Thông tin trên được ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại hội thảo “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” sáng 11/10.
Theo ông Thắng, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu.
Ông khẳng định, không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa doanh nghiệp ngày càng vững chắc và hấp dẫn. Nói rộng ra, văn hoá chính là nền tảng phát triển của doanh nghiệp, khi nền tảng văn hoá vững thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Văn hóa tạo nên hình ảnh và thể hiện qua hình ảnh, diện mạo, thương hiệu đặc sắc của doanh nghiệp.
“Không bao giờ có hai công ty có cùng một bản sắc và giá trị văn hóa. Để cạnh tranh, đối thủ có thể sao chép nhiều thứ, từ chiến lược, sản phẩm, quy trình cho đến bí quyết công nghệ… song không thể sao chép được những giá trị văn hóa, tinh thần", Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh.
Đặc biệt, văn hoá, đạo đức kinh doanh càng có vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển thành công trong một thế giới thay đổi nhanh, nhiều rủi ro, bất ổn và khó dự báo.
“Đó là trụ đỡ, điểm tựa giúp doanh nghiệp đứng vững trước những biến cố, chấn động bất ngờ, các cú sốc của thị trường, của đại dịch Covid-19 và cả những tác động sâu sắc của làn sóng toàn cầu hoá, cơn bão chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Ông Thắng cũng cho rằng, cốt lõi của văn hóa kinh doanh chính là đạo đức doanh nhân. Để hình thành văn hóa kinh doanh, nhất thiết phải bắt đầu từ xây dựng con người doanh nhân mà đạo đức là gốc rễ, nền tảng và khát vọng phát triển là đích đến.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, trong những thành quả của đất nước sau hơn 35 năm Đổi mới có sự nỗ lực, đóng góp hết sức to lớn của hàng triệu doanh nghiệp và doanh nhân trong cả nước. Đặc biệt nhận thức của xã hội về doanh nghiệp, doanh nhân đã có những thay đổi lớn theo hướng ngày càng khẳng định vai trò then chốt, chủ đạo trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, xã hội ngày càng tôn vinh thì xã hội ngày càng kỳ vọng nhiều hơn về những phẩm chất tốt đẹp của đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Do đó, khi nói đến khát vọng làm giàu, ông Thắng kỳ vọng tầng lớp doanh nhân lựa chọn con đường phát triển phồn vinh, thịnh vượng dựa trên nền tảng của việc thực hành đạo dức doanh nhân và những chuẩn mực của văn hóa kinh doanh.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay, Việt Nam có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
“Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến hàng triệu người, giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước. Chúng ta đã có những doanh nhân lọt vào danh sách "tỷ phú Dollar" của thế giới, có những sản phẩm, thương hiệu chiếm lĩnh vị trí khá cao trên thị trường toàn cầu”, ông Công nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng cho biết, những thành tựu đó mới chỉ là bước đầu đặc biệt khi đứng trước trách nhiệm nặng nề đưa đất nước phát triển theo những mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
“Chỉ còn hơn 20 năm nữa để đạt được mong ước của Bác Hồ là Việt Nam “sánh vai các cường quốc 5 châu”. Giới doanh nhân Việt Nam có sứ mệnh và trách nhiệm gánh vác một phần quan trọng của 2 nhiệm vụ này. Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội của doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới”, ông Công nói.
Ông Công cũng nêu một thực trạng diễn ra ở nước ta thời gian qua về việc một số cá nhân kinh doanh phi đạo đức, vì lợi ích riêng gây hại cho cả xã hội. Gần đây chúng ta thấy một số vụ án liên quan đến các doanh nhân có tiếng tăm, nhưng kinh doanh bất chấp luật pháp, gây tổn thất lớn cho uy tín của giới doanh nhân, doanh nghiệp, hình ảnh quốc gia.