Hôm nay (23/4), Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Đề án "Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025 – 2035, tầm nhìn 2045".
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết nhiệm vụ từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, là nhiệm vụ phù hợp với xu hướng học tập và làm việc trong thời đại mới.
"Ban soạn thảo đã xây dựng dự thảo Đề án, tổ chức một số hội thảo lấy ý kiến với tinh thần hết sức khẩn trương, nước rút, mang tính đột phá nhưng bài bản, đảm bảo tính khả thi", ông Thưởng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo, bằng kinh nghiệm bản thân, kinh nghiệm cơ sở, đưa ra các giải pháp mang tính đột phá, khả thi, góp ý với tinh thần khoa học, đáp ứng mục tiêu, lộ trình ban hành.
Nhận định Đề án là cơ hội nhưng cũng là thách thức, ông Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh: "Bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên là điều kiện tiên quyết để thực hiện Đề án".

ông Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, một số điểm mấu chốt cần tập trung thực hiện gồm rà soát tổ chức bồi dưỡng năng lực đội ngũ, bồi dưỡng năng lực dạy tích hợp nội dung và ngôn ngữ cho giáo viên các cấp, bao gồm cả giáo viên tiếng Anh. Đối với giáo viên các môn học khác, cần được bồi dưỡng tiếng Anh chuyên ngành phù hợp với nội dung giảng dạy.
Bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, đề xuất ban soạn thảo cần bổ sung thêm danh mục học liệu để các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non được cấp thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng triển khai theo đúng yêu cầu đề án.
Phân tích về các vấn đề liên quan đến nội dung, nội hàm, mục tiêu của dự thảo Đề án, GS.TSKH Đỗ Đức Thái - Thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước ngành Toán học, nêu một số lưu ý về nâng cao năng lực giáo viên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh, chi phí thực hiện, công tác truyền thông.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: "Tiếng Anh là để nâng cao năng lực ngôn ngữ của học sinh, sinh viên, đội ngũ giáo viên, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi cao của thị trường lao động giai đoạn mới".
Ghi nhận các ý kiến tại hội thảo, Thứ trưởng lưu ý với Ban soạn thảo về các nội dung của đề án như nhiệm vụ chung, đội ngũ giáo viên, tiêu chí, đầu tư, chương trình, cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện, công tác truyền thông…
Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên chủ động xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất, xây dựng chương trình thực hiện Đề án.
Cùng với đó, chủ động phối hợp với các Sở GD&ĐT để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Từ những kinh nghiệm lý luận, thực tiễn, các cơ sở giáo dục đại học có thể tham mưu cho Bộ GD&ĐT ban hành các chính sách hiệu quả trong thời gian tới.
Theo dự thảo Đề án, tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong trường học Việt Nam là tiếng Anh được dạy - học tại các trường học nơi ngôn ngữ chính thức là tiếng Việt và ngôn ngữ chính được sử dụng chính là tiếng Anh, trong đó tiếng Anh là một môn học và tiếng Anh được sử dụng để dạy - học các môn học/ chuyên ngành phù hợp khác, và trong làm việc/giao tiếp hàng ngày tại trường học.
Dự thảo Đề án quy định có 6 cấp độ nhà trường triển khai tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam với mục tiêu chung tiếng Anh được sử dụng rộng rãi, thường xuyên trong giao tiếp, học tập, nghiên cứu, làm việc, để từng bước trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc, tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ mới, góp phần vào công cuộc phát triển và vươn mình của đất nước.
Trong đó, mục tiêu cụ thể, với giáo dục mầm non, đến năm 2035, phấn đấu 100% các cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện và triển khai tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai cho trẻ mầm non; triển khai chương trình tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai cho 100% trẻ em mẫu giáo (từ 3 đến 5 tuổi). Đến năm 2045, phấn đấu triển khai chương trình tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai cho 100% trẻ em mầm non (trẻ em nhà trẻ và trẻ em mẫu giáo).