Cơ giới hóa nghề làm miến, bánh phở
Chúng tôi ghé vào nhà anh Nguyễn Hoàn, chủ một cơ sở sản xuất tinh bột sắn ở Dương Liễu và được chứng kiến cảnh chiếc máy nghiền đang tới tấp "nuốt" từng khối củ sắn lớn và tuôn ra những suối bột mịn màng. Anh Hoàn cho biết, dây chuyền nghiền sắn này trị giá 600 triệu đồng, công suất 2 tấn tinh bột/ngày. Cơ sở sản xuất của anh chủ yếu cung ứng nguyên liệu cho các công ty dược ở miền Bắc, mỗi tháng xuất bán 30-50 tấn tinh bột sắn, doanh thu 1,4 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, lãi 200 triệu đồng.
Anh Lê Văn Khải, chủ một cơ sở sản xuất miến dong ở gần đó cho biết, toàn xã có khoảng 50 hộ đầu tư dây chuyền chế biến miến dong. Nghề CBNS ở đây được các hộ phân chia theo từng công đoạn: nhà thì nghiền củ dong, nhà nghiền đỗ xanh, nhà sản xuất mạch nha, bánh kẹo, nhà làm miến, bún phở… và hầu hết được cơ giới hóa. Bản thân gia đình anh Khải cũng đầu tư gần 300 triệu đồng mua máy tráng miến, công suất gần 1.000 phên bánh/ngày; ngoài ra còn mua lò hơi nấu tinh bột dong và máy cắt miến.
Tuy nhiên, khi vào sâu phía trong cơ sở sản xuất miến của anh Khải, chúng tôi thấy vô cùng khó chịu bởi mùi chua hắc của nguyên liệu để lâu ngày. Ba chiếc bể ngâm bột dong có đường kính tới 2m, được đặt cố định trong tình trạng cáu vàng, đen ngòm, nước ngâm bột cũng đen sì, trong khi công nhân thì vô tư đứng chân đất trong bể để nhào bột. Trong quá trình nhào, người ta còn hòa vào bột thuốc tím, axít, natri sunphit (Na2SO3), sau đó khuấy lọc 4-5 nước rồi mới rửa lại bằng nước sạch.
Bên cạnh những chiếc bể chứa là một thùng thuốc tím loại 50kg được nhập từ Trung Quốc, một bao tải Na2SO3, một can đựng axít H2CO3, một can phụ gia để pha màu. Theo giải thích, khi bột ngấm hoá chất thì miến sẽ dai hơn chứ không bị bở, nhũn. Đặc biệt, ở đây người ta còn dùng một thứ thuốc để tẩy trắng miến.
Nan giải bài toán môi trường
Ông Phí Đình An, chủ tịch UBND xã Dương Liễu cho biết, xã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là làng nghề CBNS từ năm 2001 và đến hết tháng 6/2012, toàn xã có 2.700/3.036 hộ tham gia nghề này. Hiện, xã có 36 công ty chuyên CBNS và làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Tổng doanh thu của các mặt hàng nông sản chế biến toàn xã năm 2012 đạt 880 tỷ đồng, chủ yếu là tinh bột sắn, tinh bột dong; mạch nha, bánh kẹo các loại; miến dong, bún, phở khô… Nghề CBNS đã đem lại việc làm cho 8.500 lao động trong xã và 300 - 500 lao động từ nơi khác đến làm thuê.
Tuy nhiên, nghề CBNS cũng khiến chính quyền địa phương "đau đầu" vì hậu quả để lại cho môi trường. Do thiếu mặt bằng sản xuất, miến được phơi dài trên những mặt đường, mặt ruộng, ven bờ kênh nên hứng trọn cát bụi.
Ông Ngô Văn Minh, cán bộ văn phòng xã cho biết, tổng lượng rác thải, bã thải toàn xã thải ra bình quân hơn 500 tấn/ngày, trong đó riêng 300 hộ sản xuất tinh bột sắn đã thải ra 300 tấn/ngày; sản xuất tinh bột dong có 50 hộ, thải ra 180 tấn bã/ngày. Chỉ một phần nhỏ lượng bã thải được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, còn đa số vứt tràn lan ra bên ngoài. Đó là chưa kể, khi vào vụ sản xuất, cả xã còn xả ra 12.000m3 nước thải/ngày đêm. Mặc dù UBND xã đã cho xây dựng hệ thống cống sâu tới 1,5m, nhưng vào mùa vụ, lượng nước thải đổ ra quá lớn nên cống không kịp tiêu thoát, nước ứ đọng, mưa xuống gây lụt lội, bốc mùi hôi thối.
Năm 1994, được sự đồng ý của UBND huyện Hoài Đức, công ty TNHH Mặt trời xanh đã đứng ra nhận xử lý nước thải cho làng nghề và cam kết sẽ xử lý để nước thải đạt loại B và sử dụng một phần bã thải cho chế biến phân vi sinh.
Mặc dù nhà máy đã được xây dựng trên diện tích 5.000m2 tại đầu làng, nhưng đến nay, công ty TNHH Mặt trời xanh vẫn không xử lý được nước thải như cam kết. Năm 2012, UBND huyện Hoài Đức đã yêu cầu công ty này dừng hoạt động và thu hồi lại diện tích đất đã giao. Như vậy, bài toán ô nhiễm môi trường ở Dương Liễu lại rơi vào bế tắc!
Theo Kinh tế nông thôn