Mức chia cổ tức bằng 50,94% lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Ngày 13/6, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã cổ phiếu HHV) đã ký Nghị quyết thông qua phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2023. Tỷ lệ cổ phiếu phát hành, cổ phiếu đang lưu hành 5%.
Theo nghị quyết này, Đèo Cả sẽ phát hành 20.584.008 cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng mỗi cổ phiếu, cho đợt thanh toán cổ tức 2023, tổng giá trị hơn 205,8 tỷ đồng.
Tỷ lệ thực hiện là 20:1, tức cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ nhận 1 cổ phiếu mới.
Nguồn vốn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính riêng đã kiểm toán 2023. Thời gian thực hiện ngay sau khi được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Vốn điều lệ của Đèo Cả hiện nay là 4.116,8 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành số cổ phiếu trên là 4.322,6 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính 2023 của HHV cho thấy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty tại 31/12/2023 còn hơn 404 tỷ đồng. Như vậy mức chia cổ tức như trên (205,8 tỷ đồng theo giá trị cổ phiếu) bằng 50,94% lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty.
Dư nợ gần 20.000 tỷ đồng có ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông?
Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vừa diễn ra, ở phần thảo luận các, cổ đông đã có thắc mắc về việc Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả vẫn còn dư nợ lớn tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Đòn bẩy chính lớn có ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp và lợi ích của cổ đông không?
Đại diện Đoàn chủ tịch cho hay, HHV là doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án BOT. Cơ cấu vốn đầu tư các dự án BOT bao gồm vốn ngân sách Nhà nước, vốn chủ sở hữu và vốn do nhà đầu tư huy động từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng.
Trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực, các dự án PPP hầu như còn không có sự tham gia của vốn Nhà nước; cơ cấu vốn đầu tư là 10% đến 15% từ vốn chủ sở hữu và 85% đến 90% từ vốn vay.
Hệ số nợ trên tổng tài sản của HHV chỉ 76%, ở ngưỡng an toàn trong đầu tư theo phương thức PPP. Nếu đầu tư lĩnh vực khác, hệ số này có thể xem là cao, nhưng đối với dự án PPP thì khác.
Đặc thù các dự án PPP, doanh thu luôn có sự tăng trưởng do có sự tăng trưởng lưu lượng xe, đi cùng với tăng trưởng của nền kinh tế; thêm vào đó là tăng trưởng giá vé theo cam kết của cơ quan quản lý nhà nước.
Dư nợ gần 20.000 tỷ đồng của HVV chủ yếu là nợ tài trợ cho các dự án, trước khi Luật PPP có hiệu lực như Hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân, dự án hầm Phước Tượng – Phú Gia, dự án xây dựng cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn…
Trước khi ngân hàng cho doanh nghiệp vay thì đều tiến hành các thủ tục thẩm định rất kỹ về pháp lý, tính khả thi và hiệu quả dự án; tài sản đảm bảo cho các khoản vay là quyền thu phí và các dự án đều đã đưa vào khai thác, tạo ra nguồn thu ổn định và tăng trưởng đều hàng năm.
Nguồn tiền, dòng tiền ổn định, lịch trả nợ đã được sắp xếp phù hợp với vòng thời gian thu phí hoàn vốn của dự án.
Do đó, các khoản vay, lãi vay đều được HHV hoàn trả đầy đủ, đúng hạn và không ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh của HHV cũng như lợi ích của cổ đông.
Đèo Cả làm ăn thế nào?
Theo báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, doanh thu hợp nhất Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả đạt 2.686 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 28% so với cùng kỳ và vượt 8% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 364 tỷ đồng, tăng trưởng gần 22% so với cùng kỳ và vượt 7% kế hoạch. Đến 31/12/2023, tổng tài sản của HHV đạt hơn 36.780 tỷ đồng.
Phía HHV nhận định, nhờ tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát hoàn toàn, kinh tế thông thương và du lịch hồi phục nên lưu lượng xe qua các dự án, trạm thu phí đã ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ.
Trạm thu phí cao tốc và tuyến Quốc lộ 1 của Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn có tăng trưởng doanh thu tốt nhất, lần lượt là 19% và 21% do Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách zero Covid-19.
Riêng chỉ có lưu lượng xe đi qua trạm thu phí Bắc Hải Vân giảm 15% do các phương tiện giao thông, chủ yếu là xe 4 đến 7 chỗ, phân lưu qua tuyến La Sơn – Túy Loan mới đưa vào khai thác.
Doanh thu thu phí năm 2023 theo báo cáo tài chính hợp nhất của HHV, bao gồm 3 dự án, chuỗi hầm Đèo Cả - Cổ Mã – Cù Mông – Hải Vân; hầm Phước Tượng – Phú Gia; cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; ghi nhận đạt 1.573 tỷ đồng, tăng 89 tỷ đồng, khoảng 6%, so với 2022. Tổng doanh thu thu phí của 4 dự án mà HHV đang đầu tư, bao gồm cả dự án BOT QL1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa năm 2023 đạt 1.886 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên cầu đường, hầm và các trạm thu phí năm 2023 đạt 321,34 tỷ đồng, đóng góp khoảng 22% doanh thu của Công ty mẹ.
Cũng trong năm 2023, HHV phối hợp với các doanh nghiệp dự án BOT và đơn vị tư vấn thiết kế làm việc với Cục đường bộ Việt Nam, Khu Quản lý Đường bộ III hoàn thành thỏa thuận hồ sơ thiết kế và dự toán trùng tu dường tuyến Hải Vân 1; trùng tu cầu đường tuyến Đèo Cả - Cổ Mã với tổng giá trị hơn 60 tỷ đồng.
Doanh thu thi công – xây lắp năm 2023 của HHV đạt 1.108 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2022. Doanh thu xây lắp được ghi nhận chủ yếu tại các gói thầu của dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn và dự án Đường ven biển tỉnh Bình Định.
Ngoài ra, HHV thu từ hoạt động trung chuyển xe máy qua hầm Hải Vân 20,92 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ…
Doanh nghiệp này đặt mục tiêu 2024 có tổng doanh thu 3.146,41 tỷ đồng, tăng 17,16% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 404,1 tỷ đồng, tăng 10,88% so với cùng kỳ.
Bên canh đó, quý I/2024, kết quả sản xuất kinh doanh của HHV đã ghi nhận các chỉ số tích cực. Cụ thể, doanh thu quý I/2024 đạt 690 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 114 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với quý I/2023.
Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả có trụ sở chính tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ. Sản phẩm, dịch vụ chính thi công xây lắp các dự án hạ tầng giao thông đường bộ và hoạt động quản lý vận hành các trạm thu phí.