Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) không còn là khái niệm xa lạ hay một lĩnh vực mới mẻ, điều này thu hút nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn theo học khiến ảnh hưởng không nhỏ đến điểm chuẩn năm nay.
TMĐT được hiểu là tất cả các quy trình, giao dịch bán hàng đều được thực hiện trên nền tảng trực tuyến hoặc thông qua các ứng dụng, các trang web. Ngoài ra, chúng cũng có thể chuyển dữ liệu hoặc tiền bằng thương mại điện tử. Trong TMĐT, nền tảng kỹ thuật số chính được sử dụng là Internet.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Trần Hưng - Trưởng Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử, Trường Đại học Thương mại đánh giá, TMĐT sẽ ngày càng phát triển và cần nhân lực chuyên nghiệp tham gia vào thị trường.
Khi chọn ngành Quản trị Thương mại điện tử các em sẽ được trang bị kiến thức cơ bản về kinh tế, thương mại, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh; nắm vững kiến thức chuyên sâu về TMĐT và sử dụng các mô hình kinh doanh điện tử trên Internet; có năng lực thực hành nghề TMĐT, quản trị các hoạt động TMĐT tại các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước.
"Sau khi tốt nghiệp, các em có khả năng trở thành chuyên gia làm việc ở tất cả các bộ phận tác nghiệp TMĐT của doanh nghiệp và thích nghi tốt với sự biến động nhanh của môi trường kinh doanh điện tử. Có kiến thức tổ chức, thực hiện các hoạt động ứng dụng TMĐT tại các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các đơn vị hành chính sự nghiệp", ông Hưng bày tỏ.
Với những em có năng lực chuyên môn vững nhiều cơ hội đảm nhận các vị trí Trưởng, Phó phòng chức năng, CEO của doanh nghiệp TMĐT.
Hoặc cũng có nhiều cơ hội làm việc tại bộ phận quản trị chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh TMĐT, quản trị dự án TMĐT, quản trị hệ thống thông tin của doanh nghiệp ứng dụng TMĐT.
Về yêu cầu ngành nghề, PGS.TS Nguyễn Trần Hưng cho rằng sinh viên phải yêu thích và ham học hỏi, cập nhật nhanh những biến động của môi trường kinh doanh trên Internet.
Ngoài ra, các kỹ năng cụ thể khi sinh viên vào học sẽ được đào tạo như kỹ năng quản trị và vận hành các mô hình kinh doanh TMĐT phổ biến trên Internet, giải quyết các tình huống phát sinh trong kinh doanh điện tử.
Áp dụng được kỹ năng sử dụng, khai thác được các ứng dụng TMĐT, vận dụng được kỹ năng sử dụng các máy tìm kiếm để tìm kiếm, chia sẻ thông tin.
"Căn cứ theo phổ điểm đã được công bố đối với một số phương thức xét tuyển vào ngành TMĐT, tôi dự đoán điểm chuẩn Quản trị TMĐT của Trường Đại học Thương mại năm nay sẽ rơi vào khoảng từ 26,25 đến 26,5 điểm", ông Nguyễn Trần Hưng cho hay.
Mùa tuyển sinh này cũng sẽ là năm cuối cùng của Chương trình GDPT 2008, vì vậy thí sinh cần có những chiến thuật cụ thể nhằm chọn cho mình một nguyện vọng như ý.
Mặc dù, Bộ GD&ĐT cho biết các thí sinh năm nay vẫn có thể sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để xét tốt nghiệp hoặc sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng: "Các em nên cố gắng có lựa chọn sáng suốt nghiên cứu kỹ điểm chuẩn của các năm để đăng ký xét tuyển và trúng tuyển vào năm nay. Vì năm sau, số thí sinh dự thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 sẽ không còn nhiều. Cùng với đó, rất có thể các trường đại học sẽ không dành nhiều chỉ tiêu cho đối tượng này nên sẽ có thể sẽ chịu sự cạnh tranh lớn hơn so với năm nay".
Ngoài ra, cũng bà Thủy cũng lưu ý thí sinh theo kinh nghiệm nhiều năm qua các cơ sở đào tạo lớn sẽ tuyển sinh hết chỉ tiêu ngay trong đợt 1 xét tuyển, không còn nhiều lựa chọn cho thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung. Vì thế việc đăng ký xét tuyển trong đợt 1 theo lịch đã nêu ở trên rất quan trọng.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7/2024, thí sinh tiến hành đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Trong khoảng thời gian này, thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và số lần đăng ký, các em có thể chỉnh sữa, thêm bớt nguyện vọng đều được trong khoảng thời gian này.