Sách Ngữ văn (bộ Chân trời sáng tạo) được nhiều địa phương lựa chọn ở các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, bộ sách này cũng đang tồn tại một số hạn chế đối với sách Ngữ văn lớp 6, lớp 7 và lớp 10. Điều này gây khó khăn, lúng túng cho thầy và trò khi học tập và giảng dạy.
Không thống nhất với chủ đề
Sách giáo khoa Ngữ văn 6 (bộ Chân trời sáng tạo) do tác giả Nguyễn Thị Hồng Nam làm chủ biên là 1 trong 3 bộ sách giáo khoa đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt để đưa vào giảng dạy ở các trường trung học cơ sở trên cả nước.
Tuy nhiên, theo phản ánh, một số ngữ liệu văn bản mà các tác giả sách giáo khoa Ngữ văn 6 đã lựa chọn để đưa vào bài (chủ đề) 3: Vẻ đẹp quê hương là chưa hợp lý, không thống nhất với chủ đề.
Phần tri thức ngữ văn của bài học (chủ đề) thứ 3, các tác giả sách giáo khoa đã đề cập rất rõ về đặc điểm, cách gieo vần, cách ngắt nhịp, thanh điệu… Các kiến thức đọc, thực hành, viết, nói và nghe cũng chủ yếu đề cập đến thơ lục bát một cách rất cụ thể theo yêu cầu cần đạt của bài học.
Ở phần yêu cầu cần đạt, tác giả sách giáo khoa viết liệt kê khá chi tiết, trong đó có những yêu cầu cần đạt như sau: Nhận biết được các đặc điểm của thể thơ lục bát; bước đầu biết làm bài thơ lục bát; viết được đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát; trình bày được một bài thơ lục bát…
Phần giới thiệu bài 3, các tác giả sách giáo khoa giới thiệu như sau: “Đến với bài học này, các em sẽ tìm hiểu được vẻ đẹp quê hương qua những vần thơ lục bát để thấy được giá trị độc đáo của một thể thơ thuần Việt có từ lâu đời”.
Văn bản 1 của chủ đề 3 được kết hợp từ 4 bài ca dao, rải đều từ kinh thành Thăng Long đến miệt Tháp Mười. Tuy nhiên, bài ca dao thứ 2 chưa thực sự phù hợp về số tiếng, cách gieo vần, cụ thể bài ca dao như sau:
"Em đố anh từ Nam chí Bắc
Sông nào là sông sâu nhất?
Núi nào là núi cao nhất nước ta?
Anh mà giảng được cho ra
Thì anh kết nghĩa giao hòa cùng anh.
-Sâu nhất là sông Bạch Đằng
Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan
Cao nhất là núi Lam Sơn
Có ông Lê Lợi trong ngàn bước ra".
Theo văn bản này, phần hỏi của nhân vật “em” thì câu ca dao đầu tiên có 7 tiếng, không đúng với thể loại lục bát. Phần trả lời phía sau, các tiếng thứ 6 của câu lục không gieo vần với tiếng thứ 6 của câu bát. Tiếng thứ 8 của câu bát không gieo vần với tiếng thứ 6 của câu lục.
Đó là chưa kể về kiến thức địa lý, sông Bạch Đằng không phải là sông sâu nhất và núi Lam Sơn cũng không phải là núi cao nhất nước ta.
Vẫn biết, đây là một bài ca dao của cha ông để lại nhưng để làm khuôn mẫu cho học sinh phân tích, nắm về thể loại thơ lục bát - “một thể thơ thuần Việt có từ lâu đời” thì nó chưa thực sự chuẩn mực cả về số câu, cách gieo vần và kiến thức.
Vì thế, gây khó khăn cho giáo viên khi phải lý giải cho học sinh bởi các em vừa học tri thức ngữ văn ở đầu chủ đề thì giáo viên đã giảng giải, phân tích, cung cấp tri thức kỹ lưỡng về thể loại, đặc điểm. Trong đó, có số chữ, cách gieo vần nhưng khi vào văn bản mẫu thì các tác giả sách giáo khoa lại cung cấp văn bản minh họa như vậy.
Sách Ngữ văn 7 cũng còn “sạn”
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện giảng dạy chương trình 2018 ở lớp 7 với 3 bộ sách giáo khoa khác nhau.
Tuy nhiên, sau nửa học kỳ đầu, theo phản ánh của một số giáo viên đứng lớp có một số điều băn khoăn đối với sách Ngữ văn 7 (bộ Chân trời sáng tạo) do tác giả Nguyễn Thị Hồng Nam và Nguyễn Thành Thi làm đồng chủ biên.
