 2 ngày đã thu hoạch được còn mùa đông từ 3 đến 4 ngày là thu hoạch được.
Để phân biệt được đâu là giá đỗ an toàn thì chính xác nhất phải có thiết bị đo lường thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm. Tuy nhiên, về cảm quan, có thể sử dụng một số cách sau:
Giá đỗ an toàn: Thân cây giá mảnh, rễ dài, mầm lá được đẩy ra ngoài.
Giá đỗ không an toàn: Lá không nảy ra khỏi hạt mầm, thân cây giá mập, ngắn, rễ không phát triển.
Vỏ hạt đỗ được bong ra từ cây giá an toàn có màu xanh như màu xanh hạt đỗ bình thường còn vỏ hạt đỗ được bong ra từ cây giá có chất kích thích có màu xanh đen (do phản ứng hóa học tác động khiến vỏ đỗ đen đi nhiều).
Về màu sắc: Giá an toàn có màu trắng đục, trắng sữa. Còn trong cây giá có chất kích thích than giá có màu trắng muốt bởi trong chất kích thích có chất tẩy trắng.
Giá an toàn khi nấu lên sẽ không bị mềm nhũn và ra nhiều nước như giá kích thích. Bởi giá có chất kích thích chứa nhiều nước.
Giá đỗ không an toàn: Lá không nảy ra khỏi hạt mầm, thân cây giá mập, ngắn, rễ không phát triển.
*Cách tự làm giá đỗ:
Trước khi làm giá đỗ cần ngâm đỗ. Mùa hè ngâm đỗ từ 6 tới 8 tiếng. Mùa đông ngâm đỗ từ 8 tới 10 tiếng.
Khi thấy hạt đỗ nứt ra thì cho đỗ vào rổ để ủ. Lưu ý, dùng vải đen phủ lên đỗ. Sau đó, lấy các vật dụng nặng để đè lên lớp vải phủ (đĩa sứ). Mỗi ngày sẽ nhúng giá đỗ 3 lần, mỗi lần vài chục giây. Khoảng 3 tới 4 ngày có thể thu hoạch được giá đỗ an toàn cho gia đình ăn.
*Một số công dụng tuyệt vời của giá đỗ:
Giàu dinh dưỡng: Giống như các loại rau mầm khác, giá đỗ chứa hàm lượng dồi dào các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như protein, magie, phốt pho, mangan, folate, vitamin K và vitamin C. Ngoài ra, loại thực phẩm này cũng cung cấp các hợp chất oxy hóa và nhiều loại axit amin thiết yếu, giúp tăng cường sức khỏe con người.
Theo nhiều kết quả nghiên cứu, protein có trong giá đỗ và các loại rau mầm nói chung thường dễ tiêu hóa hơn so với các loại protein khác. Lý do là trong quá trình nảy mầm, lượng chất kháng dinh dưỡng bị giảm đi nên cơ thể có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong giá đỗ.
Cải thiện hệ tiêu hóa: Giá đỗ chứa hàm lượng lớn các enzyme sống giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, đồng thời cải thiện các phản ứng hóa học trong cơ thể. Các enzyme có trong loại thực phẩm này hỗ trợ quá trình phân hủy thức ăn, từ đó tăng cường khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng thông qua đường tiêu hóa. Ngoài ra, giá đỗ chứa nhiều chất xơ không hòa tan giúp giảm nguy cơ táo bón.
Tăng cường sức khỏe tim mạch: Giá đỗ mang đến nhiều lợi ích cho hệ tim mạch bởi chúng làm tăng nồng độ cholesterol tốt (HDL cholesterol) và giảm mức cholesterol xấu (LDL cholesterol).
Trong giá đỗ còn có phytoestrogen - một loại hormone có tác dụng tương tự như estrogen, hỗ trợ quá trình lưu thông máu ở động mạch, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và cải thiện sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, loại thực phẩm này chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học, đặc biệt là sulforaphane làm tăng tổng khả năng chống oxy hóa của huyết tương và giảm quá trình peroxy hóa lipid, triglycerid huyết thanh, chỉ số stress oxy hóa, insulin huyết thanh, kháng insulin và cholesterol LDL bị oxy hóa ở bệnh nhân đái tháo đường loại 2.
Hỗ trợ giảm cân: Giá đỗ có tác dụng giảm cân nhờ hàm lượng chất xơ dồi dào. Tiêu thụ chất xơ giúp ngăn chặn quá trình giải phóng ghrelin - một loại hormone gây cảm giác đói, giúp bạn cảm thấy no lâu và giảm sự thèm ăn.
Kiểm soát lượng đường trong máu: Giá đỗ có khả năng điều chỉnh hoạt động của enzyme amylase - một loại enzyme được cơ thể sử dụng để vận chuyển lượng đường trong máu. Bổ sung giá đỗ vào chế độ ăn uống hàng ngày giúp bạn kiểm soát tốt mức đường huyết trong cơ thể, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Tăng cường khả năng miễn dịch: Giá đỗ chứa nhiều vitamin C, hoạt động như một chất kích thích mạnh mẽ các tế bào bạch cầu để chống lại bệnh tật và nhiễm trùng, từ đó tăng cường hệ thống miễn dịch.
Phong Anh (T/h theo Sức khỏe& Đời sống, Dân trí)