Tuỳ thuộc vào phương cách nó được tạo ra và mục đích con người sử dụng nó, của cải sẽ được khuyến khích hay bị lên án. Đối với người Phật tử, vấn đề không phải ở chỗ người ta nên có bao nhiêu của cải, mà là cách thức họ sở hữu và sử dụng của cải thế nào.
Nếu của cải được tạo ra bằng những con đường phi pháp và phi đạo đức, và được sử dụng cho những hoạt động chống lại xã hội, hoặc ngay cả cho nhu cầu xa xỉ, đạo Phật xem của cải như thế là điều xấu ác. Nếu của cải được làm ra do nỗ lực chân chính, dùng để mang lại an lạc và hạnh phúc cho chính mình, cho gia đình mình và vì lợi ích cho xã hội, nó được coi là một phương tiện quan trọng để tạo một cuộc sống tốt đẹp và một cuộc sống đạo đức có thể được. Trong Kinh, đức Phật nói như sau:
Sự phát triển trong điền sản, trong của cải và ngũ cốc, nơi người bạn đời và con cái, nơi người làm công và nơi súc vật gồm trong mười sự phát triển mà một vị thánh đệ tử trưởng thành trong bậc thánh, cố gắng làm để hoàn thiện mình.
Nói cách khác, đạo Phật khuyến khích một đời sống chính đáng để thiết lập một xã hội tốt đẹp. Đoạn kinh sau đây mô tả tinh thần tương tự:
Vì chính mình và vì mọi người, ta không làm điều xấu ác, cũng không muốn vì những con trai con gái mình, hay vì của cải, vì vương quốc mà làm điều xấu ác, cũng không muốn thành công bằng những phương tiện bất thiện. Người như vậy là đạo đức, khôn ngoan và đúng đắn.
Chính từ việc này mà đạo Phật cho rằng mắc nợ là khổ và không mắc nợ là nguồn gốc của hạnh phúc.
Như đức Phật đã dạy rằng tâm dẫn đầu các nghiệp báo của con người, cho nên nói rằng đời sống tiện nghi hay của cải vật chất tự thân nó là một điều xấu ác là sai lầm. Mặt khác, đạo Phật tán thán của cải được làm ra bằng những con đường chân chính. Đạo Phật đề cao sự sử dụng của cải chân chính cho sự an lạc và hạnh phúc của chính con người, cho hạnh phúc của cha mẹ, những thành viên trong gia đình, họ hàng, bè bạn, người quen và cho tỳ-kheo, tỳ-kheo ni.
Người làm điều thiện sẽ được giàu có trong đời này và đời sau là một trong những điều giáo huấn tốt đẹp mà Phật tử nào cũng biết đến. Tất cả những điều này nói lên rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo bảo con người đừng có của cải, mà là một tôn giáo chấp nhận của cải là một điều đáng được tầm cầu vì nó có thể giúp ích cho một đời sống tốt đẹp. Trong số đệ tử cư sĩ của đức Phật, Cấp Cô Độc, là một thương gia giàu có, nổi tiếng là một người đại thí chủ của đức Phật và tăng đoàn, thường được tán thán là một người làm lợi ích nhiều nhất và được gọi là trưởng lão thí chủ.
Tuy nhiên, đạo Phật không tán thành sự lạm dụng của cải để xa xí, vì đó là một nguyên nhân làm mất mát của cải cũng như đưa đến tình trạng buông lung trong lạc thú. Kinh điển Phật giáo lên án cả hai thái độ bủn xỉn và phung phí đối với của cải và xem những kẻ hà tiện là nô lệ, trong khi coi những kẻ lãng phí của cải là kẻ tự huỷ hoại mình. Hai loại người này bị coi như khó làm hài lòng và khó mang đến an lạc cho người khác.
Hơn thế nữa, ngay cả của cải sinh ra bằng phương cách đạo đức và hợp pháp, kinh điển Phật giáo cũng cảnh cáo những kẻ trở thành nô lệ cho của cải. Chấp thủ vào của cải vật chất sẽ là gánh nặng:
Của cải sẽ làm hỏng kẻ ngu nhưng không thể làm hỏng người tìm kiếm bờ bên kia (niết-bàn). Vì tham lam của cải kẻ ngu làm hỏng chính mình và làm hỏng những kẻ khác.
Thái độ của người theo Phật có thể được nhìn thấy rõ ràng qua việc chấp nhận con đường trung đạo vượt lên trên hai cực đoan của sự phóng dật trong chủ nghĩa vật chất nhằm thoả mãn khoái lạc giác quan, và sự nghèo khó, thiếu thốn mọi phương tiện cần thiết để có đời sống đạo đức tốt đẹp. Cực đoan đầu sẽ đưa đến nợ nần và đau khổ.
Kinh Pháp Cú dạy rằng “đói là căn bệnh lớn nhất.” Vì nghèo khó được coi là nguyên nhân khuyến khích người ta nói dối, lường gạt, sanh ra trộm cắp và phi đạo đức, làm phát sanh sự bất ổn và rối loạn xã hội. Hơn thế nữa, trong một tình trạng nghèo khó, người ta rất khó sống một cuộc đời đạo đức và tâm linh, chưa cần nói đến sống một đời vì xã hội. Mặt khác, đức Phật xem của cải vật chất là một phương tiện hỗ trợ một đời sống đạo đức và tiến bộ trí tuệ, chứ tự thân nó không phải là cứu cánh. Để có sống một đời đạo đức và tiến bộ tâm linh, cần có nhiều điều kiện. Đó là con người phải khoẻ mạnh, không thiếu thốn lương thực, sống trong môi trường thân thiện, và tập thể hoà hợp.
Một cống hiến quan trọng khác về vấn đề của cải được tìm thấy trong kinh điển đạo Phật là khuyên người ta không nên tiếc nuối khi của cải bị huỷ hoại hay bị mất cắp. Trong trường hợp tăng thêm của cải, người ta nên điềm tĩnh. Thái độ đầu tiên giúp chúng ta thoát khỏi đau khổ vì sự đổi thay trong khi thái độ sau giúp người ta tránh khỏi sự thoả mãn cảm giác. Thái độ quân bình như vậy sẽ giúp cho chúng ta thoát khỏi hai cặp pháp thế gian, đó là sự được mất, và hạnh phúc đau khổ. Khuynh hướng chung là con người cảm thấy hạnh phúc, vui sướng và bám víu vào điều đạt được, và đau khổ khó chịu và thờ ơ đối với điều mất mát.
Bài tiếp theo: Tiêu dùng thích đáng và hạnh phúc thật sự của người tiêu dùng
HT Thích Nhật Từ (Trích Kinh tế từ cái nhìn Phật giáo)