Những văn bản văn học được các tác giả đưa vào sách giáo khoa ít, chưa thực sự hay nên “chất văn” trong sách giáo khoa Ngữ văn chưa nhiều. Một số phần, sách giáo khoa Ngữ văn 7 in cỡ chữ quá nhỏ, quá dày khiến học sinh và giáo viên rất khó đọc.
Một số bài học khi sử dụng hình ảnh tác giả chưa thực sự khoa học và có cả những chủ đề phần đọc một đường, phần viết hướng dẫn một nẻo nên không tạo được tính liên kết cho chủ đề.
Nhiều giáo viên đang dạy môn Văn 7 cho rằng sách giáo khoa mới có phần khô khan, xơ cứng, đặc trưng của môn học bị mai một. Bởi, cho dù ai cũng biết tình trạng đuối nước của học sinh vẫn thường xảy ra ở nhiều nơi nhưng môn Ngữ văn mà đưa bài “Phòng tránh đuối nước” vào để dạy và học thì e là khiên cưỡng, chưa thực sự hợp lý với tính chất của môn Văn.
Bên cạnh đó, học sinh bây giờ cận thị khá nhiều và tất nhiên nó được bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không đơn thuần là do học sinh đọc sách.
Thế nhưng, sách giáo khoa môn Ngữ văn của mỗi lớp viết ra sẽ có hàng triệu học sinh đọc, học hàng chục năm trời mới thay chương trình, sách giáo khoa khác.
Vì vậy, khi biên soạn, thiết kế và phát hành sách giáo khoa thì những người biên soạn, biên tập phải chú ý đến cách trình bày, cỡ chữ để học sinh không phải căng mắt, sát mắt để đọc những dòng chữ li ti dày đặc trong sách giáo khoa.
Sách giáo khoa môn Ngữ văn thường rất nhiều chữ và tất nhiên là giáo viên và học sinh phải đọc, nhất là những phần chữ nhỏ ở sách giáo khoa Ngữ văn 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo) thường là những nội dung quan trọng.
Đó là phần hướng dẫn sử dụng sách; phần viết - hướng dẫn phân tích kiểu văn bản phải đọc nhiều lần nên việc chữ quá nhỏ rất dễ lẫn lộn giữa các dòng với nhau. Trong khi, các chú thích trong văn bản lại nhiều nên khó đọc và tất nhiên không tốt về mắt cho học trò và cả giáo viên nữa.
Tình trạng này không chỉ ở sách Ngữ văn 7 mà sách giáo khoa Ngữ văn 6 (bộ sách Chân trời sáng tạo) cũng bắt gặp những bài học có chữ nhỏ li ti như thế này.
Ngoài ra, phần minh họa ảnh tác giả ở một số bài viết cũng gây băn khoăn vì thông thường ảnh, tiểu sử tác giả thường để ở đầu, hoặc sau khi kết thúc văn bản sẽ giúp cho học sinh dễ cảm, dễ nhìn và khi học hơn.
Nhưng, sách sách giáo khoa Ngữ văn 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo) bố trí một số ảnh, tiểu sử tác giả rất dễ gây hiểu lầm vì nếu chưa đọc, nhìn qua cứ ngỡ những bức hình tác giả là của bài phía dưới cứ không nghĩ là của bài phía trên.
Vì một số ảnh, tiểu sử tác giả sách giáo khoa Ngữ văn 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo) được bố trí ở cuối cùng của văn bản (sau ngữ liệu, sau các câu hỏi) mà bài học phía sau lại liền kề với hình ảnh chân dung và tiểu sử của tác giả bài học phía trên…
Vẫn biết viết sách giáo khoa là “làm dâu trăm họ”, nhất là đối với sách giáo khoa môn Ngữ văn ở các cấp học phổ thông. Vì thế, các giáo viên đứng lớp và người viết chỉ dám nêu lên những băn khoăn của mình và mong muốn tác giả sách giáo khoa (cả 3 bộ sách) cần thận trọng khi đưa văn bản văn học vào từng chủ đề bài học.
Đã là một chủ đề thì nó phải có tính tương đồng, gần gũi nhau chứ không thể riêng lẻ, rời rạc sẽ khiến cho người dạy, người học gặp những khó khăn nhất định.
Một vòng đời sách giáo khoa có tới hàng chục năm trời và có hàng triệu học sinh sẽ học. Nếu sách giáo khoa chuẩn mực, gần gũi sẽ giúp cho học sinh thẩm thấu được trọn vẹn và hiểu cặn kẽ vấn đề. Ngược lại, nếu dùng ngữ liệu chưa phù hợp sẽ khiến cho học sinh khó tiếp cận và mục tiêu của chương trình đặt ra cũng khó đạt được.
Khánh Linh