Tỏi là một loài thực vật thuộc họ Allium (hành), có quan hệ họ hàng gần với hành tây, hẹ tây và tỏi tây. Mỗi nhánh của củ tỏi được gọi là một tép, có khoảng 10 - 20 tép trong một củ tỏi. Tỏi mọc ở nhiều nơi trên thế giới và là một nguyên liệu phổ biến trong chế biến thức ăn do dậy mùi và có hương vị thơm ngon.
Ngoài ra tỏi còn được biết đến với nhiều lợi ích sức khỏe như tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch; giảm huyết áp; cải thiện mức cholesterol, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim; ngăn ngừa bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ; giúp giải độc kim loại nặng trong cơ thể; cải thiện sức khỏe xương…
Tỏi rất dễ mua lại có giá thành rẻ, tuy nhiên khi đi chợ, nhiều người phân vân trước 2 loại tỏi màu trắng và màu tím. Nhìn bề ngoài 2 loại không có nhiều khác biệt, nhưng thực tế chúng có nhiều đặc điểm khác nhau.
Tỏi tía hay còn gọi là tỏi cổ cứng, thường có nhánh đều nhau, bao phủ bởi những dải màu tía. Trong khi đó các tép của tỏi trắng to hơn nhưng kích thước không đều, bên trong tép to là những tép nhỏ khum sát vào nhau.
Xét về giá trị dinh dưỡng, tỏi tía có chứa hàm lượng allicin cao hơn. Đặc biệt, trong tỏi tía có chứa anthocyanin có tác dụng đẹp da, chống oxy hoá mà trong tỏi trắng không có.
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ, Đông y coi tỏi tía là một trong những loại thực phẩm dinh dưỡng tốt nhất. Tỏi tía có vị ngọt, cay, tính ôn, tác dụng giải độc, sát trùng, tẩy uế, hạ khí, thông khiếu, tiêu nhọt, tiêu đờm tích, trừ giun, chủ trị đầy trướng, đại tiện khó khăn, tả, lỵ.
Lương y Sáng cho biết, ăn tỏi tía thường xuyên làm tăng tiết insulin, giảm nguy cơ tiểu đường tuýp 2. Tỏi tía giàu germanium và selen nên ngăn chặn được sự tổng hợp nitrosamin (tác nhân gây ung thư). Ngoài ra trong tỏi tía còn có allicin là hoạt chất ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Ăn tỏi tía thường xuyên, giúp các thực bào khỏe, tăng cường miễn dịch chống ung thư.
Ngoài ra, tỏi tía tươi rất giàu chất chống oxy hóa nên giảm được nếp nhăn, giảm những chất béo xấu trong máu, ngăn chặn các bệnh động mạch vành tim, xơ vữa động mạch. Allicin trong tỏi có khả năng chống kích ứng, nên có khả năng ngăn ngừa bệnh viêm khớp dạng thấp. Chất ally sulfide trong tỏi có khả năng chống vi khuẩn cryptosporidium nên phòng các mầm bệnh và ký sinh trùng trong cơ thể.
Xét về mùi vị, mùi vị của tỏi tím cũng nhỉnh hơn so với tỏi trắng. Tỏi tía hợp dùng để nấu ăn, dậy vị và thơm hơn. Tỏi trắng giòn nhưng không cay bằng tỏi tía và dễ ngấy hơn, thích hợp ăn sống, làm salad, bào mỏng để trộn, làm nước chấm.
Tỏi tím không chịu được lạnh nên chỉ trồng được vào mùa xuân. Vì vậy, thời gian sinh trưởng lẫn thu hoạch dài hơn tỏi trắng. Tỏi trắng thì ngược lại, có thể chịu được lạnh nên mùa thu cũng sinh trưởng tốt. Vì vậy, về giá cả, tỏi tím luôn đắt hơn.
Do vậy tùy theo sở thích bạn có thể chọn mua 1 trong 2 loại nhưng dù mua loại tỏi nào bạn cũng cần chú ý đừng mua 4 loại sau:
- Loại tỏi đã bóc sẵn
Có nhiều người khi đi chợ vì muốn tiết kiệm thời gian nên đã chọn mua loại tỏi được người bán hàng bóc sẵn. Tuy nhiên, tỏi khi đã bóc vỏ, nếu không được bảo quản trong nhiệt độ lạnh sẽ rất dễ bị mốc và hỏng. Chính vì vậy, tốt nhất bạn không nên mua loại tỏi này.
-Tỏi mọc mầm thâm đen
Tỏi mọc mầm được xem có giá trị tốt hơn so với tỏi thường. Một nghiên cứu từng chỉ ra rằng tỏi mọc mầm 5 ngày chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn hẳn, rất có lợi cho tim mạch và chống lại tác hại của các gốc tự do gây ung thư, giữ được lượng vitamin C dồi dào. Tuy nhiên, tỏi mọc mầm có vỏ ngoài thâm đen thì bạn phải “tránh xa”. Lý do là bởi loại tỏi bị thâm đen này có thể đã không được bảo quản đúng cách khiến nấm mốc phát triển tạo nên vẻ ngoài kém bắt mắt. Hơn nữa, tỏi mọc mầm khi chế biến thường có mùi hăng, không ngon bằng tỏi khô nên bạn cũng không nên mua.
-Tỏi mềm
Khi đi chợ nên chọn những củ tỏi cứng, chắc, vỏ bóng. Nếu vỏ tỏi mốc đen hoặc sờ vào thấy tỏi mềm hoặc đã héo lại thì chứng tỏ tỏi đã bị hỏng, không nên mua.
-Tỏi há miệng
Tỏi há miệng thường rất dễ bóc vỏ nên được nhiều người lựa chọn. Nhưng cũng chính vì đặc điểm đó nên lớp vỏ bên ngoài dễ bị nấm mốc thâm nhập. Hơn nữa tỏi há miệng cũng rất dễ bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí, chúng có thời gian bảo quản không lâu bằng tỏi có vỏ màng bọc kín.
Minh Hoa (t/h)