Một bộ phận cán bộ chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm
Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đã đề cập đến vấn đề chống lãng phí trong bộ máy công quyền.
Theo bà Hoa, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác chống lãng phí. Gần đây nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới được bổ sung nhiệm vụ mới về phòng, chống lãng phí.
Đặc biệt bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp rất trúng.
"Có thể nói đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội", bà Hoa nói.
Tình trạng này theo bà Hoa, có nhiều nguyên nhân, trong đó còn có một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý.
"Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bên cạnh đó có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước không hiệu quả. Thực tế còn có lãng phí về cơ hội và thời gian", nữ đại biểu góp ý.
Bà Hoa dẫn ý kiến của một chuyên gia nước ngoài đã nhận định rằng lãng phí cơ hội và thời gian là sự lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người. Khi cơ hội và thời gian trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại.
Bà cũng dẫn lại ý kiến Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, doanh nghiệp; bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc sẽ lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, đất nước.
Thêm vào đó, theo bà Hoa, "bệnh thành tích", "tư duy nhiệm kỳ", "tư duy chủ quan" của một số cán bộ muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ ngành mình và trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động.
Nhưng do cách làm nóng vội, sự tính toán chủ quan, sự không tuân thủ đầy đủ các quy trình, thủ tục nên một số dự án đã không đem lại hiệu quả như mong muốn. Vừa qua một số dự án đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực điểm mặt, chỉ tên là những dẫn chứng cụ thể nhất.
Một nguyên nhân khác, bà Hoa nói chế tài xử lý hành vi lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao.
Trong đó Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, việc xử lý hành vi vi phạm trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí. Tuy nhiên các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở.
Bộ luật Hình sự có 2 điều đề cập đến các hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả lãng phí. Đó là tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
"Trên thực tế, các điều luật này ít khi được sử dụng để xử lý hành vi lãng phí mà thường được xử lý bằng các tội danh khác như tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Với cách xử lý này, mặc dù tội phạm vẫn bị trừng trị nhưng tính răn đe, giáo dục về chống lãng phí chưa cao", bà Hoa nói.
Bà Hoa nhấn mạnh, nếu chống lãng phí thành công như chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước ta nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.
Chỉ có đổi mới thì mới có thể phát triển
Tham gia thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) bày tỏ ấn tượng sâu sắc với bài phát biểu chỉ đạo sâu sắc, trí tuệ của đồng chí Tổng Bí thư. "Chỉ có đổi mới thì mới có thể phát triển, chỉ khi mạnh dạn đi qua lối mòn tư duy mới có thể mở ra cánh cửa đưa đất nước tiến về phía trước", đại biểu nêu quan điểm.
Về đổi mới hoạt động lập pháp theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề khung, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, đây là định hướng đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế, do đó cần thể chế hóa kịp thời định hướng này để tạo căn cứ cho việc thực hiện theo đúng nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng rà soát những văn bản liên quan để có điều chỉnh cho phù hợp.
Về trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, theo Báo cáo số 524 của Thủ tướng Chính phủ trình tại kỳ họp này nhận định, việc ban hành văn bản chi tiết còn hạn chế, tình trạng chậm ban hành chưa được khắc phục. Năm 2024, số văn bản còn nợ chiếm 13,94%...
Đại biểu cho rằng, tới đây khi chúng ta đổi mới theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc thì trách nhiệm xây dựng pháp luật sẽ đặt lên vai Chính phủ nhiều hơn, số lượng văn bản hướng dẫn sẽ tăng lên rất nhanh và tính chất cũng phức tạp hơn…
Vì vậy, đại biểu kiến nghị về mặt tiến độ, cần đề cao hơn nữa trách nhiệm cá nhân trong đảm bảo tính kịp thời. Về chất lượng văn bản, cần đề cao tính khách quan, tránh lợi ích cục bộ, cần thực hiện nghiêm Quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về nhận diện những điểm nghẽn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, nhận diện chính xác, đầy đủ những điểm nghẽn và nếu như thuộc chức năng của Quốc hội thì Quốc hội sẵn sàng xử lý kịp thời nhưng đồng thời cần nhận diện chính xác những hạn chế do tổ chức thực hiện.
Liên quan đến yêu cầu "đúng vai thuộc bài", đại biểu hoàn toàn tán thành quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm và cho rằng đây là chỉ đạo hết sức đúng đắn, "đúng vai" nghĩa là không nhầm vai, không lấn sân nhưng cũng không bỏ qua, cần thực hiện đúng trách nhiệm mà Hiến pháp đã quy định, làm trọn bổn phận mà Đảng đã trao và nhân dân gửi gắm.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần rà soát các quy định của pháp luật liên quan về tổ chức bộ máy.