Ngưng thở khi ngủ
Trong hầu hết các trường hợp, ngáy không phải điều đáng lo ngại (nếu tiếng ngáy có âm lượng bình thường, đều đều). Tuy nhiên, nếu tiếng ngáy nghe giống như khịt mũi hoặc thở hổn hển, đồng thời bạn luôn cảm thấy thiếu ngủ vào ban ngày, đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
Thông thường, ngưng thở khi ngủ xảy ra bởi một trong hai lý do: Đường hô hấp trên bị tắc nghẽn liên tục trong lúc ngủ, dẫn tới làm giảm hoặc ngừng hoàn toàn luồng khí phát ra; não không gửi các tín hiệu cần thiết để đường hô hấp hoạt động.
Dù là bởi lý do nào, nếu thường xuyên bị ngưng thở khi ngủ kèm theo chứng đau đầu hoặc khô miệng khi thức dậy, bạn cần đi gặp bác sĩ ngay bởi nếu tình trạng này không được kiểm soát sẽ dẫn tới nguy cơ bị huyết áp cao và gây ảnh hưởng đến tim.
Mơ ác mộng
Mơ ngủ là tình trạng không ít người gặp phải. Những giấc mơ sẽ phản ánh trạng thái tinh thần của một người. Nếu một người thường xuyên gặp ác mộng vào ban đêm, những giấc mơ lặp lại giống nhau, có thể do họ gặp nhiều căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày. Khi gặp ác mộng, rất khó đi vào giấc ngủ sâu, nếu áp lực không được giải quyết kịp thời, lâu ngày có thể dẫn tới bệnh tâm lý.
Luôn thức dậy vào một giờ nhất định
Bạn luôn tự thức dậy vào một giờ nhất định trong buổi sáng cho dù buổi tối bạn đi ngủ sớm hay muộn. Thói quen này tưởng tốt nhưng có thể là biểu hiện của việc rối loạn sinh học. Điều này không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi do thiếu ngủ, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tiêu hóa, thần kinh.
Theo Prevention, bổ sung melatonin và hạn chế ánh sáng nhân tạo bằng cách tắt đèn, để phòng tối khi đi ngủ để đưa cơ thể về đúng nhịp sinh học, giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Thường xuyên lăn lộn, đạp chăn
Tướng ngủ này có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức). Đây là tình trạng mà trong đó tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone thyroxine.
Cường giáp có thể làm tăng sự trao đổi chất, nhịp tim nhanh hoặc không đều, ra mồ hôi và căng thẳng hoặc khó chịu, khiến cơ thể không kiểm soát được các cơ bắp. Cường giáp ảnh hưởng trầm trọng đến giấc ngủ, khiến bạn khó chịu, thường xuyên lăn lộn, đạp chăn, xoay người... khi ngủ.
Nghiến răng khi ngủ
Nghiến răng khi ngủ thường liên quan tới yếu tố căng thẳng hoặc lo lắng. Tình trạng này không phải lúc nào cũng gây ảnh hưởng cho cơ thể nhưng một số người có thể sẽ bị đau mặt, đau đầu, cứng khớp, làm mòn răng theo thời gian, gián đoạn giấc ngủ.
Chuột rút ở chân khi ngủ
Nếu cơ thể thiếu canxi, bàn chân dễ bị chuột rút. Ngoài ra, khi quá trình tuần hoàn máu của cơ thể diễn ra chậm và độ nhớt của máu cao, nguy cơ tắc nghẽn mạch máu tăng lên sẽ gây ra tình trạng chuột rút khi ngủ.
Các yếu tố khác gây ra chuột rút trong khi ngủ vào ban đêm bao gồm: Người ít vận động, cơ bắp không được kéo giãn thường xuyên; Tập thể dục quá mức khiến cơ bắp làm việc quá sức; Ngồi khoanh chân trong thời gian dài; Đứng trong thời gian dài; Rối loạn của các dây thần kinh, gây ra bệnh thần kinh vận động; Bệnh Parkinson; Rối loạn cơ xương, viêm xương khớp; Gan, thận, tuyến giáp có vấn đề; Rối loạn chuyển hóa.
Tay chân lạnh
Một số người thường xuyên gặp tình trạng tay chân lạnh ngắt và có xu hướng co tay chân khi ngủ dù nhiệt độ trong phòng rất ấm áp. Điều này cho thấy chức năng của lá lách và thận yếu, động lực của tim là không đủ, dẫn đến chân tay lạnh và luôn ngủ co quắp.
Dễ tỉnh giấc và hay tiểu đêm
Nếu thường xuyên bị tỉnh giấc giữa đêm và hay tiểu đêm, hãy cảnh giác với vấn đề về gan và túi mật. Nếu bạn gặp phải tình trạng này thì nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm chức năng gan kịp thời, cố gắng bỏ thói quen ăn uống các chất kích thích, thay vào đó là ăn nhiều rau xanh và trái cây để nuôi dưỡng và bảo vệ gan. Nếu bạn thức dậy sớm hoặc đi vệ sinh từ 3 đến 5 giờ sáng, điều đó có nghĩa là phổi không bình thường.
Minh Hoa (t/h)