Đề xuất cơ chế cảng mở cho siêu cảng container Cái Mép - Thị Vải

Đề xuất cơ chế cảng mở cho siêu cảng container Cái Mép - Thị Vải

Lê Mạnh Quốc

Lê Mạnh Quốc

Chủ nhật, 19/12/2021 19:48

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vừa đề xuất Chính phủ về giải pháp cơ chế cảng mở đối với 8 bến thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chiều 18/12 về phát triển tỉnh kinh tế - xã hội của tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, xuất phát từ nhu cầu thực tế, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã đề xuất hình thành một cảng mở để thực hiện vận chuyển và quản lý hàng hóa giữa các cảng hiện hữu tại khu vực Cái Mép-Thị Vải.

Đây được xem là giải pháp mới, cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho khu vực cảng biển Cái Mép để các cảng tiếp tục thu hút hàng hóa thông qua, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hãng tàu và giảm chi phí logistic.

Theo VIMC, từ năm 2014 đến nay, tốc độ tăng trưởng khu bến Cái Mép ở mức cao, liên tục đón các tàu có trọng tải lớn vào khu vực làm hàng. Cảng CMIT và hệ thống cảng thuộc Tân Cảng (TCIT, TCCT, TCTT) phần lớn đã hoạt động hết công suất.

Khoảng 80-85% lượng hàng xuất nhập khẩu được vận chuyển đến cảng thông qua phương tiện thủy, trong khi đó hầu hết các cảng không có bến chuyên dụng để tiếp nhận xà làn, đồng thời mỗi xà lan cũng có nhu cầu tiếp nhận hàng từ nhiều cảng. Do vậy, để giảm thiểu chi phí điều động xà lan, giảm chi phí logistic bằng cách phát huy tối đa ưu thế của vận tải thủy thì giải pháp kết nối hàng hóa giữa các cảng là cần thiết.

Thực tế nhu cầu kết nối hàng hóa giữa các tàu cập tại các bến cảng khác nhau trong khu cảng Cái Mép là rất cao. Các liên minh hãng tàu có hàng ở hầu hết các bến cảng Cái Mép dẫn đến nhu cầu chuyển hàng liên cảng trở nên thiết yếu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy ngay tại cảng biển, yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là các cảng phải hỗ trợ và chi viện cho nhau trong việc tiếp nhận tàu và xếp dỡ hàng hóa ngay nếu một hoặc nhiều cảng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì thế, cần có cơ chế cảng mở để liên kết khai thác và luân chuyển hàng hóa giữa các bến cảng trong khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Kinh tế vĩ mô - Đề xuất cơ chế cảng mở cho siêu cảng container Cái Mép - Thị Vải

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng biển đặc biệt trong đó khu bến Cái Mép có chức năng là cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế. 

Hưởng lợi thêm 35 triệu USD/mỗi năm

Về tính khả thi của giải pháp cảng mở tại khu vực Cái Mép – Thị vải, VIMC cho biết giải pháp này phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đó xác định cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng biển đặc biệt trong đó khu bến Cái Mép có chức năng là cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế. Giải pháp cũng phù hợp với các định hướng được nêu trong Nghị quyết số 26 của Chính phủ về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Đặc biệt trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ kém vừa ứng phó với dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế xã hội, giải pháp trên sẽ nâng cao khả năng thích ứng với trạng thái bình thường mới vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch hiệu quả, tạo sự bứt phá về khai thác vận hành cảng biển cũng như chuỗi cung ứng logistics.

Phương án đề xuất này cũng được đánh giá dựa trên việc VIMC phân tích chỉ rõ những lợi thế sẵn có và tính khả thi khi triển khai giải pháp cảng mở.

