Đề xuất ưu tiên đặt hàng doanh nghiệp Việt khi làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 7, 15/02/2025 17:57

Nhiều ĐBQH kiến nghị ưu tiên đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Chính sách đặc thù để phát triển hệ thống đường sắt

Chiều 15/2, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Thảo luận tại hội trường, ĐBQH Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) quan tâm đến dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đại biểu cho biết dự án có tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng, tác động đến diện tích trồng lúa nước 2 vụ khoảng 709ha; đồng thời dự án đề xuất một số cơ chế đặc thù theo quy định của pháp luật và thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Đề xuất ưu tiên đặt hàng doanh nghiệp Việt khi làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng- Ảnh 1.

ĐBQH Trần Văn Tiến (Ảnh: Media Quốc hội).

Ông Tiến cho rằng, việc đầu tư dự án là cần thiết như tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan.

Trong đó, phù hợp chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các Quy hoạch vùng và các Quy hoạch tỉnh có liên quan đã được phê duyệt.

Về công nghệ của dự án, đại biểu cho rằng đây là tuyến đường sắt liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, nên cần làm rõ việc lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray và điện khí hóa có phù hợp với công nghệ đường sắt của Trung Quốc hay không?

Đại biểu cũng đề nghị quan tâm đến việc kết nối ga với các đường hiện có và các tuyến đường trong quy hoạch của các địa phương.

Ông Tiến cũng đề nghị cơ quan đầu tư rà soát vị trí, chức năng của mỗi ga để bảo đảm phù hợp với quy hoạch của các địa phương có đường sắt chạy qua; bảo đảm kết nối giao thông cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đại biểu cũng nhất trí với tờ trình của Chính phủ, dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công và phân kỳ đầu tư cùng với các chính sách đặc thù.

Tuy nhiên đại biểu kiến nghị, khi dự án hoàn thành sẽ tồn tại nhiều tuyến đường song hành cùng khu vực với các hình thức vận tải khác nhau.

"Vì thế, cần đánh giá tác động khi dự án hoàn thành tác động như thế nào đến thị phần vận tải và hoạt động kinh doanh vận tải trên từng tuyến đường để có phương án xử lý phù hợp", ông Tiến kiến nghị.

Tính hữu dụng cao

Nêu ý kiến, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đánh giá, dự án này có triển vọng mang lại hiệu quả cao bởi đây là tuyến đường sắt kết nối tuyến hành lang từ Lào Cai - Hà Nội – Hải Phòng.

Đồng thời, là tuyến hành lang quan trọng thứ 2 chỉ sau hành lang kinh tế Bắc – Nam, với khối lượng vận chuyển hàng hóa rất lớn. Tuyến này được kết hợp vận chuyển 2 phương thức cả vận tải hàng hóa và hành khách nên tính hữu dụng cao.

Hơn nữa, sau khi xây dựng xong, tuyến sẽ kết nối được với đường sắt Trung Quốc, giúp liên thông liên tục về hàng hóa và hành khách trong nước với quốc tế.

Đề xuất ưu tiên đặt hàng doanh nghiệp Việt khi làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng- Ảnh 2.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Ảnh: Media Quốc hội).

Từ phân tích trên, ông đề nghị dự án này cần nhấn mạnh hơn việc ưu tiên đặt hàng và giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp trong nước về làm chủ xây dựng đường, cầu, hầm, sản xuất đường ray, đóng toa xe. Theo đại biểu, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp đều khẳng định có thể thực hiện được nếu Chính phủ đặt hàng.

"Khi Chính phủ đặt hàng doanh nghiệp, chúng ta chấp nhận ban đầu giá thành có thể cao hơn so với việc đi mua từ quốc tế. Nhưng khi đó toàn bộ số tiền đầu tư đó sẽ trở thành tăng trưởng kinh tế trong nước và giúp tăng trưởng GDP. Nếu nhập công nghệ nước ngoài, tiền đầu tư chảy ra ngoài và chúng ta không bao giờ có được ngành công nghiệp đường sắt", ông Cường nêu ý kiến.

Song song việc mạnh dạn đặt hàng, ông Cường cho rằng Chính phủ cũng phải cam kết thị phần.

"Nếu xong tuyến này mà không đặt hàng tiếp tuyến khác thì các doanh nghiệp không thể đầu tư tiền lớn mua công nghệ. Có cam kết, các doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư, tránh tình trạng như thị phần công nghiệp ôtô nhỏ nhưng cho quá nhiều doanh nghiệp vào dẫn đến các doanh nghiệp không đầu tư công nghệ mà mua linh kiện về lắp ráp", ông Cường cho hay.

"Quyết định đúng đắn, hợp lòng dân"

Tham gia ý kiến, ĐBQH Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) cho rằng, đây là một quyết sách quan trọng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực miền Bắc.

Ông Lềnh nhấn mạnh, chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng phù hợp với các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 và là quyết định đúng đắn, hợp lòng dân, thực sự cần thiết.

Đề xuất ưu tiên đặt hàng doanh nghiệp Việt khi làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng- Ảnh 3.

ĐBQH Sùng A Lềnh (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu khẳng định, đây là tuyến giao thông quan trọng kết nối giao thông kinh tế giữa các vùng kinh tế của Việt Nam và quốc tế, mở ra cơ hội lớn để phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, tiết kiệm chi phí logistic, giảm tải giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường góp phần phát triển xanh, bền vững, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Cho biết, thời gian qua Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức khảo sát trực tiếp tại các địa phương có tuyến đường sắt đi qua, các địa phương đã có nhiều đề xuất về cơ chế chính sách đặc thù quan trọng đã được các cơ quan soạn thảo và đoàn khảo sát tiếp thu, thể hiện khá đầy đủ tại điều 3 của dự thảo Nghị quyết.

Để đảm bảo tiến độ theo đề xuất, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung 2 cơ chế chính sách:

Một là, hỗ trợ khác để ổn định chỗ ở, ổn định đời sống sản xuất cho nhân dân, cho phép UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương chủ động quyết định biện pháp hỗ trợ, mức hỗ trợ đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định hiện hành của pháp luật.

Hai là, cho phép UBND cấp tỉnh được thực hiện ngay công tác quy hoạch thuộc các nội dung liên quan đến dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng theo luật quy hoạch đô thị và nông thôn số 47 ngày 26/11/2024 trước ngày luật quy hoạch đô thị và nông thôn có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025.

Phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho biết, hướng tuyến của dự án được nghiên cứu, lựa chọn bảo đảm ngắn nhất, thẳng nhất, giảm công trình, khối lượng trên tuyến, làm sao cân đối khối lượng đào, đắp, đã làm việc với 9 địa phương để thống nhất phương án tuyến. 

Các công trình trên tuyến, thiết kế phải bảo đảm khả năng chịu lực, phải đạt tiêu chuẩn thiết kế của quốc gia cũng như của thế giới.

Đề cập tới vấn đề nhiều đại biểu quan tâm nhất là tổng mức đầu tư, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, theo định mức, đơn giá trong thiết kế sơ bộ, là xấp xỉ 8,3 tỷ USD trên toàn tuyến. Song trong đây bao gồm cả chi phí xây dựng, thiết bị, giải phóng mặt bằng và các chi phí khác. Nếu trừ chi phí giải phóng mặt bằng và một số chi phí khác thì mức đầu tư là 15,97 triệu USD/km.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.