Sáng nay (30/9), Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội đã tổ chức tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV tại quận Hà Đông.
Chính sách cho nhà giáo, cán bộ được đặc biệt quan tâm
Tại buổi tiếp xúc, ông Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có báo cáo với cử tri quận Hà Đông về nội dung Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét và thông qua 2 nhóm vấn đề lớn.
Cụ thể, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua 9 Dự án luật và 2 Nghị quyết, cho ý kiến 8 Dự án Luật. Nhóm 2, Quốc hội sẽ xem xét 13 nhóm vấn đề kinh tế, xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023; kinh tế xã hội và phương án ngân sách phân bổ 2023; kế hoạch tài chính ngân sách 2024 và 2024-2026, đầu tư công trung và dài hạn.
Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giải quyết ý kiến cử tri và giải quyết đơn thư, khiến nại của công dân, giải quyết vi phạm pháp luật; lấy phiếu tín nhiệm đối với đại biểu Quốc hội. Kỳ họp thứ 6 các đại biểu sẽ nghiên cứu 9 nhóm báo cáo, trong đó có vấn đề sách giáo khoa.
Thay mặt đoàn đại biểu, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trả lời với cử tri những nội dung đã kiến nghị ở những lần tiếp xúc và kỳ họp trước.
Nổi bật trong đó có đề nghị chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giúp thầy cô giáo yên tâm gắn bó với nghề.
Trả lời nội dung này ông Phạm Đức Ấn cho biết: “Hiện nay, các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được hưởng các chính sách bao gồm lương, phụ cấp, thâm niên và một số chính sách khác. Nếu nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa cũng được hưởng các ưu đãi cao hơn so với các nhà giáo dạy ở đồng bằng.
Thời gian gần đây, Chính phủ cũng đã quan tâm nâng mức trợ cấp ưu đãi, phụ cấp liên quan đến thâm niên ngành nghề, mở rộng tiêu chí, nâng lương trước thời hạn cho giáo viên, nhân viên”.
Tuy nhiên, ông Ấn cũng đánh giá với mức lương như hiện nay vẫn chưa thực sự đảm bảo mức sống cho cán bộ giáo viên ngành giáo dục.
“Bộ GD&ĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ để xếp lương theo chuẩn trình độ được đào tạo, điều này giúp cho giáo viên mới ra trường tăng thu nhập. Trong thời gian tiếp theo Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất chính sách tiền lương mới để đảm bảo ổn định cho các thầy cô”, ông Ấn thông tin tới các cử tri.
Nhà ở xuống cấp nhưng không được xây mới
Trong phần trao đổi, những vẫn đề liên quan đến đời sống nhân sinh như giải phóng mặt bằng, sửa chữa nhà ở, quyền sử dụng đất, thiếu trường lớp là những nội dung được cử tri hết sức quan tâm.
Cụ thể, cử tri phường Mộ Lao nêu vấn đề về tách giấy chứng nhận quyền sự dụng đất cho nhân dân tổ dân phố 5; Khu vực dân ở gần sông Nhuệ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến người dân không được cải tạo nhà.
Cử tri phường Biên Giang nêu ý kiến về việc người ảnh hưởng bởi Quyết định 1821 hành lang thoát lũ sông Đáy khi có hơn 1.000 người dân sinh sống tại đây hiện nhà xuống cấp nhưng không được cải tạo.
Phát biểu ý kiến, ông Phạm Trung Kiên – Cử tri ở phường Vạn Phúc cho rằng Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Thủ đô (sửa đổi) là những nội dung được người dân vô cùng quan tâm bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống.
“Hà Nội đã có chương trình cải tạo và phát triển nhà ở chung cư cũ chính sách cải tạo nhưng thực tế sau khi ban hành tiến độ triển khai tương đối chậm. Chúng tôi mong muốn được kiến nghị Quốc hội thảo luận Luật Nhà ở nên quan tâm đến việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các quy định hiện nay”, cử tri Phạm Trung Kiên bày tỏ ý kiến.
Bên cạnh đó, trên địa bàn quận có rất nhiều các công trình giáo dục xã hội hoá bỏ hoang, chậm tiến độ trong khi đây lại là khu vực nóng của tình trạng thiếu trường, thiếu lớp. Cử tri mong muốn cần sớm có giải pháp khắc phục việc cha mẹ phải xếp hàng xin học, quyết liệt hơn trong việc thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ.
Thông tin đến người dân những vấn đề thuộc thẩm quyền của quận, ông Trần Văn Hải - Phó Chủ tịch HĐND quận Hà Đông đã trả lời một số nội dung. Theo đó, việc cải tạo nhà tại hành lang sông Đáy, quận đã chỉ đạo các lãnh đạo phường quyết định cho dân cải tạo tạm thời để ở. Vấn đề cải tạo hạ tầng khu chung cư cũ ở Mộ Lao đã triển khai, nhưng một số người dân không đồng thuận nên vẫn vướng mắc.
Tại khu sông Đà, do một số hạ tầng chưa làm đồng bộ, hiện quận muốn nhận bàn giao nhưng khó triển khai vì thiếu cơ chế để tháo gỡ.
Kết thúc buổi tiếp xúc, ông Phạm Đức Ấn Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ghi nhận những ý kiến của tiếp thu các ý kiến của cử tri quận Hà Đông và tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ và các bộ ngành có liên quan những chính sách đến nay đã không còn phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, ông Ấn cũng bày tỏ thêm có nhiều vấn đề cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành về phía người dân cũng cần góp sức để sớm tìm ra giải pháp.