Về lợi thế về địa lý như các bến cảng khu vực Cái Mép nằm liền kề nhau, thậm chí chỉ cách nhau hàng rào; Cầu cảng có thể nối dài liên tục (như CMIT và TCTT; TCIT và TCCT); Cùng chung một tuyến đường bộ 965 kết nối; Có một số ICD đường sông nằm xen kẽ ngay trong khu vực có thể hỗ trợ xếp dỡ hàng hóa lên/xuống các phương tiện thủy để kết nối với các cảng nước sâu ngay trong khu vực; Diện tích khu cảng mở lớn, vẫn có nhiều dư địa mở rộng quy mô sau này.

Về lợi thế hạ tầng, các cảng đều được đầu tư xây dựng hạ tầng và trang thiết bị hiện đại, năng lực khai thác, quản lý và vận hành cảng ngang tầm khu vực và trên thế giới. Khu cảng Cái Mép là một trong số ít các cảng trên thế giới có thể tiếp nhận các tàu mẹ kích cỡ lớn nhất thế giới là các tàu chủ yếu cập các cảng lớn trên hành trình, đây là lợi thế để thu hút tàu gom hàng và hàng trung chuyển quốc tế về Cái Mép.

Về lợi thế về nhà đầu tư, các hãng tàu lớn nhất thế giới, các nhà khai thác cảng hàng đầu thế giới đều có vốn đầu tư tại các bến cảng trong khu vực Cái Mép. Khi hình thành khu cảng mở tại đây với các cơ chế chính sách thuận lợi, các dịch vụ đầy đủ và chuyên nghiệp sẽ giúp tăng sức ảnh hưởng đến quyết định của họ để đưa thêm tàu và hàng trung chuyển quốc tế về Cái Mép và nhanh chóng phát triển.

Nhấn mạnh lợi ích từ giải pháp cảng mở, VIMC cho rằng giải pháp này sẽ giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục chuyển hàng hóa giữa các cảng và tăng năng suất chuyển cảng, cho phép chuyển hàng liên cảng đối với hàng xuất/nhập khẩu và quá cảnh từ Campuchia. Từ đó tăng năng lực cạnh tranh và thu hút thêm lượng hàng trung chuyển quốc tế.

Đồng thời tạo cơ chế để liên kết khai thác giữa các bến cảng liền kề nhằm tối ưu hóa công suất khai thác và tận dụng tối đa cầu bến của nhau, giải quyết được các hạn chế về cầu bến như hiện nay và khắc phục được các điểm yếu trong việc quy hoạch cảng theo hướng manh mún như trước đây.

Tăng lượng hàng nhập khẩu về Cái Mép khi có sự linh động trong việc chuyển hàng liên cảng tạo điều kiện thuận lợi cho hãng tàu kết nối lịch trình ở các cảng. Tăng thêm dịch vụ cho các đơn vị logistics trong việc luân chuyển hàng hóa giữa các cảng.

Theo tính toán của VIMC, dự kiến khi cảng mở được thực hiện thì chi phí vận chuyển xà lan sẽ giảm khoảng 10-15%, mỗi năm sẽ tiết kiệm được khoảng 15 triệu USD. Ước tính nếu 2 cảng liền kề (như CMIT và TCTT với điều kiện cầu bến tương đồng) liên kết, có thể khai thác thêm bến thứ 3 ở giữa và tăng thêm 50% công suất của 2 cảng khoảng 1,2 triệu TEU mỗi năm. Khi giải pháp kết nối giữa 2 cảng CMIT và TCTT được thực hiện thành công thì mỗi năm riêng CMIT sẽ tăng doanh thu khoảng 20 triệu USD. 

Kinh tế vĩ mô - Đề xuất cơ chế cảng mở cho siêu cảng container Cái Mép - Thị Vải (Hình 2).

Từ năm 2014 đến nay, tốc độ tăng trưởng khu bến Cái Mép ở mức cao, liên tục đón các tàu có trọng tải lớn vào khu vực làm hàng. 

