Những ngày gần đây, trước việc phải dừng hoạt động khối THCS tại một số trường chuyên khiến nhiều phụ huynh bày tỏ sự tiếc nuối, đặc biệt đối với những gia đình đã bỏ thời gian dài công sức cho con học luyện thi để mong có một chỗ trong lớp chuyên.
Trước vấn đề này, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV.
Bà Nga cho hay, quy định hệ thống các trường phổ thông, đặc biệt là trường chuyên đã được quy định rất rõ trong Luật Giáo dục năm 2019.
“Vì Luật Giáo dục quy định là không được tồn tại khối khối THCS trong trường chuyên, nên đương nhiên không có lý do để khối này tồn tại, đây là vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật”, bà Nga nói.
Về việc nhiều dư luận quan tâm mặc dù Luật Giáo dục quy định nhưng có thể bàn đến chuyện có thể khối THCS ở trong trường chuyên hay không? Trả lời câu hỏi này, nữ ĐBQH nói rằng: “Chúng ta có nên để khối chuyên từ THCS hay không thì đã được các nhà quản lý giáo dục và các nhà khoa học thảo luận rất nhiều lần và kết luận. Đứng ở góc độ quản lý giáo dục tôi nghĩ rằng với một trường THPT tồn tại khối THCS thì không hợp lý”.
Theo bà Nga, việc chia ra 3 cấp học đều có lý do của nó, vì mỗi một độ tuổi các em học sinh có đặc trưng riêng cho nên phải phân ra trên cơ sở khoa học chứ không phải "thích chia ra như thế nào thì chia" bởi mô hình tổ chức hoạt động của trường THCS nó khác với trường THPT.
“Cùng là trình độ đại học nhưng giáo viên THCS khác giáo viên THPT. Chính vì vậy tồn tại một lớp THCS ở trong trường THPT chưa hẳn là hợp lý về mặt khoa học giáo dục. Do đó, tôi nghĩ không cần thiết và điều quan trọng chúng ta phải thực hiện những quy định đã khi rõ trong luật”, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói rõ.
Nữ đại biểu cũng đánh giá nhiệm vụ chung của các trường THCS trên toàn địa bàn Tp.Hà Nội là đảm bảo đào tạo, phát hiện nhân tài chứ không chỉ giao cho riêng trường nào.
“Mỗi tỉnh sẽ có một trường chuyên ở khối THPT. Trước kết quả thành tích của các em học sinh thời gian qua không thể phủ nhận vai trò của trường chuyên trong việc đào tạo học sinh giỏi, mũi nhọn cho tỉnh. Những giải quốc tế đạt được hầu hết do học sinh trường chuyên, đội ngũ học sinh được đào tạo từ trường chuyên đều có chất lượng học tập vượt trội”, bà Nga đánh giá thêm.
Tuy nhiên, bà Nga cũng nhấn mạnh, phụ huynh và học sinh không nên cho rằng chỉ có con đường vào trường chuyên mới khẳng định chất lượng đào tạo, vì trường chuyên chỉ có một nhưng chúng ta có hệ thống các trường công lập và ngoài công lập đều đã hoàn thành tốt sứ mệnh dạy và học, và có nhiều gương mặt thủ khoa tại các kỳ thi đại học không xuất phát từ trường chuyên.
“Trường chuyên duy trì là cần thiết nhưng các bậc phụ huynh không nên quá áp lực cho con em mình. Mục tiêu của trường chuyên hơi khác với mục tiêu với THPT đại trà, nên phụ huynh cần lựa chọn phù hợp với năng lực của học sinh”, bà Nga bày tỏ.
Luật Giáo dục 2005 quy định trường chuyên chỉ có ở cấp THPT. Nội dung này được giữ nguyên ở Luật Giáo dục 2019. Trong khi đó, mô hình khối THCS trong trường THPT chuyên không nằm trong quy định pháp lý nào.
Tuy nhiên, do tồn tại lịch sử để lại, hiện nay có hai trường là trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Tp.Hồ Chí Minh) và trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tồn tại khối THCS không chuyên.
Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT ngày 28/2/2023 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên. Theo đó, các trường THPT chuyên sẽ không còn khối không chuyên. Các trường THPT công lập không chuyên cũng không còn tồn tại khối chuyên.
Việc tuyển sinh vào các lớp không chuyên của trường THPT chuyên, hoặc khối chuyên trong trường THPT công lập bình thường chỉ được thực hiện đến hết năm học 2023 - 2024.
Bắt đầu từ năm học 2024 - 2025 sẽ theo quy định mới. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là ngừng tuyển sinh lớp 6 ở Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam.
Về những quy định này, trả lời báo chí đại diện Bộ GD&ĐT cho biết việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo nguồn cho trường THPT chuyên thực chất là nhiệm vụ của tất cả các trường THCS chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng một số trường THCS có chất lượng cao.
Những năm qua, có một số học sinh đỗ cao trong các kỳ thi, đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực chỉ học ở các trường bình thường thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội không phát triển.
Sau khi nhận được công văn của Bộ GD&ĐT đề nghị Hà Nội chỉ đạo công tác tuyển sinh vào trường THPT chuyên đúng quy định, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị đang xây dựng kế hoạch, phương án tuyển sinh đầu cấp, gồm tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2024-2025 để báo cáo UBND TP trên tinh thần chấp hành nghiêm quy định của Bộ GD&ĐT.
Đồng thời, Sở cũng đang nghiên cứu tham mưu thành phố đề xuất cơ chế đặc thù với những giải pháp phù hợp trong công tác tuyển sinh vào các trường THPT chuyên trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, học sinh và bảo đảm chất lượng công tác đào tạo mũi nhọn của Thủ đô.