Cần giải pháp đồng bộ 

Trên cơ sở định hướng đó, VIMC đề xuất một số vấn đề liên quan đến cơ chế vận hành để vận hành cảng mở tại khu vực Cái Mép Thị Vải.

Trong quản lý hàng hóa luân chuyển thì khi chuyển cảng không phải mở tờ khai chuyển tiếp và niêm phong kẹp chì. Toàn bộ thực hiện bằng phần mềm kết nối với các cảng và hải quan, hoàn toàn không dùng giấy.

Trong quản lý phương tiện vận tải thi phương tiện vận chuyển hàng giữa các cảng đảm bảo được thiết kế riêng, được vận hành bởi công ty có kinh nghiệm và phương tiện này chỉ hoạt động nội bộ trong phạm vi cảng mở; Nhà khai thác sẽ cung cấp số lượng xe chạy nội cảng với số lượng lớn và với giá thành cạnh tranh

Đối với dịch vụ được thực hiện trong khu vực cảng mở, ngoài việc kinh doanh dịch vụ bốc xếp hàng hóa và các dịch vụ hỗ trợ hàng hải, logistics, các dịch vụ được phép thực hiện thí điểm tại khu vực cảng mở gồm: Mua bán đóng gói, đóng gói lại, sắp xếp, sắp xếp lại hàng hóa; Gia cố, sửa chữa hoặc thay container khác đối với hàng trung chuyển và hàng xuất nhập khẩu, hàng quá cảnh.

Bên cạnh đó VIMC cũng đề xuất điều chỉnh một số chính sách và đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất để vận hành cảng mở tại khu vực Cái Mép Thị Vải.

Theo đó, về cơ chế hải quan, VIMC đề xuất cần chấp thuận để hàng hóa xuất nhập khẩu trong khu vực Cái Mép - Thị Vải được coi là một cảng. Giai đoạn thí điểm áp dụng tại khu cảng Cái Mép trong 6 tháng để đánh giá và hoàn thiện; tiến tới áp dụng cho toàn khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Bên cạnh đó, một số cơ chế điều chỉnh cụ thể như tàu chuyển lịch cập bến cảng khác trong khu cảng mở: hãng tàu được thực hiện sửa đổi thông tin cảng dỡ hàng, cảng đích trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; Hàng hóa trung chuyển, hàng xuất/nhập khẩu chuyển giưa các cảng trong khu vực bằng đường bộ trên phương tiện vận chuyển đặc biệt được chấp thuận bởi Bộ GTVT, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu không cần mở tờ khai vận chuyển độc lập, không phải bấm seal Hải quan. Đặc biệt áp dụng mã Hải quan thống nhất cho khu cảng mở.

Về hạ tầng cơ sở vật chất, đề xuất chấp thuận để VIMC hoặc một nhóm các đơn vị hoạt động trong khu vực cảng mở đầu tư đội phương tiện vận chuyển vận chuyển nội bộ giữa các cảng (mỗi xe có thể chở được 4 container 20’). Hệ thống xe vận chuyển của VIMC được thiết kế hình ảnh nhận diện cơ quan chức năng địa phương dễ nhận diện và kiểm soát trong quá trình di chuyển giữa các cảng trong khu vực áp dụng cơ chế cảng mở.

Ngoài ra, đề xuất để VIMC hoặc một nhóm các đơn vị hoạt động trong khu vực cảng mở phát triển hệ thống CNTT để kết nối các phương tiện vận chuyển của mình với hệ thống CNTT của Hải quan để quản lý hàng hóa vận chuyển nội bộ giữa các cảng tại Cái Mép; Hệ thống phần mềm phải đảm bảo kết nối thông suốt với hệ thống phần mềm của Hải Quan để đảm bảo hàng hóa di chuyển trong khu vực cảng mở phải được cập nhật vào hệ thống của Hải Quan và đơn vị Hải quan có thể theo dõi được toàn bộ quá trình di chuyển của hàng hóa.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.